Sau khi doanh nghiệp hỗ trợ dừng thi công, nhiều hộ đồng bào DTTS ở xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô phải tự bỏ tiền để hoàn thiện căn “nhà tình thương”Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Đăk Tô khẩn trương chỉ đạo kiểm tra, làm rõ các nội dung theo phản ánh của Báo Dân tộc và Phát triển, có biện pháp ngăn chặn kịp thời tình trạng nêu trên; kiên quyết xử lý theo quy định đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật (nếu có). Báo cáo UBND tỉnh (đồng gửi Sở Dân tộc và Tôn giáo) trước ngày 7/5/2025.
Sở Dân tộc và Tôn giáo chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan khẩn trương tổ chức kiểm tra, nắm bắt thông tin trên địa bàn toàn tỉnh; trên cơ sở đó, tham mưu cấp có thẩm quyền xem xét xử lý theo đúng quy định pháp luật. Đồng thời thông tin, tuyên truyền để người dân nắm được chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh về hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát không để các tổ chức, cá nhân lợi dụng để trục lợi. Báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh trước ngày 10/5/2025.
Dù đã nhận tiền đối ứng, tiền làm hồ sơ của người dân, nhưng nhiều căn “nhà tình thương” ở xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô chỉ mới làm móng và dừng thi công cho đến nayTrước đó, sáng ngày 3/5, Báo Dân tộc và Phát triển đã có loạt 3 bài phản ánh: Góc khuất từ những căn “nhà tình thương” ở Đăk Tô.
Theo đó, trên danh nghĩa hỗ trợ xây dựng “nhà tình thương” cho các hộ khó khăn về nhà ở, từ năm 2023 đến năm 2024, bà Nguyễn Thị Kim Thảo, đại diện doanh nghiệp K. Ngọc và bà Y Phím, trú huyện Đăk Tô (Kon Tum) đã hỗ trợ kinh phí cho nhiều hộ gia đình là người đồng bào DTTS tại xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô xây dựng nhà và sau đó, một số hộ đã phải bán đất rẫy, vay tiền để đóng tiền đối ứng. Tuy nhiên, hiện nay nhiều ngôi nhà vẫn chưa xây dựng xong dù đã nhận tiền đối ứng của người dân. Việc làm khuất tất này đã gây mất lòng tin trong Nhân dân.