Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Thái Nguyên: Chính sách dân tộc thúc đẩy sự phát triển bền vững vùng DTTS, miền núi

Ngọc Diệp - 17:15, 02/11/2023

Thái Nguyên là nơi sinh sống lâu đời của 46 dân tộc anh em. Địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS tập trung chủ yếu ở các xã vùng sâu, miền núi thuộc 5 huyện Định Hoá, Võ Nhai, Phú Lương, Đồng Hỷ, Đại Từ… Đây là các khu vực kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn. Để thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng miền, những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã tích cực, chủ động thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc. Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân từng bước được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng DTTS và miền núi giảm từ 19,22% năm 2016 xuống còn 3,21% vào cuối năm 2022.

Du khách trải nghiệm giã bánh dày tại Điểm du lịch cộng đồng xóm Mỏ Gà, xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai.
Du khách trải nghiệm giã bánh dày tại Điểm du lịch cộng đồng xóm Mỏ Gà, xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai.

Từ những con số biết nói…

Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên, Phan Đức Cường cho biết: Thái Nguyên là một trong những tỉnh trong cả nước có tiến độ triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719 sớm nhất. Theo đó, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành nghị quyết về tiêu chí, nguyên tắc phân bổ vốn; Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Chương trình, kế hoạch thực hiện giai đoạn 2021-2025 và ban hành cơ chế lồng ghép các nguồn vốn để làm cơ sở triển khai thực hiện Chương trình.

Đến nay, Chương trình đã phát huy được hiệu quả, đảm bảo công khai, minh bạch đúng mục đích, đối tượng. Hệ thống cơ quan làm công tác dân tộc đã kịp thời phối hợp với các ngành liên quan tham mưu cho UBND các cấp phân bổ nguồn kinh phí được giao, ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc đảm bảo đúng tiến độ, kế hoạch. 

Theo đó, việc đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi được coi trọng, tạo động lực, điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển kinh tế-xã hội. Tỉnh đã và đang xây dựng mới 222 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu, như: đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa xã, xóm, trường học, trạm y tế; duy tu, bảo dưỡng 64 công trình cơ sở hạ tầng đã được đầu tư từ những năm trước.

 Các dự án, tiểu dự án, nội dung khác của Chương trình MTQG 1719 cũng có những kết quả tích cực, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng. Hơn 200 hộ được hỗ trợ làm nhà ở, hơn 500 hộ được hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán, 12 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung được triển khai; nhiều mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo sinh kế cho đồng bào được hỗ trợ ở nhiều địa bàn vùng DTTS, miền núi trong tỉnh... 

Sau gần ba năm thực hiện Chương trình MTQG 1719 cùng với việc triển khai các chương trình, dự án đầu tư khác, đến nay tỉnh Thái Nguyên đã có 100% các xóm, xã vùng DTTS, miền núi có điện lưới quốc gia, trạm y tế, trường học kiên cố, nhà công vụ cho giáo viên, nhà ở cho học sinh; hơn 90% số xã có bác sĩ; hơn 95% số hộ gia đình được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; trên 98% đồng bào DTTS tham gia bảo hiểm y tế; 100% xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình, kết nối thông tin liên lạc hiện đại; 100% xã có điện thoại cố định và di động đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc của người dân… Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng DTTS và miền núi giảm từ 19,22% năm 2016 xuống còn 3,21% vào cuối năm 2022. Ước tính đến hết năm 2023, tỉnh Thái Nguyên có 53,33% số xã ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, vượt mục tiêu 50% trong giai đoạn 2021-2025.

Nhiều sản phẩm chè của Thái Nguyên đã đạt chuẩn sản phẩm OCOP góp phần xóa đói giảm nghèo cùng DTTS.
Nhiều sản phẩm chè của Thái Nguyên đã đạt chuẩn sản phẩm OCOP góp phần xóa đói giảm nghèo vùng DTTS.

…đến tập trung mọi nguồn lực để phát triển bền vững

Kết quả trên là những con số biết nói, cho thấy tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện công tác dân tộc và thực hiện các chính sách dân tộc một cách bài bản, căn cơ, có trọng tâm, trọng điểm; chính sách đi liền với ngân sách; phân cấp mạnh, có sự giám sát và đồng thuận của Nhân dân. Các cơ quan, ban ngành, chính quyền các địa phương đã chủ động tích cực tham gia phối hợp có hiệu quả, đặc biệt trong vấn đề tháo gỡ, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của các đơn vị triển khai thực hiện. Người dân chủ động giám sát trong việc tổ chức thực hiện các nội dung từ khâu lập kế hoạch, tổ chức thực hiện, nghiệm thu kết quả và sử dụng.

Nhằm phát triển toàn diện, bền vững vùng DTTS và miền núi, từng bước nâng cao đời sống Nhân dân, thu hẹp khoảng cách phát triển, tiếp tục thực hiện công tác dân tộc trong thời gian tới, tỉnh Thái Nguyên đã đưa ra nhiều giải pháp. Cụ thể như: tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ phục vụ sản xuất và đảm bảo an sinh xã hội. Xây dựng và áp dụng các cơ chế thu hút, tăng cường sự tham gia của người dân, cộng đồng, xã hội, đoàn thể và tổ chức quốc tế trong việc hỗ trợ các nguồn lực về kỹ thuật, tài chính hiệu quả. Hoàn thiện các cơ chế chính sách giảm nghèo để làm căn cứ pháp lý trong tổ chức thực hiện đảm bảo đúng quy định của phát luật. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Kiện toàn, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo các cấp; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chương trình đặc biệt ở cấp cơ sở. Thường xuyên kiểm tra giám sát kết quả triển khai thực hiện Đề án, trọng tâm là việc thực hiện cơ chế, chính sách, huy động và sử dụng hiện quả nguồn lực, quản lý, sử dụng, nâng cao chất lượng các công trình...

Có thể thấy, việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án, chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã tạo ra những bước chuyển rõ nét về mọi mặt, làm thay đổi diện mạo khu vực miền núi Thái Nguyên, nâng cao đời sống của người dân. Điều đó không chỉ góp phần rút ngắn khoảng cách giữa miền núi với miền xuôi, mà còn nhân lên niềm tin của đồng bào các dân tộc thiểu số đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; tạo động lực để đồng bào đoàn kết, phấn đấu xây dựng bản, làng ấm no, hạnh phúc.