Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Đồng bào Dao giữ nghề thuốc Nam truyền thống

Chí Tín - Vũ Mừng - 05:29, 23/11/2023

Với kho tàng kiến thức phong phú về các loại dược liệu phương Nam, từ lâu nghề bốc thuốc chữa bệnh đã gắn bó với cuộc sống của đồng bào người Dao quần chẹt tại xã Ba Vì, huyện Ba Vì, Thành phố Hà Nội. Cùng với kinh nghiệm làm thuốc gia truyền, hiện nay, con em đồng bào ở đây đã tích cực theo học các lớp về Đông y để bổ sung những kiến thức mới; mở rộng quy mô, tổ chức theo mô hình hợp tác xã để đưa nghề truyền thống lên một tầm cao mới.

Lương y Triệu Thị Thanh trao đổi cùng PV Báo Dân tộc và Phát triển về nghề làm thuốc của người Dao tại xã Ba Vì
Lương y Triệu Thị Thanh trao đổi với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển về nghề làm thuốc của người Dao tại xã Ba Vì.

Giữ gìn nghề thuốc quý

Ba Vì là xã miền núi thuộc huyện Ba Vì, với dân số 2.477 nhân khẩu, đồng bào dân tộc Dao chiếm 98%. Ngay từ những năm 60 của thế kỷ trước, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, người Dao nơi đây đã xóa dần cuộc sống du canh, du cư cùng nhau hạ sơn để ổn định và phát triển kinh tế. Trên vùng đất mới, họ vẫn giữ được gần như vẹn nguyên những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình, trong đó có nghề truyền thống của cha ông là làm thuốc Nam chữa bệnh.

Lương y Triệu Thị Thanh, Chủ tịch Hội Đông y xã Ba Vì chia sẻ: “Xa xưa, người Dao làm thuốc để chữa bệnh cho đồng bào mình, sau đó là người bệnh khắp các vùng gần xa. Kho tàng tri thức bản địa về các loại dược liệu phương Nam sinh trưởng tại dãy núi Ba Vì, đã được đồng bào người Dao tích lũy qua nhiều thế hệ và là vốn liếng quý báu của những người làm thuốc tại địa phương”.

Nhiều loại dược liệu quý được lương y Triệu Thị Thanh và gia đình ươm giống trồng tại vườn nhà
Nhiều loại dược liệu quý được lương y Triệu Thị Thanh và gia đình ươm giống trồng tại vườn nhà

Cũng theo lương y Triệu Thị Thanh, vùng núi Ba Vì là nơi sinh trưởng, phát triển của 1.209 loài thực vật, với 507 loại, người Dao dùng làm thuốc chữa bệnh về thận, xương khớp, dạ dày, bệnh ngoài da… Trong đó, có khoảng 165 loại dược liệu hay được người Dao sử dụng nhất. 

Thế nhưng, để có thể tìm kiếm đúng loại dược liệu mình cần, có khi người làm nghề phải lặn lội trong rừng nhiều ngày liền. Có loại lấy lá, cành, loại lại lấy hoa, lấy rễ… có cây mọc cao trên núi, cây lại mọc men theo bờ suối, nhiều loại lá chỉ có ở những thời điểm nhất định trong năm. Người tìm thuốc phải tinh tường, thuộc các loại dược liệu bởi nhiều loại cây có hình dáng tương tự, nếu không hiểu biết rất dễ nhầm lẫn. Do đó, để duy trì được nghề làm thuốc Nam, không chỉ đòi hỏi ở việc sử dụng dược liệu mà còn phải bắt đầu từ việc tìm kiếm, bắt bệnh và bốc thuốc.

Bà Dương Thị Quỳnh, cán bộ phụ trách văn hóa xã Ba Vì chia sẻ: “Theo kinh nghiệm được tích lũy từ đời này qua đời khác của người Dao, thuốc được sử dụng theo cách thông thường là “sắc thuốc” để uống và “tắm thuốc”. Ngày nay, với việc không ngừng học hỏi và cải tiến các phương thuốc bí truyền của dân tộc, người Dao xã Ba Vì đã nghiên cứu kết hợp các loại dược liệu khác nhau để chế suất ra một số loại thuốc trị bệnh dưới dạng nấu cao, tán bột, hoàn viên”.

Nghề thuốc trở thành sinh kế bền vững

Người Dao tại xã Ba Vì kể lại, khởi thủy đồng bào người Dao có phong tục bốc thuốc để cứu người không nhận tiền, những người sau khi được trị bệnh khỏi thường đến nhà thầy thuốc để tạ ơn bằng các sản phẩm nông nghiệp. Giống như lương y Triệu Thị Thanh quan niệm: “Người làm thuốc phải xuất phát từ tâm”. Có lẽ xuất phát từ cách ứng xử đó mà những người còn đang theo nghề và đang gìn giữ nghề luôn được kính trọng không chỉ bởi kinh nghiệm trong việc chữa bệnh, mà còn ở hành động mang tính cộng đồng sâu sắc. 

Ngoài việc bán thuốc tại nhà, cộng đồng người Dao tại xã Ba Vì còn cung cấp dược liệu cho các nhà thuốc Đông y và trực tiếp chẩn đoán, điều trị bệnh cho nhiều người. Từ đó, nghề thuốc dần dần trở thành một kế sinh nhai. Cuộc sống của người Dao ở Ba Vì cũng trở lên ổn định và khấm khá hơn.

