Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Góc khuất từ những căn “nhà tình thương” ở ĐăkTô: Hỗ trợ đồng bào DTTS tiền xây nhà, đồng bào DTTS phải bán đất, vay tiền đóng tiền đối ứng (Bài 1)

Ngọc Chí - 15 giờ trước

Trên danh nghĩa hỗ trợ xây dựng “nhà tình thương” cho các hộ khó khăn về nhà ở, từ năm 2023 đến năm 2024, bà Nguyễn Thị Kim Thảo, đại diện doanh nghiệp K. Ngọc và bà Y Phím, trú huyện Đăk Tô (Kon Tum) đã hỗ trợ kinh phí cho nhiều hộ gia đình là người đồng bào DTTS tại xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô xây dựng nhà và sau đó, một số hộ đã phải bán đất rẫy, vay tiền để đóng tiền đối ứng. Tuy nhiên, hiện nay nhiều ngôi nhà vẫn chưa xây dựng xong dù đã nhận tiền đối ứng của người dân. Việc làm khuất tất này đã gây mất lòng tin trong Nhân dân.

Tự đến thôn hỗ trợ xây dựng “nhà tình thương”

Từ tháng 09/2023 đến cuối tháng 12/2023, bà Nguyễn Thị Kim Thảo, trú tại khối 4, thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô, đại diện doanh nghiệp K. Ngọc triển khai hỗ trợ cho 25 hộ gia đình trên địa bàn thôn Tê Pên, xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô xây dựng, sữa chữa 25 căn nhà tình thương; trong đó, có 2 hộ nghèo, 6 hộ cận nghèo.

Ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô cho biết: Thời điểm đó, trước khi triển khai hỗ trợ xây dựng, sữa chữa nhà ở cho một số hộ gia đình trên địa bàn thôn Tê Pên, bà Nguyễn Thị Kim Thảo có thông qua Thôn trưởng thôn Tê Pên và làm việc với các hộ gia đình được hỗ trợ xây dựng, sữa chữa nhà ở để thống nhất triển khai thực hiện. Đồng thời, thông tin cho lãnh đạo xã Đăk Trăm biết việc hỗ trợ nhà tình thương cho các hộ dân trên địa bàn thôn Tê Pên. Xã đồng ý, tuy nhiên, việc hỗ trợ xây dựng, sữa chữa nhà ở cho các hộ dân phải trên tinh thần tự nguyện, được sự đồng thuận của người dân và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật.

Xã Đăk Trăm có hơn 95% dân số là đồng bào DTTS, đời sống người dân còn nhiều khó khăn nên khi được hỗ trợ xây dựng “nhà tình thương” người dân rất phấn khởi
Xã Đăk Trăm có hơn 95% dân số là đồng bào DTTS, đời sống người dân còn nhiều khó khăn nên khi được hỗ trợ xây dựng “nhà tình thương” người dân rất phấn khởi

Số tiền bà Nguyễn Thị Kim Thảo, đại diện doanh nghiệp K. Ngọc hỗ trợ mỗi hộ gia đình là 90 triệu đồng để xây dựng, sửa chữa một căn nhà, với diện tích 50m2; trường hợp, nếu các hộ gia đình muốn xây dựng, sửa chữa với diện tích lớn hơn thì tự bỏ tiền (các hộ dân tự đối ứng thêm) để xây dựng. Theo đó, 25 hộ đã thống nhất và nhận sự hỗ trợ của bà Thảo để làm nhà với diện tích từ 50m2 đến 80m2; các hộ góp thêm từ 30 triệu đến 58 triệu đồng.

Chị Y Lan, thôn Tê Pên, xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô cho biết: Năm 2023, gia đình còn thuộc diện hộ nghèo nên khi nghe được hỗ trợ 90 triệu xây dựng nhà, hỗ trợ nội thất trị giá 10 triệu nữa thì vui lắm. Lúc đó mọi việc đều thông qua chị Y Phím ở cùng thôn làm hồ sơ và nhận tiền đối ứng. Tôi đưa trước 3 triệu làm hồ sơ và cam kết sẽ đối ứng 35 triệu.

