Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Hướng đi mới trong phát triển dược liệu vùng đồng bào DTTS&MN

Minh Nhật - Hoàng Minh - 12:00, 18/11/2023

Nước ta bước đầu đã hình thành hệ thống chuỗi giá trị phát triển dược liệu quý vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN), từ đó phát triển thành các sản phẩm chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ; vận dụng và phát triển các bài thuốc cổ truyền, vị thuốc cổ truyền góp phần chăm sóc, điều trị và nâng cao sức khỏe cho người dân, tạo sinh kế bền vững cho Nhân dân.

Phát triển dược liệu Việt gắn với phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Phát triển dược liệu quý vùng DTTS và miền núi tạo sinh kế bền vững cho người dân

Nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế gắn với phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN, Chính phủ đã quan tâm đầu tư phát triển dược liệu thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I, từ năm 2021 đến năm 2025 (Chương trình MTQG 1719), trong đó có tiểu dự án 2 “Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng DTTS&MN”.

Chung tay phát huy giá trị của dược liệu Việt

Chương trình vinh danh các hợp tác xã, hộ gia đình, các doanh nghiệp có thành tích nuôi trồng, bảo tồn, hình thành được chuỗi liên kết trong phát triển dược liệu tại các vùng miền trên cả nước, đặc biệt là vùng đồng bào DTTS&MN; khuyến khích các cá nhân, tổ chức nghiên cứu, hợp tác xã và doanh nghiệp tích cực hưởng ứng nhằm thực hiện các chính sách và chương trình của Chính phủ vừa mới ban hành, chung tay phát huy giá trị của dược liệu Việt, hưởng ứng cuộc vận động "Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt", góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên các vùng, miền của đất nước.... Đây là một chương trình hứa hẹn sẽ là điểm nhấn thúc đẩy  phát triển dược liệu quý vùng đồng bào DTTS&MN.

Phát triển dược liệu Việt gắn với phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 1
PGS.TS Nguyễn Thế Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền phát biểu tại buổi lễ công bố Chương trình

PGS.TS Nguyễn Thế Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền, Bộ Y tế cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, theo Quyết định số 1709/QĐ-BYT Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền phối hợp với các cơ quan truyền thông thực hiện chương trình truyền thông "Vai trò, giá trị của dược liệu trong chăm sóc sức khỏe và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN", trong đó có hoạt động vinh danh "Vì sự phát triển dược liệu Việt gắn với phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN".

Chương trình truyền thông vinh danh các hộ gia đình, hợp tác xã, các doanh nghiệp có vùng trồng dược liệu và tạo được chuỗi liên kết vùng trồng – sản phẩm tại các vùng miền trên cả nước, đặc biệt là vùng đồng bào DTTS&MN. Từ vùng dược liệu đó, phát triển thành các sản phẩm chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ, vận dụng và phát triển các bài thuốc cổ truyền, vị thuốc cổ truyền góp phần điều trị, nâng cao sức khoẻ cho người dân; đem lại cuộc sống ấm no cho bà con tại các vùng nông thôn, vùng đồng bào DTTS&MN.

Tạo sinh kế bền vững

Ở nhiều địa phương vùng đồng bào dân DTTS hiện nay đã và đang triển khai nhiều mô hình trồng cây dược liệu, góp phần quan trọng trong việc tạo sinh kế bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS từ nguồn vốn Chương trình MTQG, nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân.

Điển hình như tại A Lưới, một huyện vùng cao của tỉnh Thừa Thiên Huế, tuy điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, nhưng A Lưới lại có khí hậu mát mẻ trong lành, thích hợp để trồng các cây dược liệu. Theo đó, dự án vùng trồng dược liệu quý được triển khai trên diện tích 363,4ha tại các xã Quảng Nhâm, A Roàng và Hồng Bắc. 

Các loại dược liệu được trồng bao gồm nhiều loại như: ba kích, bách hộ, cà gai leo, hà thủ ô, hoài sơn, mạch môn, nhân trần, sa nhân tím, sâm bố chính, thiên niên kiện, xạ can... Dự án sẽ sử dụng tối thiểu 50% lao động là người DTTS, thời gian thực hiện từ năm 2022 đến năm 2025.

Phát triển dược liệu Việt gắn với phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 2
Vùng trồng sâm Ngọc Linh- Đăk Lây, huyện Nam Trà My, Quảng Nam

Hay tại huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam), huyện đã triển khai đề án bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn gắn với nhiệm vụ giảm nghèo của địa phương. Đề án dựa trên hình thức Nhà nước và người dân cùng làm; trong đó, huyện hỗ trợ và huy động tối đa nguồn lực của nhân dân để phát triển các loại cây dược liệu thành sản xuất hàng hóa, tổ chức đào tạo đội ngũ làm dịch vụ phục vụ sản xuất, thu mua, chế biến, đóng gói, trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm các loại cây dược liệu trên thị trường trong và ngoài nước. Dựa vào cây dược liệu, nhiều hộ gia đình từ diện hộ nghèo đã vươn lên thành hộ khá, tạo nên sinh kế bền vững cho người dân.

