Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Quốc hội khóa XV tiếp tục thảo luận về Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)

Hoàng Quý - 08:06, 07/01/2023

Chiều 6/1, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội đã thảo luận ở Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên thảo luận
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên thảo luận

Điều hành phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, ngay sau Kỳ họp thứ 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra chủ trì, phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan, tổ chức có liên quan để tiếp thu, giải trình tối đa các ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và chỉnh lý dự thảo Luật.

Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục tổ chức hội thảo, tọa đàm chuyên gia, xin ý kiến Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan, tổ chức liên quan về việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật; tổ chức hội nghị lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động và tiến hành khảo sát tại địa phương về việc thực hiện chính sách khám bệnh, chữa bệnh và về tài chính, nhân lực của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Tại phiên thảo luận này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội cho ý kiến về các vấn đề liên quan đến các nội dung như: Hội đồng Y khoa quốc gia; thời hạn của giấy phép hành nghề; cấp chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh; dinh dưỡng trong khám bệnh, chữa bệnh; nguồn ngân sách nhà nước cho công tác khám bệnh, chữa bệnh; tự chủ đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước; xã hội hóa trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh…

Tiến hành thảo luận, các đại biểu đánh giá cao cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp thu nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp trước; các cơ quan cũng tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo để lấy ý kiến của các chuyên gia cũng như nhà khoa học. Dự thảo luật lần này cơ bản hoàn chỉnh và đủ điều kiện thông qua tại Kỳ họp này để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện tại của ngành y tế.

Các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần bổ sung một số nội dung như: nghiên cứu bổ sung các hình thức tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bao gồm trung tâm y tế, nhất là trung tâm y tế không có giường bệnh nội trú để cấp giấy phép hoạt động cho phù hợp với chức năng, tên gọi; nghiên cứu, rà soát, chỉnh lý, đánh giá tác động và phải có thời gian vật chất cần thiết; cân nhắc bổ sung quy định người bệnh, người đại diện của người bệnh được quyền khai thác hồ sơ bệnh án của chính người bệnh trong quá trình điều trị…

Đại biểu Quàng Văn Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La
Đại biểu Quàng Văn Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La

Đại biểu Quàng Văn Hương (Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La): Đảm bảo cho đồng bào nằm ngoài vùng DTTS và miền núi

Đại biểu Quàng Văn Hương cho rằng, đối với nội dung về chính sách của Nhà nước về khám, chữa bệnh, tại Khoản 2, Điều 4 quy định Nhà nước ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước cho các hoạt động sau đây: Phát triển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc y tế cơ sở, hệ thống cấp cứu ngoại viện; tập trung đầu tư cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại khu vực biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Khám bệnh, chữa bệnh đối với người có công với cách mạng; trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo, người thuộc hộ cận nghèo; người đang sinh sống ở khu vực biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn…

Như vậy, so với quy định của Hiến pháp, dự thảo luật đã cắt bỏ địa bàn miền núi, đồng thời thể chế hóa, bổ sung thêm 3 vùng biên giới, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đại biểu cho rằng, đây là quy định được làm rõ về cơ sở pháp lý để làm căn cứ cho việc ban hành các văn bản thi hành luật, bảo đảm tính khả thi đi vào cuộc sống. Nếu quy định không rõ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến số đông đồng bào nằm ngoài vùng đồng bào dân số và miền núi.

Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát, chỉnh lý vi phạm vi, đối tượng, thứ tự ưu tiên theo đúng quy định của Hiến pháp để đảm bảo chặt chẽ về cơ sở pháp lý và việc triển khai thực hiện.

Quang cảnh phiên thảo luận
Quang cảnh phiên thảo luận

Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định, đây là dự án Luật khó, liên quan đến vấn đề chuyên môn sâu, đối tượng tác động rộng, ảnh hưởng căn cốt lợi ích mỗi người dân, chịu sự ràng buộc của nhiều dự án Luật khác. Cơ quan soạn thảo đã quán triệt nguyên tắc lấy người bệnh làm trung tâm, tiếp thu đầy đủ trên tinh thần cầu thị ý kiến của các đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự án Luật đạt chất lượng cao nhất, trình Quốc hội xem xét, thông qua. Bộ trưởng mong muốn các đại biểu Quốc hội ủng hộ Chính phủ trong việc sớm thông qua dự án Luật quan trọng này.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, đã có 22 đại biểu đăng ký phát biểu, các ý kiến phát biểu tâm huyết, trách nhiệm, tinh thần xây dựng. Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu giải trình các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp đầy đủ ý kiến thảo luận và gửi đến đại biểu Quốc hội, các cơ quan có liên quan để nghiên cứu, tiếp thu. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra, nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật và xin lý kiến Quốc hội, đảm bảo yêu cầu chất lượng, khả thi, đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn và tính ổn định khi được Quốc hội thông qua.