Chị Y Lan, thôn Tê Pên, xã Đăk Trăm được doanh nghiệp hỗ trợ xây dựng “nhà tình thương”, nhưng sau đó chị phải bán đất sản xuất và bỏ thêm tiền để tự hoàn thiện căn nhà
Chị Y Lan, thôn Tê Pên, xã Đăk Trăm được doanh nghiệp hỗ trợ xây dựng “nhà tình thương”, nhưng sau đó chị phải bán đất sản xuất và bỏ thêm tiền để tự hoàn thiện căn nhà

Từ đầu năm 2024 đến cuối tháng 3/2024, bà Nguyễn Thị Kim Thảo tiếp tục triển khai hỗ trợ xây dựng 16 căn nhà cho 16 hộ gia đình trên địa bàn các thôn Đăk Trăm, Tê Pên, Tê Pheo, Đăk Rô Gia, Đăk Mông, thuộc xã Đăk Trăm. Khi triển khai hỗ trợ xây dựng nhà cho các hộ gia đình, bà Thảo không thông qua chính quyền địa phương; bà Thảo tự liên hệ với các hộ dân và tự thống nhất, thoả thuận với nhau, tiến hành triển khai xây dựng. Bà Thảo hỗ trợ 90 triệu, các hộ góp thêm từ 30 triệu đến 50 triệu đồng để xây dựng, sữa chữa nhà ở của hộ gia đình mình.

Việc xây dựng “nhà tình thương” thì được chính bà Thảo và Y Phím tổ chức thực hiện với đơn vị thi công, người dân chỉ việc đóng tiền đối ứng và sẽ được xây dựng nhà, xong nhà sẽ được bàn giao để sử dụng.

Nhiều hộ “bán đất, vay tiền” đóng tiền đối ứng

Bà Nguyễn Thị Kim Thảo là người hỗ trợ xây dựng nhà, nhưng làm việc với các hộ được hỗ trợ phần lớn là bà Y Phím, trú tại thôn Tê Pên, xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô. Nên mọi giao dịch nhận tiền làm hồ sơ (dao động từ 2 đến 5 triệu đồng mỗi hộ), nhận tiền đối ứng đều thông qua bà Y Phím.

Chị Y Hút, thôn Đăk Trăm, xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô cho biết: Sau khi được bà Thảo, bà Y Phím đồng ý hỗ trợ 90 triệu xây dựng nhà, chị đã vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội và đưa 46 triệu đồng tiền đối ứng, tiền làm hồ sơ cho bà Y Phím với cam kết là làm căn nhà xây cấp 4, tường xây, mái lợp tôn, nền lát gạch hoa, trần đóng la phong tôn, cửa sắt, có hệ thống điện và được hỗ trợ thêm nội thất trị giá 10 triệu đồng. Nhưng sau khi xây tường xong, lợp tôn, lát nền xong là không làm nữa và gia đình vào ở đến nay. Diện tích nhà thì hơn 50m2.

Chị Y Hút, thôn Đăk Trăm, xã Đăk Trăm đã đóng 46 triệu tiền đối ứng, tiền làm hồ sơ cho bà Y Phím để làm “nhà tình thường” nhưng căn nhà hoàn thiện không như cam kết
Chị Y Hút, thôn Đăk Trăm, xã Đăk Trăm đã đóng 46 triệu tiền đối ứng, tiền làm hồ sơ cho bà Y Phím để làm “nhà tình thường” nhưng căn nhà hoàn thiện không như cam kết

Trong quá trình triển khai xây dựng nhà thì một số hộ do không có tiền để đối ứng thì được bà Y Phím gợi ý bán đất để có tiền đóng tiền đối ứng làm nhà. Cùng với đó là những lời cam kết khi bán đất đó cho 1 doanh nghiệp ở Tp. Hồ Chí Minh thì họ sẽ đầu tư sản xuất tại đây và sẽ được nhận vào làm công nhân cho doanh nghiệp trên chính mảnh đất đó. Vừa có tiền làm nhà, vừa có việc làm ổn định.

Đơn cử như vợ chồng anh A Phú và chị Y Trang, thôn Tê Pên, xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô có 4 người con nên cuộc sống khó khăn, chưa có điều kiện làm nhà. Năm 2023, nghe Y Phím (dì của Y Trang) nói được hỗ trợ 90 triệu làm nhà và gia đình thống nhất đối ứng 35 triệu.

