Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Thái Nguyên: Đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Vân Khánh - 15:55, 02/12/2022

Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW, ngày 05/11/2012 của Ban Bí thư (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững cho Nhân dân.

Quang cảnh lớp học về quy trình trồng và sử dụng cỏ trong chăn nuôi gia súc do Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Thái Nguyên phối hợp với Trung tâm nghiên cứu và phát triển chăn nuôi miền núi tổ chức
Quang cảnh lớp học về quy trình trồng và sử dụng cỏ trong chăn nuôi gia súc do Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Thái Nguyên phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và phát triển chăn nuôi miền núi tổ chức

Quan tâm đào tạo nghề theo nhu cầu

Năm 2010, anh Phan Văn Cẩn, xóm Đồng Bản, xã Bình Long, huyện Võ Nhai mua 5 con dê về thả trên núi gần nhà theo cách truyền thống, tự nhiên, vì vậy, hiệu quả không cao. Năm 2018, sau khi tham gia khoá học về kỹ thuật chăn nuôi gia súc do Trung tâm Dạy nghề huyện Võ Nhai tổ chức, anh Cẩn chuyển sang nuôi dê theo hướng bán chăn thả, với tổng đàn thường xuyên duy trì gần 50 con.

“Với kỹ thuật chăn nuôi áp dụng từ khoá học, đàn dê phát triển khoẻ mạnh, mỗi năm, gia đình tôi bán ra thị trường 15 - 20 con dê thịt và dê giống, cho thu nhập ổn định từ 65 - 70 triệu đồng”, anh Cẩn chia sẻ

Từ mô hình nuôi dê thành công của gia đình anh Cẩn, đến nay, cả xóm Đồng Bản đã có 30 hộ chăn nuôi dê số lượng lớn, với tổng đàn dê khoảng 500 con. Nhiều hộ nuôi dê thương phẩm cho thu nhập từ vài chục đến cả trăm triệu đồng mỗi năm.

Bà Mông Thị Tuyết Nhung, Trưởng phòng Lao động Thương binh & Xã hội huyện Võ Nhai cho biết: “Toàn huyện hiện có trên 51.664 người trong độ tuổi lao động, có khả năng lao động; đến nay đã có 19.418 người có việc làm đã qua đào tạo; số người có nhu cầu học nghề đến năm 2025 là khoảng 5.000 người. Riêng từ năm 2017 đến nay, huyện đã tổ chức 56 lớp dạy nghề cho 1673 lao động nông thôn với tổng kinh phí trên 2,845 tỷ đồng.

Ở TP. Sông Công, trong 3 năm gần đây, các ngành chức năng đã phối hợp đào tạo nghề cho khoảng 4.000 lao động nông thôn. Người lao động được tiếp cận với chính sách đào tạo nghề, có điều kiện chuyển đổi nghề phù hợp, thu nhập ổn định, góp phần cải thiện đời sống. Như trường hợp anh Nguyễn Trọng Dũng, ở phường Thắng Lợi, sau khi tốt nghiệp khóa đào tạo nghề sửa chữa, bảo dưỡng cơ khí động cơ, anh đã tự mở cửa hàng sửa chữa ô tô, xe máy tại nhà. Những kiến thức được trang bị trong quá trình học nghề đã giúp anh có được công việc phù hợp, nâng cao thu nhập.

Công ty TNHH Shints BVT - địa chỉ tại thị trấn Đu (Phú Lương) là doanh nghiệp thường xuyên liên kết tuyển dụng lao động tại địa phương. Trong ảnh: Lao động làm việc tại Công ty.
Công ty TNHH Shints BVT - địa chỉ tại thị trấn Đu (Phú Lương) là doanh nghiệp thường xuyên liên kết tuyển dụng lao động tại địa phương. (Trong ảnh: Lao động làm việc tại Công ty)

Với lợi thế có các khu, cụm công nghiệp đứng chân trên địa bàn, hằng năm, TP. Sông Công phối hợp tổ chức có hiệu quả 3-5 buổi tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động. Nhiều lao động đã tìm được việc làm phù hợp, mức thu nhập bình quân đạt 5-8 triệu đồng/người/tháng. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2022 đến nay, toàn TP. Sông Công có trên 500 lao động được giới thiệu vào làm việc tại các công ty, nhà máy, xí nghiệp. Để tạo việc làm tại chỗ, Ngân hàng Chính sách xã hội TP. Sông Công cũng triển khai cho vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm để người dân phát triển sản xuất. Đến nay, tổng dự nợ cho vay từ Quỹ đạt trên 80 tỷ đồng, giúp hơn 3.600 lao động sử dụng nguồn vốn phát triển kinh tế gia đình, tạo việc làm, tăng thu nhập.

Đẩy mạnh giáo dục nghề nghiệp

Xác định rõ đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, những năm qua, Thái Nguyên đã ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nghề. Đơn cử như Chỉ thị số 33-CT/TU, ngày 06/5/2010 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020; HĐND, UBND tỉnh ban hành Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020” và các chính sách hỗ trợ chi phí đào tạo nghề cho người lao động có hộ khẩu thường trú tại tỉnh để phục vụ các dự án thuộc danh mục khuyến khích đầu tư của tỉnh; chính sách hỗ trợ tuyển dụng đào tạo, bố trí việc làm theo thỏa thuận giữa tỉnh Thái Nguyên với Công ty TNHH SamSung Electronics; chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đào tạo dưới 3 tháng theo Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg, ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ…

Người dân xã Tràng Xá (Võ Nhai) được hỗ trợ tư vấn việc làm ngay tại địa phương.
Người dân xã Tràng Xá (huyện Võ Nhai) được hỗ trợ tư vấn việc làm ngay tại địa phương.

Hiện nay, tỉnh Thái Nguyên đã rà soát, sắp xếp lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) theo hướng giải thể các cơ sở hoạt động không hiệu quả, sáp nhập một số trường công lập thuộc tỉnh quản lý. Đồng thời, chú trọng việc gắn kết với doanh nghiệp, khu công nghiệp để đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Để thu hút, tuyển dụng lao động, một số doanh nghiệp đã chủ động đặt hàng, phối hợp với các cơ sở GDNN để tuyển sinh, hỗ trợ đào tạo và thực hiện nhiều chính sách ưu đãi đối với người học.

Nhằm tạo phát triển đột phá cho GDNN, góp phần tăng năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, thay đổi nhanh cơ cấu và chất lượng nhân lực, tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 – 2025, đề ra định hướng và nhiệm vụ cho hệ thống GDNN là mở rộng quy mô để nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75% trong tổng lực lượng lao động, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 32% vào năm 2025.

Theo bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH): Việc mở rộng quy mô GDNN cần phải có sự đổi mới toàn diện, có những đột phá về cơ cấu và chất lượng đào tạo; xây dựng hệ thống GDNN theo hướng hiện đại, linh hoạt, hiệu quả và phát triển bền vững, bao trùm. Bởi vậy, việc ban hành Nghị quyết thông qua Kế hoạch phát triển giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên là rất cần thiết, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, đúng thẩm quyền và đúng quy định.