Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Thổ cẩm Chăm - sáng lên từ Mỹ Nghiệp

PV - 12:23, 05/02/2018

Những người già trong làng kể lại rằng, mẹ xứ sở Ponagar là người đã dạy cho dân tộc Chăm trồng bông, dệt vải. Cũng từ đó người Chăm xem dệt thổ cẩm là tiêu chuẩn để đánh giá một người phụ nữ đảm đang. Trải qua bao thăng trầm của thời gian, nghề dệt thổ cẩm truyền thống vẫn được người Chăm ở Phan Rang gìn giữ và xem đó là một niềm tự hào của dân tộc mình.

Sức sống ở làng dệt cổ

Làng Chăm Mỹ Nghiệp, thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) nằm bên dòng sông Lu hiền hòa, cách TP.Phan Rang-Tháp Chàm khoảng 10km về hướng Nam. Cho dù đã lên phố, lên phường nhưng Mỹ Nghiệp vẫn giữ nguyên dáng vẻ một làng xưa xóm cũ với vườn cây, ruộng lúa, nếp nhà xưa cổ kính và nghề dệt truyền thống đã tồn tại từ bao đời nay.

Thiếu nữ Chăm bên khung dệt. Thiếu nữ Chăm bên khung dệt.

 

Những người già trong làng kể lại rằng, mẹ xứ sở Ponagar là người đã dạy cho dân tộc Chăm trồng bông, dệt vải. Và cũng từ đó người Chăm xem dệt thổ cẩm là tiêu chuẩn để đánh giá một người phụ nữ đảm đang. Về Mỹ Nghiệp những ngày đầu Xuân để tìm hiểu về nghề dệt truyền thống, nhìn đôi tay của phụ nữ Chăm thoăn thoắt trên khung dệt, chúng tôi mới tận tường được sự điêu luyện, được đúc kết từ cả một quá trình. Quá trình đó phải chăng đã bắt đầu từ bài học vỡ lòng của mẹ Ponagar, để bây giờ những tấm thổ cẩm như có hồn tỏa ra từ hoa văn và màu sắc, bay đi khắp bốn phương trời.

Ông Phú Văn Ngòi, một người dân sống lâu năm ở làng cho biết: “Xưa kia, người dân Mỹ Nghiệp tự trồng bông và nuôi tằm tự túc nguyên liệu sản xuất, sản phẩm cung cấp cho cộng đồng người Chăm và các cư dân quanh vùng như Raglai, Chu-ru, Ê-đê. Bây giờ thì nghề trồng bông, nuôi tằm đã mất, nguyên liệu dệt vải được thay thế bằng sợi chỉ công nghiệp. Nhưng cách dệt và tạo hoa văn trên vải vẫn bảo lưu gần như nguyên vẹn các công đoạn thời cha ông, giữ được bản sắc văn hóa Chăm và điều này đã cuốn hút khách du lịch”.

Có thể khẳng định, yếu tố làm nên sức cuốn hút tiềm tàng của thổ cẩm Chăm đó là những hoa văn đặc trưng như: hình chim thú, hoa lá cách điệu... Ngoài ra, còn có vô số hoa văn biểu tượng của dân tộc Chăm rất sống động như: hoa văn quả trám (bingu tamun), hoa văn cách điệu hình rồng (bingu hăng), hoa văn chân chim (takay wa), hoa văn hột lúa nổ, hoa văn lá bồ đề…

Trao đổi với chúng tôi, chị Văn Thị Bạch, một nghệ nhân của làng nghề chia sẻ: “Qua những hoa văn trên thổ cẩm, người Chăm muốn gửi gắm ý tưởng, tình cảm và ước nguyện vào một cuộc sống bình yên, no ấm. Để dệt được 100m hoa văn thì phải mất 1 tháng, vì mỗi ngày người thợ giỏi nhất cũng chỉ dệt được 4m thôi. Tuy mất nhiều thời gian và công sức nhưng mình làm vì đam mê và mong muốn giữ lại nghề truyền thống của cha ông”.

Sáng lên ngọn lửa nghề

Cũng như các làng nghề truyền thống khác, dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp đã trải qua những năm tháng khó khăn, nhưng với lòng yêu nghề và tài năng, những người thợ dệt Mỹ Nghiệp vẫn âm thầm nuôi dưỡng nghề truyền thống, như giữ gìn ngọn lửa nhỏ thắp sáng niềm tin.

Du khách đang chọn mua sản phẩm thổ cẩm Mỹ Nghiệp. Du khách đang chọn mua sản phẩm thổ cẩm Mỹ Nghiệp.

 

Một tín hiệu vui, mở ra cơ hội để nghề dệt truyền thống của người Chăm phát triển sang một hướng đầy tiềm năng. Ông Hàm Minh Thiệu, Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Thổ cẩm Mỹ Nghiệp cho biết: “Sản phẩm thổ cẩm Chăm của làng trước đây làm ra chỉ phục vụ cho sinh hoạt cộng đồng, sau này Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư hơn 11 tỷ đồng để xây nhà trưng bày. Qua đó tạo điều kiện cho bà con xã viên góp vốn lại cùng nhau thành lập HTX Thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp vào năm 2010. Ngay sau khi thành lập, HTX đã thu hút hơn 73 xã viên. Từ một sản phẩm chỉ phục vụ trong sinh hoạt cộng đồng, thổ cẩm Chăm đã trở thành hàng hóa, bà con nơi đây rất phấn khởi.

Từ đó, nhiều sản phẩm của làng nghề như cà vạt, túi xách, ví, áo ghi lê, ba lô đến váy, áo, xà rông khăn bàn, khăn trải giường... được trưng bày ở các cuộc triển lãm, hội chợ quốc tế trong nước và xuất khẩu sang châu Âu, châu Mỹ. Hiện nay, hầu hết người dân trong làng đều làm nghề, trong đó có rất nhiều thợ lâu năm, là vốn quý của nghề dệt thổ cẩm không nơi nào có được.

Sự khởi sắc của nghề dệt thổ cẩm đã thu hút khá nhiều lao động, góp phần xóa đói, giảm nghèo tại địa phương. Có những người thu nhập từ 10-20 triệu đồng/tháng nhờ dệt thổ cẩm. Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt của HTX Thổ cẩm Mỹ Nghiệp vẫn là đầu ra ổn định cho sản phẩm. Làm thế nào để bán được hàng, khắc phục được tình trạng bấp bênh của giá cả, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người thợ vẫn là vấn đề nóng của HTX. Việc gìn giữ nghề truyền thống quê hương đã khó, nhưng phát triển nó còn khó hơn nhiều.

Điều đáng mừng là nhiều năm nay, những người thợ dệt Chăm ở đây đã không ngừng phấn đấu để níu giữ một mảng hồn của dân tộc mình. Vì vậy, ông Hàm Minh Thiệu mong muốn, Nhà nước hỗ trợ HTX quảng bá hình ảnh và sản phẩm của làng nghề đến nhiều nơi. Từ đó tìm đầu ra cho sản phẩm của Mỹ Nghiệp. Ông khẳng định, “chúng tôi sẽ tính tiếp con đường mở rộng sản xuất, khôi phục lại các hoa văn cổ của người Chăm, để tạo ra sản phẩm đặc thù cho làng nghề”.

Rời Mỹ Nghiệp khi nắng chiều đã tắt, những cơn mưa lất phất phủ lên tháp Chàm đứng uy nghi trên đồi xương rồng trơ trọi, mùa Xuân mới lại về, hy vọng sẽ mang theo những điều lành cho làng dệt Chăm Mỹ Nghiệp.

PHƯƠNG LÊ