Anh A Phú cho biết: Khi bắt đầu làm nhà thì bà Y Phím bảo đã đi đo đất rẫy của gia đình anh, đất đó chưa có giấy tờ nên bán 1,5 hecta được hơn 80 triệu. Bán đất vừa có tiền làm nhà và sau này vợ chồng được nhận vào làm việc với mức lương mỗi người 9 triệu đồng/tháng. Tính ra gia đình nhận tiền nhiều lần thì được hơn 30 triệu, còn 50 triệu thì được bà Y Phím cấn vào tiền đối ứng.

Vợ chồng anh A Phú và chị Y Trang, thôn Tê Pên, xã Đăk Trăm phải bán 1,5 hecta đất để có tiền đóng 50 triệu đồng đối ứng làm “nhà tình thương”
Vợ chồng anh A Phú và chị Y Trang, thôn Tê Pên, xã Đăk Trăm phải bán 1,5 hecta đất để có tiền đóng 50 triệu đồng đối ứng làm “nhà tình thương”

Theo báo cáo của UBND xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô, qua kiểm tra, nắm tình hình, hiện nay có 9 hộ được hỗ trợ xây dựng nhà ở đã chuyển nhượng đất rẫy cho bà Y Phím và bà Nguyễn Thị Kim Thảo, với diện tích khoảng 11 ha; trong đó, có 8 hộ chuyển nhượng đất đã được UBND huyện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2014, có 1 hộ (bà Y Luyện) tự thoả thuận với nhau không có giấy tờ. Hiện còn 2 hộ là bà Y Quyên và bà Y Luyện chưa nhận đủ số tiền chuyển nhượng đất rẫy, còn lại 7 hộ đã nhận đủ số tiền chuyển nhượng đất rẫy.

Ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô cho biết: Các hộ đã được cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất, khi giao dịch hợp đồng chuyển nhượng các bên liên hệ với Văn phòng công chứng tư nhân để làm hợp đồng, không thông qua chính quyền địa phương khi chuyển nhượng, do đó việc theo dõi, xử lý mua bán, chuyển nhượng gặp nhiều khó khăn. Qua kiểm tra thì sau khi chuyển nhượng đất rẫy cho bà Nguyễn Thị Kim Thảo và bà Y Phím, các hộ đều đảm bảo đủ đất canh tác, sản xuất nông nghiệp.

Theo các hộ dân ở thôn Tê Pên, xã Đăk Trăm thì diện tích đất trước đây họ chuyển nhượng giờ đã được chuyển nhượng cho một số người ở Tp. Hồ Chí Minh
Theo các hộ dân ở thôn Tê Pên, xã Đăk Trăm thì diện tích đất trước đây họ chuyển nhượng giờ đã được chuyển nhượng cho một số người ở Tp. Hồ Chí Minh

Theo các hộ dân ở thôn Tê Pên, xã Đăk Trăm cho biết, hiện nay diện tích đất của người dân chuyển nhượng cho bà Nguyễn Thị Kim Thảo và bà Y Phím đã được chuyển nhượng cho một số người ở Tp. Hồ Chí Minh. Diện tích có thể nhiều hơn so số liệu xã thống kê. Hiện nay, người nhận chuyển nhượng đang thuê máy móc, nhân công tiến hành cày xới đất chuẩn bị trồng cây.

Việc doanh nghiệp vào tận thôn tự nguyện hỗ trợ kinh phí giúp đồng bào DTTS xây dựng “nhà tình thương” và ngược lại thì đồng bào DTTS bán đất rẫy cho người hỗ trợ. Vậy, ở đây doanh nghiệp có thực sự giúp người dân bằng tấm lòng nhân ái, nghĩa tình như tên gọi là “nhà tình thương” hay vì mục đích mua đất rẫy của đồng bào DTTS. Đây là câu hỏi mà một số người dân ở xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô đặt ra hiện nay? 

Tin cùng chuyên mục
Nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động từ Chương trình MTQG 1719

Nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động từ Chương trình MTQG 1719

Với nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: từ năm 2021 đến 2025 (Chương trình MTQG 1719), công tác tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào DTTS đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Từ đó tạo động lực để đồng bào DTTS thi đua lao động, sản xuất, xây dựng bản, làng ấm no, phát triển.