Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Tuyên Quang: Đột phá trong phát triển nông nghiệp hàng hóa

Việt Hà - 09:48, 25/11/2020

Chú trọng phát triển các vùng nông sản hàng hóa tập trung, khuyến khích người nông dân đầu tư khoa học - kỹ thuật, nâng cao chất lượng, từ đó xây dựng thành công thương hiệu và giải quyết được bài toán đầu ra… nông nghiệp hàng hóa đang tạo ra những thay đổi đột phá cho tỉnh Tuyên Quang.

Cam sành Hàm Yên (Tuyên Quang) là sản phẩm OCOP được gắn sao
Cam sành Hàm Yên (Tuyên Quang) là sản phẩm OCOP được gắn sao

Đầu tư cho các sản phẩm chủ lực

Lấy nông nghiệp làm gốc là quan điểm, mục tiêu xuyên suốt của tỉnh Tuyên Quang. Toàn tỉnh hiện có trên 8.500ha chè, trên 8.600ha cam, trên 5.000ha bưởi, 4.500ha lạc... Giá trị sản phẩm thu được trên đất trồng trọt của tỉnh bình quân đạt 96 triệu đồng/ha/năm, cao nhất từ trước đến nay, tăng 1,4 lần so với năm 2015. Trong đó, một số cây trồng đạt giá trị cao như cam đạt 197 triệu đồng/ha/năm; bưởi đạt 170 triệu đồng/ha/năm; lạc đạt 131,7 triệu đồng/ha/năm...

Ông Nguyễn Văn Việt, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTN) khẳng định, trong những năm qua, tỉnh đã đánh giá, đưa ra những quyết sách có tính chiến lược trong phát triển sản xuất nông nghiệp. Những cây cam, chè, bưởi, lạc, gỗ rừng trồng; con trâu, con lợn và con cá đặc sản có lợi thế, sức cạnh tranh cao được quan tâm đầu tư, phát triển bài bản.

Tỉnh đã xây dựng Ðề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2015 - 2020. Rà soát, điều chỉnh, xây dựng chín quy hoạch ngành, lĩnh vực và quy hoạch tổng thể trên cơ sở phát huy lợi thế địa phương và nhu cầu thị trường để tập trung phát triển sản xuất. Ðồng thời, tích cực huy động, lồng ghép các nguồn lực cho xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa.

Ngành Nông nghiệp Tuyên Quang đã thực hiện đồng bộ 11 chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp nông thôn và các thành phần kinh tế như: Nghị quyết 10 về phát triển kinh tế trang trại; Nghị quyết 12 về hỗ trợ sản xuất hàng hóa đối với một số cây trồng, vật nuôi; Nghị quyết 05 về khuyến khích phát triển các hợp tác xã (HTX) nông, lâm nghiệp…

5 năm qua, thu nhập bình quân của người dân Tuyên Quang đã tăng từ 28 triệu đồng lên trên 44 triệu đồng. Phát triển nông nghiệp hàng hóa đang giúp nhiều bà con vươn lên làm giàu. Hiệu quả kinh tế đã đem lại cuộc sống mới cho nhiều địa bàn khó khăn, nhất là vùng có đông đồng bào các DTTS.

Xây dựng những thương hiệu “vàng”

Tại Hàm Yên, diện tích cam sành của huyện tới nay đã đạt mốc 7.200ha, tăng hơn 2.000ha so với năm 2015. Người trồng cam Hàm Yên đã đi theo hướng chuyên canh, thâm canh cao, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cam sành. Toàn huyện Hàm Yên hiện có trên 700ha cam sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, điều chưa từng có trong 5 năm trở về trước.

Với nỗ lực của người dân và sự chung sức của cơ quan liên quan, đến nay, sản phẩm cam hữu cơ chuyển đổi của Hàm Yên đã dần khẳng định được thương hiệu và có mặt tại những siêu thị tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh khác. Cam sành Hàm Yên, Bưởi Phúc Ninh đã 2 lần được Tổng hội NN&PTNT Việt Nam tôn vinh “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam”.

Hiện tại, Tuyên Quang đã có 42 sản phẩm đăng ký nhãn hiệu hàng hóa. Từ một tỉnh chưa có tên trong bản đồ các sản phẩm nông nghiệp, Tuyên Quang giờ đã vươn tầm đứng vào tốp đầu trong khu vực miền núi phía Bắc, với giá trị sản xuất nông nghiệp hằng năm tăng khoảng 4,19%/năm.

Giai đoạn 2016 - 2020, tổng vốn ngân sách đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của tỉnh Tuyên Quang là khoảng 2.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 20% tổng vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh. Thu hút đầu tư 30 dự án phát triển sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản. Hết năm 2019, toàn tỉnh có 65 doanh nghiệp nông nghiệp, tăng 25 doanh nghiệp so với năm 2015; có 290 HTX nông, lâm nghiệp, thủy sản, tăng 194 HTX, trong đó có 14 HTX ứng dụng công nghệ cao; 98 HTX có hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, mang lại hiệu quả, 150 HTX hoạt động kinh doanh có lãi; có 859 trang trại.

Nâng tầm nhãn hiệu, thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp, đồng thời tiếp tục khai thác tiềm năng lợi thế của từng vùng, từng địa phương, tỉnh đã và đang triển khai thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, tổ chức gắn “sao” cho các sản phẩm. Theo kế hoạch trong năm 2020, tỉnh sẽ phát triển, đánh giá, xếp hạng 74 sản phẩm, trong đó, đợt 1 đánh giá xếp hạng 34 sản phẩm; đợt 2 với 40 sản phẩm. Tính đến thời điểm này, tỉnh đã thực hiện đánh giá xếp hạng, gắn “sao” cho 17 sản phẩm.

Tuyên Quang đặt mục tiêu đến năm 2030 cơ bản chuyển sang nền nông nghiệp hàng hóa, tiêu chuẩn, chất lượng, giá trị gia tăng và phát triển bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân, tạo sự ổn định và phát triển bền vững.