Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Thường Xuân (Thanh Hóa): Người dân vùng biên đoàn kết phát triển, giữ vững “phên giậu”

Quỳnh Trâm - 19:28, 31/10/2023

Từ sự quan tâm của Đảng và Chính phủ với những chủ trương, quyết sách quan trọng đầu tư nhằm phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi, các địa phương, trong đó xã biên giới huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) đã và đang quyết tâm thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án dành cho đồng bào, từ đó góp phần tăng cường khối đại đoàn kết, củng cố vững chắc vùng “phên giậu”.

Xây dựng lực lượng xung kích “4 cùng”

Để nâng cao hiệu quả đầu tư, đặc biệt gần đây nhất là Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719) đang được các địa phương quyết liệt triển khai thực hiện, huyện Thường Xuân đã chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về ý nghĩa, mục đích của Chương trình, tạo đồng thuận của cả hệ thống chính trị tham gia vận động  Nhân dân thực hiện Chương trình.

Đường vào Bát Mọt
Đường vào Bát Mọt

Tại xã biên giới Bát Mọt, nơi điều kiện kinh tế - xã hội vẫn còn gặp nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng phát triển chậm, chưa đồng bộ. Đời sống của Nhân dân còn nhiều khó khăn, năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 50,22%. Bên cạnh đó, trình độ dân trí không đồng đều, ý thức chấp hành pháp luật hạn chế, dẫn đến tình hình an ninh trật tự ở xã biên giới này vẫn tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp. 

Để giải quyết những khó khăn này, cấp ủy, chính quyền huyện Thường Xuân đã phân công cán bộ đã bám bản, thực hiện tốt chủ trương “4 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng đồng bào dân tộc). Qua đó, giúp đồng bào cách tổ chức cuộc sống, xây dựng các mô hình sinh kế để thoát nghèo…

Thôn Ruộng là thôn khó khăn nhất của xã Bát Mọt về cơ sở hạ tầng như đường vào thôn là nỗi ám ảnh của người mỗi khi vào mùa mưa lũ
Thôn Ruộng là thôn khó khăn nhất của xã Bát Mọt về cơ sở hạ tầng như đường vào thôn là nỗi ám ảnh của người mỗi khi vào mùa mưa lũ

Ông Lang Minh Huyến, Người có uy tín ở thôn Khẹo, xã Bát Mọt chia sẻ, nhờ có sự quan tâm của Nhà nước mà địa phương đã được đầu tư nhiều công trình phục vụ dân sinh, như đường, trạm, điện lưới…, qua đó tạo điều kiện cho đồng bào có được cuộc sống ngày càng tốt hơn.

Theo đánh giá của lãnh đạo địa phương, những năm qua, là Người có uy tín thôn, ông Huyến rất tích cực phát huy vai trò, trách nhiệm, phối hợp với cấp ủy, chi bộ, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân khu vực biên giới chấp hành đúng chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, quy định của địa phương; tham gia bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, gắn với phát triển kinh tế - xã hội; vận động Nhân dân xóa bỏ các phong tục tập quán lạc hậu, tích cực xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới, thực hiện tốt quy ước, hương ước của thôn; tham gia phát hiện, tố giác tội phạm, tệ nạn xã hội… góp phần bảo đảm an ninh trật tự, an ninh biên giới.

Ông Lang Minh Huyến, Người có uy tín ở thôn Khẹo, xã Bát Mọt chia sẻ về sự khởi sắc của thôn quê
Ông Lang Minh Huyến, Người có uy tín ở thôn Khẹo, xã Bát Mọt chia sẻ về sự khởi sắc của thôn quê

Thôn, bản kiểu mẫu vùng “phên giậu”

Xác định xây dựng NTM không chỉ góp phần thay đổi diện mạo kinh tế - xã hội một xã miền núi, mà còn tạo dựng “lá chắn” vững chắc nơi biên cương Tổ quốc. Do vậy, những năm qua, xã Bát Mọt đã tranh thủ mọi nguồn lực từ ngân sách và huy động trong Nhân dân, để từng bước hoàn thành các tiêu chí NTM.

