Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Phú Lũng vươn mình trên cao nguyên đá

Tào Đạt - 07:10, 01/11/2023

Từ vùng đất nghèo, gắn liền với đá và nổi tiếng khô khát, xã Phú Lũng (huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang) hôm nay đã trở thành xã NTM. Sự chuyển mình này, là kết quả từ việc thực hiện các chương trình dự án chính sách dân tộc của Trung ương, của tỉnh đầu tư, đặc biệt là sự thay đổi trong nhận thức, ý chí vươn lên thoát nghèo của người dân.

Trên 90% số hộ ở Phú Lũng có nhà ở đạt tiêu chí nhà ở nâng cao, đảm bảo “cứng nền, cứng tường, cứng mái” - đây cũng là xã biên giới duy nhất của tỉnh hiện đạt tiêu chí này.
Trên 90% số hộ ở Phú Lũng có nhà ở đạt tiêu chí nhà ở nâng cao, đảm bảo “cứng nền, cứng tường, cứng mái” - đây cũng là xã biên giới duy nhất của tỉnh hiện đạt tiêu chí này.

Vươn lên từ khó khăn

Phú Lũng là vùng đất gắn liền với đá. Đây chính là rào cản lớn đối với việc đi lại của bà con. Hơn nữa, nơi đây còn nổi tiếng khô khát, bởi cả xã chỉ có một nguồn nước duy nhất chảy từ khe núi thuộc thôn Sín Chải, giáp với xã Bạch Đích. Những chiếc bể treo được chính quyền đầu tư xây dựng chỉ đáp ứng một phần nhu cầu của người dân, bởi qua mùa mưa được vài tháng cũng cạn trơ đáy. Người dân phải xây bể, mua bồn để hứng nước mưa từ mái nhà và dùng rất tiết kiệm, chắt chiu từng giọt để không phải mua nước về sinh hoạt trước khi mùa mưa tới.

Thế nhưng, mảnh đất này đã dần chuyển mình từ các nguồn lực đầu tư từ các chương trình, dự án chính sách dân tộc của Nhà nước, của tỉnh, cùng với sự nỗ lực vươn lên của người dân nơi đây. Hầu hết người dân trong bản đều đã xây dựng được những căn nhà cao tầng, kiên cố xây dọc theo những triền núi. Nhiều người đến đây đặt cho bản cái tên "bản biệt thự". Năm 2017, Phú Lũng là xã biên giới đầu tiên của tỉnh Hà Giang “về đích” nông thôn mới.

Tiêu biểu cho những thay đổi trên mảnh đất biên cương này có thể kể đến bản Xà Ván, nơi sinh sống của 58 hộ, với 328 khẩu là người Dao và Cờ Lao. Đây cũng là thôn giáp biên, xa xôi nhất của xã Phú Lũng, nhưng cơ sở hạ tầng lại rất khang trang, đời sống của người dân có phần khá hơn nhiều so với các thôn khác.

Ông Chẻo Vần Khai, Trưởng bản Xà Ván, cho biết, bản không có người sử dụng ma túy, bản thân ông từ bé cũng không thấy ai sử dụng. Người trong bản không bao giờ ăn trộm tài sản của nhau, nếu xảy ra trộm cắp chỉ có người từ nơi khác về. Nếu nói về người dân ở Xà Ván sẽ là những tấm gương về làm ăn, xây dựng đời sống mới.

Chính bản thân ông Khai cũng là một người rất năng nổ trong việc xây dựng quê hương. Ở độ tuổi gần 50, ngoài nhiệm vụ là Trưởng thôn, ông Khai “kiêm” rất nhiều "vai" khác như: Tổ trưởng Tổ tự quản đường biên cột mốc, cán bộ thú y, khuyến nông, y tế thôn, bản kiêm cộng tác viên dân số.

Bản có được diện mạo như ngày hôm nay, bên cạnh sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, của địa phương, phải kể đến tinh thần đoàn kết, sự nỗ lực vươn lên của đồng bào nơi biên viễn. Anh Tẩn Ngờ Say, mới 25 tuổi đã xây được nhà 3 tầng khang trang. Anh Say trẻ tuổi, nhưng rất chịu khó học hỏi. Khi mới lớn, thay vì lông bông thì anh xin giúp khuân vật liệu cho các bác thợ xây trong bản, rồi tập tành xây và trở thành thợ giỏi lúc nào không hay. 

Khi những người đàn ông trong bản đi nơi khác nhận các công trình xây dựng, anh cũng đi theo. Tích cóp được số tiền, anh Say mua nguyên vật liệu và “đổi công” với các hộ khác để có được căn nhà kiên cố như ngày hôm nay. Tất cả những ngôi nhà trong bản Xà Ván đều được xây theo cách như thế.

Hay ông Tẩn Tấn Hùng (trú tại xã Phú Lũng), đã mạnh dạn phát triển kinh tế bằng mô hình nuôi lợn thương phẩm. Đàn lợn của ông hiện có 50 con, trừ chi phí, hằng năm ông thu lãi từ 50-70 triệu đồng.

