Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Góc khuất từ những căn “nhà tình thương” ở Đăk Tô: Doanh nghiệp hỗ trợ dừng thi công, nhiều căn nhà dang dở (Bài 2)

Ngọc Chí - 15 giờ trước

Trước thực trạng bà Nguyễn Thị Kim Thảo, đại diện doanh nghiệp K. Ngọc và bà Y Phím dừng thi công "nhà tình thương" dù đã nhận tiền làm hồ sơ và một phần tiền đối ứng của các hộ dân đã tạo ra tâm lý lo lắng, bức xúc trong các hộ dân ở xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô (Kon Tum). Một số hộ dân đã có đơn kiến nghị gửi đến các cơ quan chức năng và ý kiến tại các buổi tiếp xúc cử tri. Tuy nhiên, đến nay sự việc vẫn chưa được giải quyết một cách thấu đáo.

Dừng thi công, dang dở “nhà tình thương”

Qua kết quả kiểm tra, rà soát, xác minh của UBND xã Đăk Trăm, đến nay, có 30 hộ gia đình được bà Nguyễn Thị Kim Thảo (đại diện Doanh nghiệp K. Ngọc) hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở đã hoàn thành, đưa vào sử dụng ổn định. Tuy nhiên, trong đó có 7 hộ gia đình phải tự bỏ thêm công, thuê thợ hoàn thiện lắp cửa, bắt điện, sơn tường, đóng la phông...

Ông A Hà, thôn trưởng thôn Đăk Trăm, xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô cho biết: Thôn có 3 hộ được bà Thảo và bà Y Phím hỗ trợ làm nhà, nhưng không thông qua thôn. Mỗi hộ đối ứng ít nhất 20 triệu. 2 hộ đã làm xong nhà nhưng không đầy đủ như cam kết; còn hộ Y Tám là xây tường xong rồi bỏ cả năm, vừa rồi hộ Y Tám phải bán đất cho người trong thôn lấy tiền để tự hoàn thiện căn nhà. Việc làm này gây mất lòng tin của Nhân dân trong thôn.

Do doanh nghiệp tài trợ dừng thi công, hộ Y Tám, thôn Đăk Trăm, xã Đăk Trăm phải bán đất rẫy cho người dân trong thôn lấy tiền để tự xây dựng, hoàn thiện căn nhà
Do doanh nghiệp tài trợ dừng thi công, hộ Y Tám, thôn Đăk Trăm, xã Đăk Trăm phải bán đất rẫy cho người dân trong thôn lấy tiền để tự xây dựng, hoàn thiện căn nhà

Riêng các hộ gia đình chưa xây dựng xong nhà ở thì theo thống kê từ tháng 9 năm 2023 đến năm 2024, trên địa bàn xã Đăk Trăm có 17 hộ đã đưa tiền đối ứng cho bà Y Phím, thường trú tại thôn Tê Pên, xã Đăk Trăm để triển khai xây dựng nhà, với số tiền khoảng 457 triệu đồng nhưng sau đó dừng thi công.

Hiện nay, có 4 hộ đã tự bỏ tiền hoàn thiện xong nhà; 5 hộ xây xong phần móng, tường, chưa lợp, chưa tô, chưa đóng nền, hiện nay ngừng thi công; 2 hộ (hộ bà Hồ Thị Diên và hộ ông Phạm Văn Thanh) đã đổ gạch chưa triển khai xây; 6 hộ chưa được đổ vật liệu, chưa triển khai xây dựng.

Chị Hra Na Niê, thôn Tê Pên, xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô cho biết: Gia đình tôi đăng ký hỗ trợ xây nhà thì nghe chị Y Phím nói sẽ được doanh nghiệp hỗ trợ 90 triệu. Sau đó, tôi đưa chị Y Phím 5 triệu tiền làm hồ sơ, đưa trước tiền đối ứng 15 triệu. Sau đó, họ đổ gạch, làm móng thì dừng luôn đến nay.

Chị Hra Na Niê (ngoài cùng bên phải), thôn Tê Pên, xã Đăk Trăm đã đóng 5 triệu đồng tiền làm hồ sơ, 15 triệu đồng tiền đối ứng, nhưng doanh nghiệp tài trợ và bà Y Phím chỉ làm cho móng nhà
Chị Hra Na Niê (ngoài cùng bên phải), thôn Tê Pên, xã Đăk Trăm đã đóng 5 triệu đồng tiền làm hồ sơ, 15 triệu đồng tiền đối ứng, nhưng doanh nghiệp tài trợ và bà Y Phím chỉ làm cho móng nhà

Ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô cho biết: Qua nắm thông tin, các hộ gia đình đã góp thêm tiền để xây dựng, sửa chữa nhà ở nhưng chưa xây dựng, chưa hoàn thành thì các hộ mong muốn bà Nguyễn Thị Kim Thảo đẩy nhanh tiến độ xây dựng, sớm hoàn thiện các căn nhà, để các hộ đưa vào sử dụng trong thời gian sớm nhất. Đối với các hộ đã đổ gạch, chưa triển khai xây dựng, những hộ này đề nghị hoàn trả lại số tiền mà các hộ đã đối ứng.

Không chỉ riêng tại địa bàn xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô, đại diện doanh nghiệp K. Ngọc và bà Y Phím còn hỗ trợ xây dựng 4 căn nhà tại xã Đăk Tờ Kan, huyện Tu Mơ Rông và đã hoàn thành cho người dân sử dụng. Riêng tại thôn Tu Cấp, xã Tu Mơ Rông có 3 hộ đăng ký nhận hỗ trợ, đã đóng tiền làm hồ sơ, tiền đối ứng, nhưng chính quyền địa phương phát hiện, can thiệp kịp thời.

