Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Ra mắt sách “Học sinh kể chuyện Bác Hồ”

T.Hợp - 14:30, 06/06/2022

“Học sinh kể chuyện Bác Hồ” là tác phẩm của cố nhà văn Thy Ngọc (tên thật là Nguyễn Ngọc, 1925-2012). Tác phẩm được phát hành kỷ niệm 111 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911- 5/6/2022).

Tác phẩm Học sinh kể chuyện Bác Hồ của tác giả Thy Ngọc
Tác phẩm Học sinh kể chuyện Bác Hồ của tác giả Thy Ngọc

Với tác phẩm "Học sinh kể chuyện Bác Hồ", tác giả đã lồng ghép những nét chính về thân thế và sự nghiệp của Bác Hồ qua từng giai đoạn lịch sử theo lối diễn đạt của thanh thiếu niên. Điểm độc đáo trong tác phẩm này là thông qua hình thức trò chuyện giữa các bạn học sinh, cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh được tái hiện một cách thú vị, giúp độc giả nhiều độ tuổi, thế hệ đều dễ dàng ôn lại và tìm hiểu thêm về Bác Hồ kính yêu.

Cuốn sách "Học sinh kể chuyện Bác Hồ" cung cấp những nét chính về cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ qua lời kể của học sinh nên phù hợp với cách giảng dạy, đào tạo của nhà trường hiện nay. Tác phẩm gồm có 7 phần, bao gồm những câu chuyện từ thời niên thiếu của Bác cho đến khi Bác lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp qua lời kể của các bạn học sinh tên là Thủy, Sơn, Hòa và Huỳnh. Bên cạnh đó còn có thêm hai phần nội dung nhỏ tiếp tục mở ra nhiều điều thú vị cho bạn đọc hiểu thêm về Bác Hồ.

Trong phần 1 “Thời niên thiếu của Bác Hồ, những người thân trong gia đình Bác”, chứa những câu chuyện về Bác thuở nhỏ. Những điều thú vị như cái tên Côn của Bác hay Bác về thăm quê hương sau 52 năm xa cách đều được kể lại một cách chân thực. Không chỉ vậy, câu chuyện về hai vị thân sinh của Bác cùng những năm tháng khó khăn khi Bác mất mẹ, mất em trai, cha đi thi ở nơi kinh thành Huế xa xôi được kể lại hết sức cảm động. Bên cạnh đó là những bức hình minh họa sinh động, trùng khớp với câu chuyện đang diễn ra.

Phần 2: “Những năm học quan trọng, những ngày trăn trở”, phần này giúp chúng ta được thấy rõ nét hơn về quá trình học tập của Bác cùng những suy tư với thời cuộc. Ngay từ lúc được ông Phó bảng cho học trường tiểu học Pháp-Việt Đông Ba vào tháng 9/1906 ở Thừa Thiên, Bác đã luôn cố gắng học tập không ngừng và thể hiện được sự thông minh lanh lợi của mình.

Phần 3: “Bác ra đi tìm đường cứu nước” là những nét chính về quá trình học tập và làm việc của Nguyễn Tất Thành trong những ngày các phong trào cách mạng bị thực dân Pháp đàn áp.

Phần 4: “Những năm tháng Bác ở nước ngoài” được trình bày khá chi tiết về quá trình hoạt động của Bác. Từ những ngày Bác ở Châu Âu, Châu Phi và về Trung Quốc đều được kể cụ thể và hấp dẫn.

Phần 5: “Bác Hồ về nước, Bác lãnh đạo cuộc kháng chiến” kể về quá trình làm việc của Bác Hồ sau khi về nước được tóm tắt ngắn ngọn, súc tích và khá đầy đủ. Từ lúc chuẩn bị khởi nghĩa cho đến ngày Bác đọc Bản Tuyên ngôn độc lập, và còn nhắc lại một số thư Bác gửi cho học sinh, thanh niên.

Phần 6: “Tuổi trẻ trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước” là những câu chuyện về quá trình chống Mỹ dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bên cạnh những sự kiện chính còn là những câu chuyện cảm động khi Bác gặp các đồng chí miền Nam ra thăm, diễn viên đoàn Văn công quân khu Bốn theo đoàn đại biểu anh hùng chiến sĩ thi đua của lực lượng vũ trang ra học tập và báo cáo với Trung ương về thành tích bốn năm chống Mỹ cứu nước.

Phần 7: “Tên, bí danh, bút danh, cùng những sáng tác thơ văn của Bác” là những tài liệu được góp nhặt lại và trình bày ngắn gọn về các tên, giải thích các bí danh Bác dùng, cùng những sáng tác của Bác như: A.G, Ba (Văn Ba), Bác Hồ, C.B., C.K., Chen Vang, Chiến Sĩ, Chín (Thầu Chín), D.X., Đin, đồng chí Trần, G., Già Thu, Hồ Chí Minh, Hồ Quang, L.M. Wang, L.T., La Lập, Lê Nhân, Lê Nông, Lê Quyết Thắng, Lê Thanh Long, Lin, Line, Linốp, Lý Thụy, N., N.A.Q., N.K., Ng.A.Q., Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn, Nguyễn A.Q., Ng. Ái Quốc, Nguyễn Ái Kbak, Nguyễn Sinh Cung, Nguyễn Tất Thành, Nilopxki, P.C. Line, Paul, Quac E. Wen, T.L., Tân Sinh, Thanh Lan, Thu Sơn, Tống Văn Sơ, Trần Lực, U.L., V. Victor, Vương (đồng chí Vương), Wang, X., X.Y.Z.