 “Ở địa phương khác nhiều đất là có thể làm chuồng rộng hơn, nhưng với địa phương xã Phú Lũng toàn đá thì chỉ làm được chuồng hẹp. Cùng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, gia đình cũng đã dần tìm cách khắc phục để mở rộng quy mô chăn nuôi.", ông Tẩn Tấn Hùng chia sẻ.

Phó Chủ tịch UBND xã Chẻo Vần Ú (ngoài cùng, bên phải) kiểm tra chất lượng ngô. (Ảnh: Trúc Hà)
Phó Chủ tịch UBND xã Chẻo Vần Ú (ngoài cùng, bên phải) kiểm tra chất lượng ngô. (Ảnh: Trúc Hà)

Quyết tâm giữ vững nông thôn mới

Được công nhận NTM là một thành quả lớn của chính quyền và Nhân dân Phú Lũng, tuy nhiên để tiếp tục phát huy cũng như giữ vững danh hiệu này vẫn là một thách thức không hề nhỏ. Trao đổi với phóng viên, ông Chẻo Vần Ú, Phó Chủ tịch xã Phú Lũng cho biết: “Để giữ vững tiêu chí NTM, xã gặp khó khăn nhất khi thực hiện, vẫn là 2 tiêu chí thu nhập và hộ nghèo”.

Theo ông Chẻo Vần Ú, về chuẩn nghèo đa chiều 2022, ở khu vực nông thôn, hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1,5 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên, thì là hộ nghèo. Với chuẩn nghèo cũ là 700 nghìn đồng/người/tháng. Như vậy chuẩn nghèo mới đã cao hơn 2,15 lần so với trước đây.

Xã Phú Lũng sau khi công nhận đạt chuẩn NTM, đã được chuyển từ vùng III về vùng I, các nguồn đầu tư, hỗ trợ bị cắt giảm. Đặc biệt là nguồn lực từ chương trình xây dựng NTMđể duy trì và nâng cao các tiêu chí rất hạn chế. Những năm gần đây, xã chủ yếu được hỗ trợ xi măng làm đường bê tông, theo hình thức “Nhà nước và Nhân dân” cùng làm. Không những thế, hiện các chế độ hỗ trợ học sinh ở bán trú của các trường cũng không còn. Những học sinh nhà xa, ở lại trường buổi trưa các gia đình phải đóng góp kinh phí để nhà trường tổ chức nấu ăn cho các em. 

Để giữ vững thành quả xã NTM, đặc biệt là tiêu chí về thu nhập và hộ nghèo, xã Phú Lũng đã mở nhiều lớp tập huấn giúp bà con thay đổi nhận thức và nâng cao trình độ trong việc phát triển kinh tế.

Được biết, từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, huyện Yên Minh đã hỗ trợ kinh phí cho một hợp tác xã chăn nuôi, tổng hợp phát triển sản phẩm đặc trưng của địa phương; hỗ trợ 2 mô hình trồng trọt và chăn nuôi; sửa chữa nhà lớp học Trường Mầm non xã.

 Năm 2022 và 2023, huyện phê duyệt hỗ trợ mô hình chăn nuôi lợn sinh sản cho 15 hộ dân và làm đường bê tông thôn Páo Cờ Tủng; hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa nhà ở cho 27 hộ và trên 900 triệu cho hộ nghèo của 6 thôn trên địa bàn, 1 công trình điện thôn Sủng Lìn…

 Theo thống kê của chính quyền địa phương, cả xã hiện có hơn 400 người đang lao động ngoại tỉnh, chủ yếu làm công nhân các khu công nghiệp tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh. Với mức lương 6-8 triệu đồng/tháng, nhiều người đã tiết kiệm để gửi về phụ giúp gia đình, xây dựng nhà ở kiên cố.

"Việc người dân thoát ly, đi làm ăn xa, tiếp xúc với cái mới cũng sẽ giúp mở mang tầm mắt, kiến thức, cải thiện thu nhập, qua đó xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn", ông Chẻo Vần Ú bộc bạch.

Được công nhận đạt chuẩn NTM, xã Phú Lũng hiện đã có 100% đường giao thông đã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa; 98,2% số hộ được sử dụng điện thường xuyên, an toàn; 13/13 thôn có nhà văn hóa, có điểm vui chơi và đạt danh hiệu làng văn hóa; trên 70% lao động nông thôn được đào tạo; tỷ lệ huy động trẻ 6 – 14 tuổi đi học đạt 98%, trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%; 95,2% dân số tham gia bảo hiểm y tế; 98,6% số hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh. Đặc biệt trên 90% số hộ có nhà ở đạt tiêu chí nhà ở nâng cao, đảm bảo “cứng nền, cứng tường, cứng mái” - đây cũng là xã biên giới duy nhất của tỉnh hiện đạt tiêu chí này.