Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Khi nông dân làm giàu từ cây dược liệu

Hà Anh - 05:56, 14/11/2023

Phát triển dược liệu và vùng trồng dược liệu được Chính phủ quan tâm đầu tư nhằm phát triển tiềm năng, lợi thế gắn với phát triển kinh tế - xã hội thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia dành riêng cho vùng đồng bào DTTS và miền núi. Trong những năm gần đây, nhờ đi đúng hướng, nhiều hộ dân đã bắt đầu làm giàu từ cây dược liệu của địa phương.

Anh Lương Văn Tuyên nhận bằng khen của tỉnh Tuyên Quang về thành tích vượt khó làm giàu
Anh Lương Văn Tuyên nhận bằng khen của tỉnh Tuyên Quang về thành tích vượt khó làm giàu

Phó Bí thư Đoàn xã người Tày làm kinh tế giỏi

Là Phó Bí thư Đoàn xã Tân Thành, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang, anh Lương Văn Tuyên (SN 1990, dân tộc Tày) là Giám đốc Hợp Tác xã (HTX) Thảo mộc Việt. Trước đây, anh Tuyên là thành viên Tổ Cam sành VietGap nhưng gần đây, nhận thấy cây dược liệu địa phương nhiều và chưa khai thác tiềm năng, anh đã bắt tay cùng các thành viên trong HTX Thảo mộc Việt tạo vùng trồng cây dược liệu giúp nhiều xã viên và người dân thoát nghèo.

Nói về mô hình mà bản thân cho rằng đang đi đúng, anh Tuyên nhớ lại: Năm 2019, HTX Thảo mộc Việt được thành lập với 10 xã viên. Lúc đầu, anh xác định cây cam sành sẽ là cây chủ lực nhưng sau 1 thời gian, cam sành bị vàng lá và có hiện tượng bị chết. Trước thực trạng này, HTX đã họp, thống nhất mở rộng sản xuất thêm những sản phẩm mới dựa trên diện tích cam đã già cỗi. Từ đó, quyết định đầu tư trồng, chế biến sâu các loại trà thảo dược, vốn được cho là thế mạnh của địa phương.

Ban đầu khi bắt tay vào xây dựng và phát triển mô hình mới, anh Tuyên cũng khá mơ hồ. Thời gian này, những cây dược liệu của địa phương như đinh lăng, cà gai leo, giảo cổ lam, xạ đen, cỏ ngọt… được bà con trồng và bán ra thị trường rất rẻ, dẫn tới thu nhập chưa ổn định.

Để có bước phát triển lâu dài, anh Tuyên cùng các thành viên nghiên cứu các sản phẩm làm sao tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có, cũng như tạo công ăn việc làm cho lao động nông nhàn tại địa phương. Sau một thời gian, hiện nay, HTX Thảo mộc Việt đang quản lý vùng nguyên liệu lên tới gần 5ha và bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho xã viên và người dân. HTX cũng giải quyết việc làm cho 5 lao động và hàng chục xã viên có thu nhập ổn định, nhiều gia đình đã có đủ ăn, vươn lên thoát nghèo.

Trồng dược liệu phát triển kinh tế ngày càng được đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang chú trọng
Trồng dược liệu phát triển kinh tế ngày càng được đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang chú trọng

Theo anh Tuyên, hiện nay, HTX Thảo mộc Việt đã cho ra mắt nhiều sản phẩm trà túi lọc gồm: Trà giải độc mát gan, tâm an trà, thanh xuân trà, bát tiên chi mộc trà, trà cam thảo mộc... Tuy cuối năm 2022 vừa qua mới đưa sản phẩm ra thị trường nhưng hiện tại đã được người tiêu dùng đón nhận tích cực.

Anh Tuyên cho biết, mỗi sản phẩm như một bài thuốc, do vậy, giá bán luôn cao hơn so với sản phẩm khác trên thị trường. Ví dụ, sản phẩm trà tía tô của một số doanh nghiệp có 2 thành phần, nhưng sản phẩm của HTX có 8 thành phần. Hay cà gai leo của doanh nghiệp khác có 2 thành phần, trong khi sản phẩm của HTX có tới 4 thành phần, giá bán cũng cao hơn nhưng vẫn bán chạy. Thời gian tới, HTX sẽ đa dạng sản phẩm như: trà hòa tan, trà hoa quả hòa tan, cùng với đó tiếp tục mở rộng thị trường ra nhiều tỉnh, thành khác.

