Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Than Uyên (Lai Châu): Đánh thức tiềm năng phát triển nông nghiệp hàng hóa

Bùi Chiến - 07:37, 01/11/2022

Huyện Than Uyên (Lai Châu) sở hữu cánh đồng Mường Than, là một trong những cánh đồng lớn của khu vực Tây Bắc. Người dân nơi đây có trình độ canh tác cao, là một trong những địa phương đã gặt hái nhiều trái ngọt, mùa vàng sau mỗi vụ sản xuất. Sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, cung ứng ra thị trường, nâng cao giá trị nông sản, là một trong những định hướng đúng để Than Uyên đánh thức tiềm năng, thế mạnh nông nghiệp.

Bà Giàng Páo Mỷ - Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu (thứ hai từ trái qua) thăm, kiểm tra mô hình kinh tế tại xã Pha Mu
Bà Giàng Páo Mỷ, Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu (thứ hai từ trái qua) thăm, kiểm tra mô hình kinh tế hộ gia đình tại xã Pha Mu

Từ định hướng đúng

Căn cứ tình hình thực tiễn tại địa phương, HĐND huyện đã ban hành Nghị quyết số 140/NQ-HĐND ngày 18/12/2020 của HĐND huyện về phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021 - 2025. UBND huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo triển khai Nghị quyết và cụ thể hóa bằng các kế hoạch sản xuất. Quá trình thực hiện đã chú trọng công tác tuyên truyền, tính riêng từ đầu năm tới nay, đã phối hợp tổ chúc 4 lớp tập huấn chuyên đề về chính sách nông nghiệp và Nghị quyết phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung cho gần 300 lượt người.

 Bên cạnh đó, huyện đã tổ chức 2 hội nghị tuyên truyền chính sách phát triển nông, lâm nghiệp, nhằm tạo sự thống nhất từ nhận thức tới hành động của các cơ quan chuyên môn, cấp ủy, chính quyền địa phương và các hộ sản xuất trong quá trình triển khai Nghị quyết.

Sau gần 2 năm đưa Nghị quyết vào cuộc sống, nông nghiệp Than Uyên đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, mặc dù, quá trình triển khai thực hiện còn gặp không ít khó khăn. Trong năm, diễn biến thời tiết phức tạp, bất thường, nhiều biểu hiện cực đoan đã ảnh hưởng tới sản xuất. Sản xuất vụ Đông Xuân, giai đoạn xuống giống, rét đậm, rét hại ảnh hưởng tới sinh trưởng, phát triển của mạ. Nắng nóng kéo dài, kèm theo giông lốc vào thời điểm lúa trổ bông, mưa liên tục trong giai đoạn thu hoạch. Cùng với đó, tác động của bão giá vật tư nông nghiệp, khiến cho sản xuất nghiệp trên địa bàn nhiều phen lao đao.

Ông Lò Văn Hương, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện chia sẻ, trước tình hình trên, cấp ủy, chính quyền các cấp đã cùng các cơ quan chuyên môn, không chỉ tăng cường công tác lãnh chỉ đạo, mà trực tiếp sắn quần, lội ruộng sát cánh cùng các hộ sản xuất từng bước tháo gỡ các khó khăn. Theo đó, các nguồn vốn được lồng ghép hiệu quả, người dân chịu thương, chịu khó, lao động sáng tạo, đã tạo được nguồn lực tổng hợp giúp nông nghiệp Than Uyên có thêm sinh khí mới, tiếp tục đạt được những thành quả mới, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết. Đến thời điểm hiện tại, sản xuất lúa, ngô hàng hóa; cây ăn quả, mắc ca; chăn nuôi, thủy sản trên địa bàn huyện đang đi đúng hướng.

Huyện Than Uyên ngày càng có nhiều mô hình chăn nuôi với số lượng lớn
Huyện Than Uyên ngày càng có nhiều mô hình chăn nuôi với số lượng lớn

Trong đó, sản phẩm nông nghiệp không chỉ góp phần bảo đảm an ninh lương thực trên địa bàn, mà còn được cung cấp ra thị trường trong và ngoài tỉnh, góp phần làm phong phú nguồn lương thực, thực phẩm tại địa phương, giúp nông dân có thêm thu nhập.

Đánh thức thế mạnh của địa phương

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện chia sẻ, toàn huyện đã có 650 ha lúa chất lượng cao, chủ yếu là các giống đặc sản Séng Cù (221 ha), với sự tham gia của hơn 1.000 hộ tại các xã Phúc Than, Mường Than, thị trấn, Hua Nà và Mường Cang. 

"Qua trao đổi với các hộ sản xuất tại địa phương, chúng tôi được biết, thực hiện đúng quy trình thâm canh, lúa Séng Cù cho năng suất cao hơn 5,2 tấn/ha. Với mức giá bình quân trên thị trường 15.000 đồng/kg, mỗi ha trồng lúa Séng Cù trừ chi phí sản xuất thu được 40 triệu đồng, cao gấp đôi các giống lúa thường", bà Thu Thủy cho hay.

