Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Rủi ro phận người làm tranh đá

PV - 14:25, 26/11/2018

Tranh đá quý Lục Yên (Yên Bái) từ lâu đã nổi tiếng trong và ngoài nước về độ tinh xảo, quý giá. Tuy nhiên, chứng kiến các công đoạn làm ra những bức tranh đá, mới phần nào hiểu được trong mỗi bức tranh này chứa đựng bao tâm huyết, mồ hôi, sức khỏe của những người thợ làm tranh…

Nhọc nhằn trong từng bức tranh quý

Đi về cuối chợ đá Lục Yên ở trung tâm thị trấn Yên Thế, bước vào một xưởng tranh đá quý, chúng tôi ấn tượng với những bức tranh cỡ lớn được làm từ nguyên liệu đá quý, đa dạng về đề tài và màu sắc. Chứng kiến các công đoạn làm ra những bức tranh, chúng tôi mới phần nào hiểu về sự gian nan, vất vả của nghề này.

Cô Nguyễn Thị Minh (50 tuổi, dân tộc Tày) đã có hơn 9 năm gắn bó với nghề chia sẻ: Nghề tranh đá quý ở Lục Yên đã có gần 30 năm, nhưng nhiều công đoạn nặng nhọc, độc hại vẫn phải làm thủ công. Việc giã đá làm nguyên liệu đòi hỏi người thợ phải am hiểu tính đá, vân đá, màu sắc; phải biết loại nào giã mịn, loại nào giã thô với muôn vàn hình dạng, kích thước… những công đoạn này, máy móc khó thực hiện được. Bên cạnh đó, với nhiều loại đá, chúng tôi phải dùng búa, dao to bản để chẻ, đập cho đá nhỏ ra mới giã được. Ngày đầu mới vào nghề, giã liên tục 8 tiếng, đêm về tay đau ê ẩm, mấy ngày sau mới đi làm lại được.

tranh đá Công đoạn chẻ đá, giã đá để làm tranh rất vất vả và dễ xảy ra tai nạn.

Nhìn những viên đá bằng quả táo bị dao, búa chặt, đập thành từng viên nhỏ, rồi được giã trong cối sắt với những âm thanh chát chúa, sắc lạnh, mảnh dằm văng khắp nơi, chúng tôi không khỏi rùng mình, nhất là nhìn những người thợ đều không có bảo hộ lao động như găng tay, kính mắt…

Theo cô Minh cho biết, nếu làm đủ 30 ngày, cô được trả 3,5 triệu đồng lương, trừ tiền xăng xe, ăn trưa còn lại không đáng là bao. Dụng cụ bảo hộ chúng tôi phải tự sắm nhưng các viên đá rất sắc, găng tay rách liên tục phải thay thường xuyên nên khá tốn kém. Vì vậy, chúng tôi chỉ làm bằng tay không. Nghề này bị dằm đá đâm chảy máu là điều bình thường. Nhiều người còn bị dằm đá bắn vào mắt, phải đi cấp cứu, chữa trị tận Hà Nội.

Công việc như vậy, nhưng vẫn “dễ thở” hơn làm công đoạn nhỏ keo 502 để gắn đá làm tranh. Keo quyện với bột đá và nhựa Foocmica, tạo thành một lớp khói mỏng, cay, khó tan trong không khí, xộc lên rất khó chịu. Để bột đá không bay, rơi chuẩn từng chi tiết, người thợ làm tranh phải làm trong phòng kín hoặc nơi kín gió, bởi vậy khi nhỏ keo, mùi keo luẩn quẩn trong phòng, biết là độc hại nhưng không có cách nào để tránh.

Cần hướng tới giải pháp hỗ trợ cho lao động tự do

Công việc nặng nhọc, độc hại, nhưng hầu hết những người thợ làm tranh đá quý đều không được tham gia BHXH. Chị Đỗ Thị Thủy, làm công việc đổ đá và keo cho biết: “Chúng tôi làm việc 8 tiếng một ngày, dài hạn nhưng đều được xếp vào lao động tự do, thời vụ, không có hợp đồng lao động nên ốm đau, tai nạn lao động thì phải tự chi trả chi phí đi viện. Tôi cũng muốn được tham gia BHXH nhưng ở vùng núi có một công việc đã là tốt rồi. Còn tham gia BHXH tự nguyện thì tôi chưa nghĩ đến, vì thu nhập còn thấp”.

Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Lục Yên: nghề chế tác, làm tranh đá quý ở Lục Yên đang có nhiều triển vọng. Huyện hiện có nhiều cơ sở lớn như: Công ty Việt Phương, các cơ sở Tích Tuyết, Ngọc Sơn Lâm, Dung Mến, Công ty TNHH Đức Tín-Ngọc Đại Phát… Mỗi cơ sở làm nghề hiện có trung bình từ 5-30 lao động, tính riêng nghề làm tranh đá đã giải quyết việc làm cho hơn 300 lao động địa phương.

Có thể thấy, nghề tranh đá quý đang đóng góp rất lớn cho phát triển kinh tế- xã hội ở Lục Yên, tạo công ăn việc làm cho nhiều người lao động. Tuy nhiên, làm sao để có sự phát triển bền vững, những người lao động được tham gia BHXH, đảm bảo cuộc sống khi chẳng may ốm đau, tai nạn, hết tuổi lao động đang là bài toán cho chính quyền ở đây.

Ông Nguyễn Quang Trung, Giám đốc BHXH huyện Lục Yên cho biết, đối với lao động tranh đá quý, thường các chủ cơ sở mới chỉ tham gia BHXH cho các thợ chính, làm lâu năm, đối tượng là lao động tự do, thời vụ thì còn “bỏ ngỏ”. Vì vậy, thời gian qua, BHXH huyện đã tập trung tuyên truyền, vận động những đối tượng này tham gia BHXH tự nguyện.

Hiện, BHXH huyện đang tích cực phối hợp Bưu điện tổ chức các Hội nghị tuyên truyền tại các xã, phường, thôn bản về chính sách này và đạt kết quả khả quan. Với những lao động tự do như làm tranh đá quý, vì tính chất công việc nên BHXH huyện đã tổ chức các hội nghị vào buổi tối để họ có thể tham dự.

Hầu hết, đối tượng này đều có thu nhập thấp, công việc không ổn định nên khó khăn hơn trong việc vận động tham gia BHXH tự nguyện. Do đó, thời gian tới, BHXH sẽ tập trung tuyên truyền để những người lao động thay đổi nhận thức, thấy được sự hấp dẫn, linh hoạt của chính sách BHXH tự nguyện, từ đó lựa chọn mức đóng, thời gian tham gia cho phù hợp.

HIẾU ANH