Hỗ trợ phát triển dược liệu quý theo hình thức liên kết chuỗi giá trị

Nhằm góp phần tạo sinh kế, tăng thu nhập cho bà con vùng DTTS&MN, trong Chương trình MTQG 1719 có đầu tư hỗ trợ phát triển dược liệu quý được triển khai thí điểm theo hình thức dự án liên kết chuỗi giá trị tại 22 huyện của 21 tỉnh, với 18 dự án vùng trồng dược liệu quý và 4 dự án Trung tâm nhân giống ứng dụng công nghệ cao.

Phát triển dược liệu Việt gắn với phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 3
Chương trình MTQG 1719 đang tạo cơ hội cho dược liệu quý phát triển

Mục tiêu của chương trình là bước đầu hình thành hệ thống chuỗi giá trị phát triển dược liệu quý; hình thành ý thức nuôi trồng dược liệu theo chuỗi giá trị và bảo tồn nguồn gien dược liệu đảm bảo các quy trình, tiêu chuẩn quản lý chất lượng; kết hợp bảo vệ và phát triển rừng bền vững.

Đối tượng của chương trình là các dự án phát triển sâm và dược liệu quý có hoạt động ở địa bàn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS&MN, sử dụng tối thiểu 50% lao động là DTTS (ưu tiên dự án sử dụng trên 50% lao động là nữ), do các tổ chức kinh tế và cá nhân, hộ gia đình DTTS, hộ nghèo sinh sống trong vùng có điều kiện tự nhiên phù hợp cùng tham gia thực hiện và cam kết hỗ trợ thu mua, sản xuất, tiêu thụ dược liệu trong vùng…

Tổng mức đầu tư hỗ trợ có thể lên tới 65 tỷ cho một vùng dự án. Với các nội dung như: Hỗ trợ doanh nghiệp trực tiếp đào tạo nghề cho lao động tại chỗ; hỗ trợ chi phí quảng cáo, xây dựng thương hiệu sản phẩm chủ lực quốc gia và cấp tỉnh; hỗ trợ kinh phí thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học; hỗ trợ giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm tối đa không quá 3 vụ hoặc 3 chu kỳ sản xuất, khai thác sản phẩm....

Đánh giá của Cục quản lý Y Dược cổ truyền (Bộ Y tế): Đây là một quyết sách mang tính chiến lược trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS&MN, gắn phát triển dược liệu với sinh kế của người dân.

Giá trị kinh tế lớn

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 80% dân số ở các nước đang phát triển sử dụng y học cổ truyền và thuốc từ thảo dược để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe ban đầu. Doanh thu hàng năm của thuốc từ dược liệu trên toàn thế giới đạt trên 100 tỷ USD và nhu cầu về dược liệu, thuốc từ dược liệu có xu hướng ngày càng gia tăng.

Dự báo của Fortune Business Insights, tổng giá trị thị trường sản phẩm từ thảo dược toàn cầu có thể đạt 430 tỷ USD vào năm 2028.

Tại Việt Nam, tổng số loài cây thuốc có nhu cầu sử dụng trong y học cổ truyền khoảng 800 loài, tổng nhu cầu về lượng khoảng 30,000 tấn/năm. Tổng số loài thảo dược có nhu cầu sử dụng trong công nghiệp dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, công nghiệp thực phẩm, đồ uống khoảng 300 loài, tổng nhu cầu về lượng khoảng 30.000 tấn/năm. Tổng giá trị xuất khẩu thảo dược Việt Nam ước khoảng 400 triệu USD/năm, trong đó đóng góp chính là quế, hồi và thảo quả.

Phát triển dược liệu Việt gắn với phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 4
Một số sản phẩm từ dược liệu quý như: Sâm Ngọc Linh, Quế, hồi, thảo quả, nghệ, hòe, kê huyết đằng..đang có hướng phát triển mới

Đến thời điểm hiện nay, một số doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác đã tham gia xuất khẩu nhiều loại dược liệu như: Quế, hồi, thảo quả, nghệ, hòe, kê huyết đằng... Mặc dù tổng giá trị xuất khẩu quế, hồi liên tục tăng, năm 2022, 2023 đạt hơn 276 triệu USD, nhưng theo các chuyên gia, con số này còn nhỏ so với thị phần dược liệu trên toàn thế giới.

Nhằm chủ động tham gia vào sân chơi toàn cầu, Bộ Y tế đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó có nhiều chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp dược như: Ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu khoa học, sản xuất thuốc dược liệu chất lượng cao, phát triển sản xuất thuốc dược liệu mang thương hiệu quốc gia...