Để tạo nền tảng vững chắc cho quá trình xây dựng NTM ở một xã vùng biên, Bát Mọt luôn coi trọng việc xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh và giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn. Theo đó, Đảng ủy xã Bát Mọt chú trọng củng cố, kiện toàn các tổ chức cơ sở đảng; chỉ đạo các chi bộ cơ sở đổi mới phương thức hoạt động, quan tâm giải quyết những vấn đề bức xúc của Nhân dân; duy trì tốt công tác nhất thể hóa bí thư chi bộ, kiêm trưởng thôn tại 8/8 thôn, bản...

Cũng thông qua xây dựng NTM, đội ngũ cán bộ từ xã đến thôn, bản được rèn giũa và nâng cao phẩm chất chính trị, dám nghĩ, dám làm, gần gũi với Nhân dân. Đặc biệt, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu được nâng lên; sức mạnh của cả hệ thống chính trị được phát huy; người dân có ý thức thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng và nêu cao tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau. Qua đó, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn cơ bản ổn định.

Hiện Bát Mọt đã đạt được 10/19 tiêu chi về xây dựng NTM, có 02 thôn đạt chuẩn thôn NTM là thôn Vịn và thôn Khẹo( khung cảnh thanh bình ở thôn Vịn)
Hiện Bát Mọt đã đạt được 10/19 tiêu chi về xây dựng NTM, có 02 thôn đạt chuẩn thôn NTM là thôn Vịn và thôn Khẹo

Trao đổi với ông Lê Văn Thiện, Chủ tịch UBND xã Bát Mọt cho biết, để từng bước tạo dựng diện mạo mới, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn được xem là điều kiện tiên quyết. Theo đó, Bát Mọt đã lồng ghép các nguồn vốn từ ngân sách các cấp, các chương trình chính sách dân tộc như, QĐ 134, Chương trình 135 và Chương trình MTQG xây dựng NTM, Chương trình giảm nghèo bền vững, Chương trình MTQG 1719, địa phương đã và đang xây dựng, hoàn thành đưa vào sử dụng nhiều công trình quan trọng.

Minh chứng như, với tổng kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản từ cuối năm 2022 đến 9 tháng đầu năm 2023 là khoảng 3.110 tỷ đồng, Bát Mọt đã và đang triển khai thực hiện và hoàn thành nhiều công trình như: Hoàn thành tuyến đường giao thông nội thôn tại thôn Vịn, với tổng số vốn là 3 tỷ đồng, khởi công xây dự và hoàn thành tuyến đường giao thông nội thôn tại thôn Cạn với chiều dài là 115m, tổng vốn đầu tư 110.000.000 đồng...; Trong 9 tháng đầu năm, trên địa bàn xã làm mới 25 ngôi nhà, sửa chữa, chỉnh trang 63 nhà, huy động được 170.000.000 đồng và 142 ngày công.

Bằng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự tham gia của người dân. Đến nay xã Bát Mọt đã đạt được 10/19 tiêu chí về xây dựng NTM, có 2 thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới là thôn Vịn và thôn Khẹo chiếm 25% số thôn trong toàn xã.

Theo kế hoạch những tháng cuối năm 2023 và kế hoạch năm 2024, Bát Mọt đã đặt ra chỉ tiêu sẽ giảm hộ nghèo còn 12%. Tỷ lệ hộ cận nghèo giảm: 5% trở lên. Tỷ lệ dân số tham gia BHYT năm 2023 đạt 99%. Tỷ lệ hộ gia đình có nhà ở tiêu chuẩn 39%. Thôn đạt chuẩn văn hóa: 5/8 thôn và thu nhập bình quân đầu người: 31triệu đồng/ người/ năm.

Lãnh đạo xã Bát Mọt kỳ vọng vào nguồn lực đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 để cải thiện cơ sở hạ tầng
Lãnh đạo xã Bát Mọt kỳ vọng vào nguồn lực đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 để cải thiện cơ sở hạ tầng

Mặc dù vẫn còn nhiều thách thức, song những kết quả bước đầu đạt được đã góp phần tạo dựng diện mạo mới cho xã vùng biên Bát Mọt. Đặc biệt, cùng với sự đổi thay tích cực trong đời sống vật chất và tinh thần, là lòng tin của người dân vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương ngày một nâng cao. Đồng thời, tình hình an ninh chính trị, an ninh biên giới và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, đã giúp người dân càng yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống và cũng là động lực đã xã biên giới Bát Mọt thoát nghèo bền vững.