Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Thực trạng tranh chấp đất đai vùng DTTS: Cần có giải pháp căn cơ

Vũ Lợi - 10:02, 28/02/2020

Đất không cấp được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), hoặc đất cấp trong sổ không giống như thực tế, đất không có giấy tờ; một bộ phận người dân còn thiếu hiểu biết, thờ ơ với việc đăng ký cấp sổ đỏ… là thực trạng ở nhiều địa phương vùng cao của tỉnh Điện Biên, kéo dài trong nhiều năm, không chỉ khiến tình trạng khiếu kiện kéo dài, gây mất an ninh trật tự mà còn dẫn đến các vụ án đau lòng.

Những mảnh nương được phân định ranh giới đơn giản chỉ bằng những hàng rào đá thô sơ ở vùng cao tỉnh Điện Biên.
Những mảnh nương được phân định ranh giới đơn giản chỉ bằng những hàng rào đá thô sơ ở vùng cao tỉnh Điện Biên

Câu chuyện đau lòng

Đã 3 năm trôi qua, bản Ma Lù Thàng, xã Huổi Lèng, huyện Mường Chà (Điện Biên) vẫn bao trùm không khí tang thương. Căn nhà gỗ nhỏ hoang vắng, cửa đóng then cài của ông Sùng Sái Dơ, dân tộc Mông, sinh năm 1950, u ám như mới có tang. Ông Dơ là một trong những nạn nhân trong vụ thảm án chấn động vùng sơn cước Ma Lù Thàng xảy ra đầu năm 2017, khiến 4 người chết. Chỉ vì tranh chấp mảnh đất nương mà từng nhát dao phát nương oan nghiệt đã găm vào vợ chồng ông Dơ và người con trai út.

Sùng A Hí, sinh năm 1997, người con trai thứ 7 của nạn nhân Sùng Sái Dơ cho biết người họ hàng gây ra ngày đại tang cho gia đình anh ngay sau khi gây án cũng đã ăn lá ngón tự tử. Mảnh đất nương tranh chấp, đánh đổi bằng 4 mạng người trong cùng thân tộc giờ bỏ hoang lạnh lẽo. Mảnh nương ấy, bản thân Hí cũng chẳng biết rõ có diện tích bao nhiêu, ranh giới từ đâu, liệu rồi có lại xảy ra tranh chấp gây xung đột, án mạng nữa hay không?

Sự mơ hồ về nguồn gốc đất đai này không chỉ riêng gia đình A Hí. Cả bản Ma Lù Thàng này hầu như chẳng nhà ai có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, hoặc bản đồ phân định rõ ranh giới cho đất canh tác của từng hộ.

Ông Hạng Sáy Dua, Bí thư Đảng ủy xã Huổi Lèng, thở dài ngao ngán: Địa bàn đồi núi dốc, đất canh tác ít, số khẩu phát sinh mỗi ngày, dẫn đến thiếu đất sản xuất. Vì vậy, việc tranh chấp đất ở, đất nương là điều rất dễ xảy ra. Mỗi tháng, mỗi năm, chính quyền cơ sở phải liên tục giải quyết việc tranh chấp này.

“Công tác quản lý đất đai và nhiều mặt khác của địa phương còn nhiều khó khăn, khi thủ tục cấp sổ đỏ cho các hộ gia đình chưa được hoàn chỉnh, việc phân định ranh giới đất cho các hộ không rõ ràng, chưa kể cán bộ có chuyên môn còn thiếu”, ông Dua cho biết.

Cần giải pháp căn cơ

Câu chuyện thảm án ở bản Ma Lù Thàng chỉ là một trường hợp xảy ra do mâu thuẫn tranh chấp đất nương. Những sự việc đau lòng tương tự vẫn có thể sẽ tiếp tục xảy ra, khi ngay tại bản Ma Lù Thàng, hàng chục hộ đến nay vẫn chưa biết đến sổ đỏ là gì. Những mảnh nương được phân định ranh giới đơn giản chỉ bằng những hàng rào đá thô sơ. Theo số liệu của UBND xã Huổi Lèng, trên địa bàn còn đến 70% số hộ chưa làm được sổ đỏ.

Đại tá Vũ Tiến Dũng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên cho biết: Khi có tranh chấp đất xảy ra, nếu các ngành chức năng, nhất là cơ quan quản lý về đất đai địa phương không vào cuộc kịp thời, không có những rà soát, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân thì sẽ không giải quyết dứt điểm được.

Lâu nay, công tác hòa giải, vận động, tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân là cách làm đang được cơ quan chức năng, chính quyền địa phương ở tỉnh Điện Biên áp dụng mỗi lần giải quyết các vụ việc tranh chấp đất xảy ra. Nhưng đây mới chỉ là cách giải quyết tạm thời. Phương án tối ưu là quy hoạch đất chính chủ, phân định rõ ranh giới để cấp sổ đỏ cho người dân. Nhưng đây vẫn đang là vấn đề còn bỏ ngỏ, hoặc có muốn làm nhưng còn bị vướng khó khăn về cơ chế chính sách, tài chính.

Thống kê của tỉnh Điện Biên, từ năm 2016 đến nay có hơn 40 vụ tranh chấp phức tạp về đất đai, trong đó gây chết 4 người, bị thương nặng 6 người; nhiều vụ có tính chất tập thể kéo dài tới hàng chục năm.