Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Thực hiện Dự án phát triển cơ sở hạ tầng thuộc Chương trình 135 ở Hòa Bình: Áp dụng cơ chế quản lý đầu tư xây dựng đặc thù

PV - 09:23, 03/07/2018

Thời gian qua, Ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình đã áp dụng cơ chế quản lý đầu tư xây dựng đặc thù theo Nghị định 161/NĐ-CP trong Dự án phát triển cơ sở hạ tầng. Tỉnh đã giao 70% công trình trên tổng số công trình toàn tỉnh cho cấp xã làm chủ đầu tư, tạo điều kiện cho cộng đồng được tham gia hầu hết quá trình đầu tư. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đã có cuộc trao đổi với bà Đinh Thị Thảo, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình.

Việc áp dụng cơ chế quản lý đầu tư xây dựng đặc thù theo NĐ 161/2016/NĐ-CP trên địa bàn tỉnh Hòa Bình thời gian qua cho thấy, đã có những thành công nhất định. Xin bà cho biết kết quả thực hiện dự án xây dựng cơ sở hạ tầng thuộc Chương trình 135 năm 2017 theo Nghị định 161?

Năm 2017, UBND tỉnh Hòa Bình quyết định áp dụng cơ chế quản lý đầu tư đặc thù theo NĐ 161/2016/NĐ-CP đối với toàn bộ danh mục dự án hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thuộc Chương trình 135 theo kế hoạch năm 2017. Các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng do UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư và giao 100% các xã là chủ đầu tư. Tuy nhiên khi thực hiện một số xã đã đề nghị giao lại cho Ban quản lý dự án 135 huyện làm chủ đầu tư, với lý do chưa đủ năng lực thực hiện.

Bà Đinh Thị Thảo. Bà Đinh Thị Thảo.

Theo Kế hoạch năm 2017, tỉnh Hòa Bình được Trung ương phân bổ vốn đầu tư thực hiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng 99 xã và 99 thôn bản đặc biệt khó khăn thuộc diện đầu tư Chương trình 135 trên địa bàn 10 huyện với tổng mức đầu tư được duyệt 129 tỷ. Thực hiện xây dựng 233 công trình, bao gồm: 137 công trình giao thông; 68 công trình nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng; 4 công trình trường học và hạng mục phụ trợ; 16 công trình thủy lợi; 05 công trình nước sinh hoạt; 03 công trình khác. Hiện nay 100% công trình đã được bàn giao đưa vào sử dụng.

Bà đánh giá như thế nào về việc triển khai áp dụng cơ chế quản lý đầu tư xây dựng đặc thù theo Nghị định 161 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình?

Chúng tôi cho rằng rất hiệu quả và có tính khả thi về sau này. Ngay từ khi triển khai từ cơ sở, người dân đã có thể tham gia và đóng góp xây dựng vào chương trình thông qua các công tác quy hoạch, lập kế hoạch hằng năm đều được đề xuất từ cơ sở, đảm bảo công khai, minh bạch. Năm 2017, tỉnh đã giao 70% công trình trên tổng số công trình toàn tỉnh cho cấp xã làm chủ đầu tư, tạo điều kiện cho nhân dân được tham gia hầu hết quá trình đầu tư, từ việc tham gia lựa chọn công trình, tham gia giám sát và thực hiện; quản lý vận hành, duy tu bảo dưỡng công trình.

Bên cạnh đó, các chủ đầu tư đã làm tốt công tác vận động, tuyên truyền và công khai các định mức đầu tư để dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Người dân hiểu và tự nguyện hiến đất, đóng góp kinh phí để xây dựng các công trình như: mở đường, xây trường học, trạm y tế, nước sạch, thủy lợi... Các công trình xây dựng hạ tầng khi xây dựng hoàn thành đều được gắn biển ghi tên công trình thuộc nguồn vốn Chương trình 135 và nhân dân đóng góp.

Trong quá trình thực hiện, có khó khăn, vướng mắc gì không, thưa bà?

Ngoài những thuận lợi, vẫn còn những khó khăn nhất định. Cụ thể như: một số văn bản hướng dẫn thực hiện ban hành chậm, chưa kịp thời, gây lúng túng cho cơ sở. Vẫn còn một số xã triển khai chậm trong quá trình lập hồ sơ, thẩm định, duyệt hồ sơ công trình… Năng lực cán bộ của một số xã còn hạn chế, gặp nhiều khó khăn trong thực hiện thủ tục về quản lý đầu tư theo quy định.

Thực tế cho thấy, 100% các xã vẫn còn phụ thuộc vào sự hướng dẫn của Phòng Dân tộc các huyện và chuyên gia, tư vấn hỗ trợ, giúp đỡ trong tất cả các bước quản lý đầu tư. Thậm chí một số xã đề nghị Ban quản lý dự án của huyện tiếp tục triển khai thực hiện do xã chưa đáp ứng năng lực làm chủ đầu tư xây dựng công trình…

Vậy theo bà giải pháp khắc phục trong thời gian tới là gì?

Cần tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở về công tác làm chủ đầu tư, quản lý đầu tư dự án, kiểm tra, giám sát xây dựng công trình. Tùy tình hình thực tế để xem xét, lựa chọn phù hợp điều kiện năng lực cấp xã giao làm chủ đầu tư theo lộ trình đến năm 2020. Nên xem xét bổ sung cán bộ cấp huyện có trình độ chuyên môn phù hợp tham gia Ban giám sát cộng đồng của xã nhằm đảm bảo năng lực giám sát theo quy định, vì hiện nay Ban giám sát cộng đồng xã đa phần chưa đủ năng lực, khả năng tự thực hiện. Cần tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan liên quan, ban ngành trong chỉ đạo, kiểm tra giám sát và đôn đốc việc thực hiện dự án trên địa bàn.

Xin cảm ơn bà!

MINH THU