Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Lào Cai: Nông dân chuyển hướng sản xuất hữu cơ nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp

Trọng Bảo - 18:28, 27/06/2022

Trong Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa, tỉnh Lào Cai phấn đấu đến năm 2025, có khoảng 3.500 héc ta nông nghiệp hữu cơ và chuyển đổi 14 nghìn héc ta từ sản xuất thông thường sang sản xuất hữu cơ. Trong bối cảnh giá cả phân bón vô cơ lên xuống thất thường, thậm chí đang tăng vọt như hiện nay khiến người nông dân điêu đứng vì sản xuất không có lãi, thì sản xuất hữu cơ hiện được coi là giải pháp tối ưu.

Sản xuất chè hữu cơ giúp cho nông dân có thu nhập cao hơn so với trước đây
Sản xuất chè hữu cơ giúp cho nông dân có thu nhập cao hơn so với trước đây

Hợp tác xã chè Bản Liền, huyện Bắc Hà, là doanh nghiệp đầu tiên áp dụng sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở Lào Cai. Với hơn 400 héc ta chè được công nhận hữu cơ, 310 hộ dân tham gia liên kết sản xuất, sản phẩm chè Bản Liền, được cấp 3 chứng nhận chất lượng của Mỹ và Châu Âu. Từ khi tham gia vào thị trường đặc biệt khó tính này, bình quân mỗi năm, Bản Liền xuất bán gần 1 nghìn tấn chè các loại, doanh thu hàng chục tỷ đồng.

“Trước đây, thỉnh thoảng gia đình cũng mua phân về bón cho chè, tuy vậy, chất lượng chè không ngon, thương lái không thích mua. Từ khi tham gia vào Hợp tác xã chè Bản Liền, chúng tôi không bón bất cứ loại phân gì cả, hàng năm chỉ đốn, làm cỏ rồi thu hái. Cách sản xuất, chăm sóc này cũng khác hẳn trước đây chúng tôi vẫn làm, nhưng bù lại chi phí sản xuất thấp, chất lượng sản phẩm tốt hơn, chè thu hái về đến đâu được Hợp tác xã thu mua hết”, chị Vàng Thị Diềm, xã viên Hợp tác xã chè Bản Liền cho biết.

Theo ông Phạm Quang Thận, Giám đốc Hợp tác xã chè Bản Liền, việc sản xuất chè hữu cơ không chỉ thuận lợi cho bà con nông dân, mà ngay doanh nghiệp cũng rất thuận lợi trong việc kiểm soát từ khâu trồng, chăm sóc và thu hái. Hơn nữa, việc sản xuất hữu cơ cũng góp phần bảo vệ đất, tránh bạc màu để sản xuất lâu dài. 

"Với chè hữu cơ thì chúng tôi có thể làm ra rất nhiều sản phẩm từ chè tươi, lá trà, quả trà… sản phẩm thì vào được các thị trường Mỹ và Châu Âu, giá trị nâng lên rất nhiều. Nhờ đó, chúng tôi tạo được đầu ra ổn định, bàn con an tâm sản xuất, doanh nghiệp duy trì được hoạt động…”, ông Thận cho biết.

Cùng với mô hình sản xuất chè hữu cơ thì hiện nay tỉnh Lào Cai còn có hơn 3 nghìn héc ta quế được chứng nhận đạt chuẩn hữu cơ quốc tế. Điển hình là ở Bản Lắp, xã Nậm Đét, huyện Bắc Hà hiện có tới 600, trong tổng số 800 héc ta quế đang sản xuất theo mô hình hữu cơ. Sản phẩm từ cây quế ở đây đã xuất khẩu được sang thị trường Châu Âu.

“Lúc đầu triển khai thì ít người tham gia, khi thấy hiệu quả kinh tế và lợi ích lâu dài như bảo vệ đất, bảo vệ môi trường…dần dần nhiều người xin vào trong tổ, nhóm sản xuất quế hữu cơ. Bây giờ thì hầu hết bà con trong thôn đã áp dụng mô hình sản xuất này, giá trị cây quế nhờ đó cũng được nâng lên nhiều so với trước đây…”, ông Triệu A Sơn, Trưởng thôn Bản Lắp cho biết thêm.

Tỉnh Lào Cai hiện có trên 3 nghìn héc ta quế hữu cơ
Tỉnh Lào Cai hiện có trên 3 nghìn héc ta quế hữu cơ

Theo thống kê của ngành nông nghiệp, tỉnh Lào Cai hiện có 04 doanh nghiệp, 01 Hợp tác xã với khoảng 2.500 hộ gia đình tham gia sản xuất hữu cơ. Trong đó, tập trung vào một số sản phẩm chủ lực như: Chè, rau, hoa quả, quế... Mục tiêu đến năm 2025, tỉnh sẽ có khoảng từ 1,5% trong tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp sản xuất theo hướng hữu cơ.

Ông Vương Tiến Sỹ, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Lào Cai cho biết, các doanh nghiệp sẽ tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất và đặt hàng để đưa ra các tiêu chuẩn hữu cơ phù hợp. Trong đó, chủ yếu là hướng tới xuất khẩu, đây là mục tiêu then chốt. 

Ông Sỹ cũng cho rằng, để làm được điều này, các doanh nghiệp cùng với cơ quan chức năng sẽ phải tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân, nhất là nông dân vùng sâu, vùng xa nắm được các quy trình sản xuất hữu cơ. Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, giám sát việc tuẩn thủ các quy định trong sản xuất hữu cơ để sản phẩm đạt tiêu chuẩn theo quy định.