Ông Lăng Văn Hà, Chủ tịch UBND xã Ba Vì, hiện toàn xã có 309 hộ gia đình theo nghề làm thuốc Nam, có 9 hợp tác xã thuốc Nam được tổ chức và hoạt động theo Luật Hợp tác xã
Ông Lăng Văn Hà, Chủ tịch UBND xã Ba Vì, hiện toàn xã có 309 hộ gia đình theo nghề làm thuốc Nam, có 9 hợp tác xã thuốc Nam được tổ chức và hoạt động theo Luật Hợp tác xã

Chủ tịch UBND xã Ba Vì Lăng Văn Hà cho biết, từ năm 2021 cả ba thôn Yên Sơn, Hợp Sơn và Hợp Nhất đều đã được UBND Thành phố Hà Nội công nhận là làng nghề y học cổ truyền của dân tộc Dao. Hiện nay, tại xã Ba Vì có 309 hộ gia đình theo nghề làm thuốc Nam, có 9 hợp tác xã thuốc Nam được tổ chức và hoạt động theo Luật Hợp tác xã. Việc chuẩn hóa các bài thuốc gia truyền, sản xuất khép kín trên dây chuyền hiện đại chắc chắn sẽ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, tạo ra thương hiệu thuốc Nam của người Dao ở Ba Vì.

Trước nguy cơ các nguồn nguyên liệu ngoài tự nhiên dần khan hiếm, cạn kiệt đồng bào dân tộc Dao dưới chân núi Tản Viên đang cố gắng từng bước để chủ động đưa giống từ tự nhiên về trồng bảo tồn trong vườn nhà. Theo ông Lăng Văn Hà, trong số 367 ha đất vườn thuộc các hộ gia đình, thì có tới gần 200 ha được người dân xã Ba Vì sử dụng để trồng các loại dược liệu phục vụ làm thuốc.

Với việc UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 – 2025, nhiều lương y ở Ba Vì đã được y dược sĩ từ các Trường Đại học Y, Dược Hà Nội tới tập huấn. Không chỉ được học cách bảo tồn, người làm nghề thuốc tại xã Ba Vì còn được tiếp thu kiến thức thu hái bền vững và chế biến, phát triển sản phẩm thảo dược.

 Đến nay nhiều hộ làm thuốc đã có thể làm chủ vườn ươm giống cây, biết cách chế biến, đóng gói, in nhãn mác, truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Nhiều người tiếp cận với các kênh bán hàng trực tuyến (online), livestream và liên kết với các nhà thuốc để đưa dược liệu Việt Nam (chủ yếu là dạng cao) vào tiêu thụ…

Các hộ gia đình làm thuốc tại xã Ba Vì đã đầu tư trang thiết bị hiện đại để chế suất thuốc trị bệnh dưới dạng nấu cao, tán bột, hoàn viên.
Các hộ gia đình làm thuốc tại xã Ba Vì đã đầu tư trang thiết bị hiện đại để chế suất thuốc trị bệnh dưới dạng nấu cao, tán bột, hoàn viên.

Chị Triệu Thị Hương, đồng bào dân tộc Dao tại thôn Hợp Sơn, xã Ba Vì chia sẻ: “Trước đây, tôi thường xuyên theo mẹ lên núi tìm kiếm cây thuốc. Khi chúng tôi nhận biết được các loại cây thuốc thì được mẹ dạy cách xem bệnh và bốc thuốc chữa bệnh. Gần đây, tôi cũng tham gia lớp học nghề thuốc Nam do xã Ba Vì tổ chức để học hỏi thêm những kiến thức mới về nghề”.

Với hơn 3 sào đất vườn, gia đình chị Hương hiện đang trồng hơn 40 loài cây thuốc. Trừ các khoản chi phí, mỗi năm vợ chồng chị tiết kiệm được từ 60-70 triệu đồng. Vợ chồng chị có ý tưởng sẽ thành lập doanh nghiệp trồng và thu hái cây thuốc Nam trong thời gian tới khi đã hội đủ các điều kiện. Tuy nhiên, theo chị Hương, có những cây thích hợp trồng trong rừng có tán mới lên được. Có cây phải trồng hơn 15 năm mới đủ dược tính đó cũng là những khó khăn mà người làm thuốc tại Ba Vì đang gặp phải.

Trong vai trò là Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Ba Vì, ông Dương Trung Liên thông tin: “Nghề thuốc của người Dao ở Ba Vì được "bồi đắp" theo thời gian, thế hệ trước trực tiếp truyền thụ, hướng dẫn, chỉ bảo truyền thụ lại cho thế hệ sau. Thời gian qua, Hội viên Hội Người cao tuổi của xã Ba Vì đã tích cực vận động hơn 40 con em của các gia đình theo học các lớp về Đông y. Từ kiến thức được học cùng kinh nghiệm làm thuốc gia truyền từ gia đình giúp nghề thuốc Nam của người Dao tại xã Ba Vì không chỉ được bảo tồn, gìn giữ mà còn tiếp tục phát triển bền vững”.

Tin cùng chuyên mục
Huyện Văn Lãng (Lạng Sơn): Tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong nhà trường

Huyện Văn Lãng (Lạng Sơn): Tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong nhà trường

Ngày 4/12, Phòng Lao động, Thương binh, Xã hội - Dân tộc huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức Hội nghị truyền thông tuyên truyền “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (TH-HNCHT) trong vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2024 tại Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú, Trung học cơ sở xã Bắc La.