Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Tây Giang (Quảng Nam): Tạo sinh kế bền vững cho đồng bào DTTS từ cây dược liệu

Nhật Minh - 08:44, 28/11/2023

Theo Chương trình MTQG 1719, giai đoạn I từ năm 2021-2025 sẽ đầu tư hỗ trợ phát triển dược liệu quý được triển khai thí điểm theo hình thức liên kết chuỗi giá trị tại 22 huyện của 21 tỉnh. Tại huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, mô hình trồng cây dược liệu đã góp phần quan trọng trong việc tạo sinh kế bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS.

Phát triển cây dược liệu dưới tán rừng đang là hướng phát triển kinh tế hiệu quả ở vùng DTTS và miền núi.
Phát triển cây dược liệu dưới tán rừng đang là hướng phát triển kinh tế hiệu quả ở vùng DTTS và miền núi.


Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719) giai đoạn 2021 – 2030 được Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14 tháng 10 năm 2021. Trong giai đoạn I từ năm 2021-2025, Dự án 3 của Chương trình sẽ đầu tư hỗ trợ phát triển dược liệu quý được triển khai thí điểm theo hình thức dự án liên kết chuỗi giá trị tại 22 huyện của 21 tỉnh, với 18 dự án vùng trồng dược liệu quý và 4 dự án trung tâm nhân giống ứng dụng công nghệ cao.

Tại huyện miền núi Tây Giang, những mô hình trồng cây dược liệu đang được triển khai mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào việc xây dựng nền sinh kế bền vững và thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội trong khu vực. Tính riêng ở xã Ch'Ơm đã có 100% hộ dân tham gia trồng đẳng sâm với tổng diện tích hơn 200ha, trong đó thôn Achoong chiếm gần một nửa. Mô hình trồng cây dược liệu của huyện Tây Giang đã giúp cho người dân có nguồn thu nhập và nâng cao đời sống, vậy nên nhiều hộ dân phấn khởi tham gia.

Anh Alăng Lơi, thôn Achoong, xã Ch'Ơm cho biết, trước đây, gia đình anh từng trồng hơn 1ha đẳng sâm nhưng đến mùa thu hoạch vẫn chưa bán được vì giá quá thấp. Từ khi huyện Tây Giang triển khai "Mô hình cây dược liệu liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm" theo Chương trình MTQG 1719, không chỉ có anh Lơi mà nhiều hộ trồng sâm ở xã Ch'Ơm đã được hỗ trợ bao tiêu sản phẩm.

Trồng cây dược liệu và có đầu ra ổn định, giá cả hợp lý, không chỉ là hướng đi giúp bà con đồng bào xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống mà còn góp phần vào việc khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai ở vùng miền núi này. Là một trong những người tiên phong trong trồng cây sâm ba kích ở xã Lăng, huyện Tây Giang, gia đình già làng Bhríu Pố mỗi năm khai thác khoảng 2.000 gốc và có thể mang lại nguồn thu nhập ổn định từ 120 -170 triệu đồng.

Sản phẩm dược liệu như sâm Ngọc Linh được người tiêu dùng đặc biệt quan tâm
Sản phẩm dược liệu như sâm Ngọc Linh được người tiêu dùng đặc biệt quan tâm

Già làng Bhríu Pô chia sẻ: Khi tìm hướng phát triển kinh tế hộ gia đình, chúng tôi xác định cây ba kích không chỉ dễ trồng mà còn dễ bán. Công dụng của Ba kích rất đa dạng, phù hợp cho mọi đối tượng và mọi lứa tuổi, điều này làm tăng giá trị của loại cây này. Việc trồng ba kích không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn đóng góp vào việc bảo vệ nguồn gen của loại dược liệu quý hiếm này. Ngay khi thành công, tôi đã tích cực vận động mọi người tham gia vào việc trồng cây dược liệu. Hiện nay, diện tích trồng cây này đã được nhân rộng cho nhiều đồng bào trong xã, đánh dấu bước quan trọng trong việc giảm nghèo và xóa đói tại địa phương của chúng tôi.

Vùng đất miền tây Quảng Nam là nơi có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với nhiều loại cây dược liệu có giá trị kinh tế cao. Trong thời gian qua, thực hiện chủ trương từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, các huyện miền núi của tỉnh đã đưa vào trồng những cây dược liệu quý như đảng sâm, ba kích, thảo quả, táo mèo.... Đồng thời xây dựng các “mô hình cây dược liệu liên kết theo chuổi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm”... bước đầu nâng cao giá trị.

Từ việc phát triển trồng các loài dược liệu kể trên, huyện Tây Giang đã hình thành gần 10 mô hình HTX và 50 tổ hợp tác, giải quyết việc làm cho hơn 500 lao động thường xuyên và hàng nghìn lao động thời vụ. Từ một số sản phẩm tươi thô, giá trị kinh tế thấp, mục đích sử dụng không nhiều, thị trường tiêu thụ ít, các HTX dược liệu ở Tây Giang đã đưa củ đảng sâm, ba kích, táo mèo thành nhiều loại thực phẩm, thuốc được sử dụng rộng rãi.

Với chủ trương tập trung phát triển các sản phẩm đặc trưng của địa phương dựa trên nguyên liệu sẵn có, huyện Tây Giang đang tập trung giải quyết một số khó khăn nảy sinh trong quá trình thực hiện. Đó là việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất giống cây dược liệu, kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc và chế biến sau thu hoạch còn yếu, công tác bảo tồn và phát triển nguồn gen cây dược liệu chưa được quan tâm đúng mức. Giải quyết được những vấn đề này sẽ góp phần nâng giá trị, thương hiệu của loại dược liệu quý Tây Giang, tạo động lực giúp người vùng cao thoát nghèo. Từ đó góp phần rất lớn trong giảm nghèo bền vững, tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn toàn huyện.

Phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, người dân sẽ được hỗ trợ nguồn lực để phát triển sinh kế bền vững
Phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, người dân sẽ được hỗ trợ nguồn lực để phát triển sinh kế bền vững

Ông Trần Văn Noa, Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Nam cho biết, địa phương đã lồng ghép nguồn vốn Chương trình MTQG 1719 với nguồn vốn hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP. Đối với các huyện miền núi phía Tây tỉnh Quảng Nam, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh đã lồng ghép giữa nguồn vốn Chương trình OCOP với nguồn vốn của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Đây là nguồn lực rất lớn để tạo cú hích cho phát triển các sản phẩm OCOP tại miền núi Quảng Nam. Ngoài ra, việc triển khai các cơ chế hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu, hỗ trợ đầu tư máy móc, thiết bị để các chủ thể phát triển sản phẩm OCOP cũng được quan tâm đúng mức.

Tiểu dự án 2 thuộc Dự án 3 về "Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững và tận dụng tiềm năng, ưu điểm của các vùng miền để tạo ra hàng hóa theo chuỗi giá trị" được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội đổi đời cho cộng đồng người dân miền núi tỉnh Quảng Nam thông qua việc thiết lập sinh kế bền vững. Dự kiến, Dự án sẽ hỗ trợ các địa phương trên toàn quốc trong giai đoạn từ 2021 - 2025 với số vốn dự kiến là hơn 20.060 tỷ đồng. Mục tiêu chính của Dự án là khuyến khích người dân, đồng bào DTTS tham gia tích cực vào hoạt động bảo vệ rừng và phát triển cây dược liệu.