Ngoài Séng Cù, Than Uyên còn có một số giống lúa hàng hóa khác, như Hương Thơm, Bắc Thơm, nếp Tan Pỏm… cũng là những sản phẩm được thị trường đón nhận. Ngoài lúa thương phẩm, thời gian gần đây, huyện Than Uyên đẩy mạnh sản xuất ngô hàng hóa. Theo đó, toàn huyện có hơn 1.000 ha, trọng điểm trồng là ở các xã Phúc Tan, Mường Kim, Ta Gia…; Sản lượng ngô từ đầu năm tới nay đạt gần 1,3 nghìn tấn, với mức giá bình quân 7.000 đồng/kg, cung ứng cho các tỉnh lân cận, như: Lào Cai, Sơn La, Yên Bái. Bình quân, mỗi ha trồng ngô người dân thu lãi hơn 15 triệu đồng.

Để trồng trọt phát triển, nâng cao đời sống cho các hộ sản xuất, mở rộng diện tích vùng chè nguyên liệu, cây ăn quả, cây mắc ca là hướng đi đúng, góp phần đánh thức thế mạnh nông nghiệp của mỗi địa phương trong toàn huyện. Đặc biệt, qua số liệu thống kê của các cơ quan chuyên môn, toàn huyện đã có hơn 1,6 nghìn ha chè, tập trung chủ yếu tại Phúc Than, Mường Kim, Tà Hừa, Tà Mung, Ta Gia và một số địa phương khác. Trong đó, có hơn 1,1 nghìn ha chè kinh doanh, sản lượng búp tươi 6 tháng đầu năm đã đạt hơn 2,6 nghìn tấn. Song song với đẩy mạnh sản xuất, mở rộng diện tích, huyện Than Uyên đang giao cho các cơ quan chuyên môn, phối hợp cùng các hộ sản xuất thực hiện quy trình sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP.

Người dân xã Tà Mung chăm sóc chè đang trong giai đoạn phát triển
Người dân xã Tà Mung chăm sóc chè đang trong giai đoạn phát triển

Cùng với mở rộng diện tích chè thương phẩm, thời gian qua, Than Uyên đang phấn đấu đạt mục tiêu Nghị quyết trồng trên 300 ha cây ăn quả. Tới thời điểm hiện tại, đã đạt trên 275 ha, chủ yếu xoài, dứa, chanh leo, ổi nhãn chín muộn, nho hạ đen… sản lượng quả tươi từ đầu năm tới nay đã đạt hơn 146 tấn. Được bao tiêu sản phẩm theo chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, cây ăn quả tập trung đang phát huy hiệu quả. Cùng với đó, Than Uyên còn có gần 1,4 nghìn ha cây mắc ca đang trong giai đoạn kiến thiết cơ bản.

Tạo thế cân đối trong tỷ trọng ngành nông nghiệp, huyện đã chú trọng phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung. Tới thời điểm hiện tại, địa phương đã có hơn 100 cơ sở chăn nuôi đại gia súc, lợn với quy mô lớn. Ngoài ra, đã phát triển hơn 600 thùng nuôi ong lấy mật tại các xã Pha Mu, Mường Mít, Tà Hừa, nâng tổng số đàn ong trên toàn huyện lên hơn 1,5 nghìn đàn. Cùng với đó, là hơn 630 lồng cá trên các hồ thủy điện Huổi Quảng, Bản Chát. Chăn nuôi chú trọng công tác phòng dịch bệnh đang phát triển đúng hướng giúp tăng tổng đàn, tạo nguồn thu nhập cao, ổn định cho nông dân.

Nhiều sản phẩm đã xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý và đẩy mạnh xúc tiến thương mại. Toàn huyện đã có 17 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 - 4 sao được bày bán trên thị trường và một số siêu thị. Hiện đã có một số hợp tác xã, doanh nghiệp thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp.

Phát triển nông nghiệp hàng hóa theo hướng tập trung ở Than Uyên, đang theo kế hoạch, đúng lộ trình. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, cũng bộc lộ một số hạn chế, tồn tại, nhất là việc thanh quyết toán vốn đầu tư còn vướng mắc về thủ tục... những khó khăn đó, đã được kịp thời địa phương, đơn vị chức năng huyện phát hiện chủ động giải quyết và kiến nghị với các sở, ngành, cơ quan chuyên mô của tỉnh để giải quyết.

Tin cùng chuyên mục
Sóc Trăng: Huyện có 100% xã đặc biệt khó khăn về đích nông thôn mới

Sóc Trăng: Huyện có 100% xã đặc biệt khó khăn về đích nông thôn mới

Ngày 31/12, tại huyện Châu Thành, UBND tỉnh Sóc Trăng long trọng tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và đón nhận Bằng công nhận huyện Châu Thành (Sóc Trăng) đạt Chuẩn Nông thôn mới. Đến dự có ông Lâm Văn Mẫn - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; bà Hồ Thị Cẩm Đào - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; cùng các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh, Mẹ Việt Nam Anh hùng và đông đảo đồng bào trên địa bàn huyện Châu Thành đến tham dự.