Ông Tiêu Viết Trinh, Chủ tịch UBND xã Tu Mơ Rông, huyện Tu Mơ Rông cho biết: Tháng 4/2024, khi thôn báo lên có tình trạng hỗ trợ xây dựng nhà tình thương thì UBND xã đã kịp thời có biện pháp ngăn chặn. Trong đó, 1 hộ dân đã rút lại 4 triệu tiền làm hồ sơ; 1 hộ dân đối ứng 10 triệu và đã được đổ vật liệu thì hiện nay họ tự sử dụng vật liệu để làm nhà; 1 hộ chuyển về làm nhà ở xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô.

Dân mang đơn đi kiến nghị

Trước tình trạng doanh nghiệp hỗ trợ dừng thi công, những căn “nhà tình thương” trở nên dang dở trong sự thất vọng của các hộ đồng bào DTTS, nhiều hộ đã có đơn kiến nghị gửi đến các cơ quan chức năng nhờ can thiệp. Đồng thời, qua các buổi tiếp xúc cử tri HĐND các cấp người dân cũng đã nhiều lần kiến nghị.

Chị Y Thảo, thôn Tê Pên, xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô chia sẻ: Nghe họ hỗ trợ 90 triệu làm nhà thì tôi cũng mừng. Xong đưa 5 triệu làm hồ sơ, tháng 4/2024 thì đổ 1 xe gạch, tôi đưa trước 15 triệu tiền đối ứng. Sau đó họ lấy gạch xây cái móng và dừng luôn cho đến nay. Tôi hỏi chị Y Phím thì bảo đưa hết 35 triệu tiền đối ứng thì xây tiếp, tôi sợ bị lừa nên không đưa nữa. Tôi đã có đơn kiến nghị lên Công an xã rồi, mong muốn chị Y Phím tính toán và trả lại tiền cho tôi.

Được doanh nghiệp nói hỗ trợ 90 triệu đồng làm “nhà tình thương”, chị Y Thảo, thôn Tê Pên, xã Đăk Trăm đã đóng 20 triệu đồng tiền đối ứng và tiền làm hồ sơ, nhưng nhận lại là cái móng nhà bỏ dang dở khi nay
Được doanh nghiệp nói hỗ trợ 90 triệu đồng làm “nhà tình thương”, chị Y Thảo, thôn Tê Pên, xã Đăk Trăm đã đóng 20 triệu đồng tiền đối ứng và tiền làm hồ sơ, nhưng nhận lại là cái móng nhà bỏ dang dở khi nay

Ông A Vu, Thôn trưởng thôn Tê Pên, xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô cho biết: Năm 2023, khi làm thì có báo cho thôn và có biên bản, nhưng năm 2024 thì không báo cho thôn. Lúc đó thì xe chạy đổ vật liệu liên tục, như làm công trình lớn ở trong làng. Hộ nghèo khi doanh nghiệp hỗ trợ thì cũng phấn khởi, mong muốn có được căn nhà khang trang cho con cái ở, nhưng ai ngờ thế này. Việc này tạo ra dư luận không tốt trong dân, tiếp xúc cử tri thì bà con ý kiến miết, có hộ làm đơn gửi lên xã.

Trước những kiến nghị của người dân có liên quan đến việc thu tiền đối ứng của người dân để xây dựng nhà, nhưng đến nay một số nhà chưa thực hiện xong, UBND xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô đã phối hợp với các bên liên quan làm rõ các nội dung kiến nghị.

Giấc mơ có được căn “nhà tình thương” trở nên dang dở, giờ đây nhiều hộ đồng bào DTTS phải đi kiến nghị để đòi lại khoản tiền đối ứng
Giấc mơ có được căn “nhà tình thương” trở nên dang dở, giờ đây nhiều hộ đồng bào DTTS phải đi kiến nghị để đòi lại khoản tiền đối ứng

Ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô cho biết: Khi các hộ đưa tiền cho bà Y Phím để làm hồ sơ, mua vật liệu xây dựng nhà; giữa các hộ dân với bà Y Phím không có giấy tờ giao nhận tiền với nhau; có hộ bà Hồ Thị Diên, bà Nguyễn Thị Thuý An, bà Trần Thị Hà và bà Hà Thị Ngọt khi đưa tiền cho bà Y Phím có lưu tin nhắn trên điện thoại. Hiện nay theo ý kiến các hộ thì yêu cầu bà Y Phím trả lại tiền, không yêu cầu bà Y Phím triển khai xây dựng nhà nữa.

Vì quá tin tưởng vào tấm lòng nhân ái của bà Nguyễn Thị Kim Thảo, đại diện doanh nghiệp K. Ngọc và bà Y Phím, nhiều hộ đồng bào DTTS ở huyện Đăk Tô, huyện Tu Mơ Rông đã tin tưởng nộp tiền làm hồ sơ, đưa tiền đối ứng và thậm chí là bán đất (trong đó có cả những người là bà con của bà Y Phím), nhưng đổi lại giấc mơ có được căn "nhà tình thương" khang trang trở nên dang dở, giờ đây họ phải đi kiến nghị để đòi lại khoản tiền đối ứng. 

Tin cùng chuyên mục
Nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động từ Chương trình MTQG 1719

Nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động từ Chương trình MTQG 1719

Với nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: từ năm 2021 đến 2025 (Chương trình MTQG 1719), công tác tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào DTTS đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Từ đó tạo động lực để đồng bào DTTS thi đua lao động, sản xuất, xây dựng bản, làng ấm no, phát triển.