Chuyển đổi cây trồng, thoát nghèo từ thế mạnh địa phương

Đối với nhiều hộ dân ở xã Lâm Ca, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn, trong những năm gần đây, nhờ vào sự hỗ trợ từ các cơ quan chuyên môn, đã khởi đầu thành công việc thử nghiệm trồng cây trà hoa vàng. Hiện tại, mô hình này đã đem lại kết quả tích cực.

Từ năm 2016, huyện Đình Lập đã xây dựng Đề án phát triển vùng cây dược liệu, đến nay, các xã trong huyện đã mở rộng diện tích trồng được hơn 500 ha gồm các cây trọng điểm như sa nhân, ba kích, đinh lăng... Việc phát triển cây dược liệu không chỉ tạo việc làm, giúp bà con các dân tộc nâng cao thu nhập mà còn góp phần bảo tồn các loại cây dược liệu quý.

Các sản phẩm từ cây trà hoa vàng được chế biến đem lại giá trị kinh tế cao
Các sản phẩm từ cây trà hoa vàng được chế biến đem lại giá trị kinh tế cao

Với thế mạnh là cây trà hoa vàng, trong những năm qua, rất nhiều gia đình ở Đình Lập đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Cây trà hoa vàng, còn được biết đến với các tên gọi khác như kim hoa trà, trà trường thọ, hoặc trà rừng, là một loại cây dược liệu quý, thường mọc tự nhiên tại các khu vực đồi núi. Các nghiên cứu của các nhà khoa học đã chỉ ra rằng, trà hoa vàng có nhiều ứng dụng lợi ích cho sức khỏe, bao gồm việc tăng cường hệ miễn dịch, giảm xơ vữa động mạch, phòng ngừa bệnh tim mạch và ức chế sự phát triển của tế bào ung thư. Với những đặc tính này, trà hoa vàng đã trở thành một sản phẩm có giá trị, được nhiều người tìm kiếm với mức giá cao.

Gia đình ông Nguyễn Văn Lý, thôn Khe Dăm là một trong những hộ tiên phong đưa cây trà hoa vàng về trồng. Ông Lý cho biết: “Năm 2013, tôi lên rừng đào gốc cây về trồng tại vườn nhà. Ban đầu, tôi trồng thử nghiệm khoảng 40 cây. Sau này, nhận thấy cây dễ chăm sóc và đem lại hiệu quả kinh tế, gia đình tôi đã chủ động mua giống cây về trồng để mở rộng diện tích. Đến nay, gia đình tôi đã có hơn 1.000 cây trà hoa vàng, trong đó có trên 200 cây đã cho thu hoạch. Trung bình mỗi năm, gia đình thu được khoảng 80 kg hoa trà tươi. Với giá bán từ 500 đến 700 nghìn đồng/kg hoa trà tươi và 15 triệu đồng/kg hoa trà khô, mỗi năm, gia đình tôi thu về từ 45 đến 60 triệu đồng”.

Không chỉ riêng gia đình ông Lý, một số hộ dân trên địa bàn xã Lâm Ca cũng đã đem giống cây trà hoa vàng về trồng. Ông Nguyễn Văn Tằng, thôn Khe Dăm cho biết: Gia đình có 3.500 cây trà hoa vàng và với giá bán 500 đến 700 nghìn đồng/kg, hiệu quả kinh tế bước đầu là rất khả quan.

Ông Nguyễn Văn Tằng, thôn Khe Dăm cho biết: Tôi bắt đầu trồng cây trà hoa vàng từ năm 2016 với khoảng 1.100 cây. Tuy nhiên, thời điểm đó, tôi chỉ lên rừng đào lấy gốc cây hoặc mua giống về trồng tại vườn, chưa biết cách nhân giống. Đến năm 2018, khi tham gia đề tài của Sở Khoa học và Công nghệ, gia đình tôi đã được hỗ trợ trồng mới hơn 2.000 cây, nâng tổng số lên trên 3.000 cây. Bên cạnh đó, gia đình tôi còn được hỗ trợ bố trí vườn cây mẹ và hướng dẫn kỹ thuật nhân giống. Năm 2022, tôi đã bắt đầu phát triển ươm cây giống để bán cho bà con quanh vùng.