Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Chương trình 1719

Quảng Nam: Vùng đồng bào DTTS và miền núi khởi sắc từ Chương trình MTQG 1719

T.Nhân - H.Trường - 22:01, 14/12/2024

Những năm qua, tỉnh Quảng Nam tập trung thực hiện đầy đủ và hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc, giúp vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh có sự đổi thay đáng kể. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719) được xem là một trong những đòn bẩy quan trọng việc rút ngắn khoảng cách giữa miền núi với miền xuôi. Phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đã có cuộc trao đổi với ông Hà Ra Diêu, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam xung quanh vấn đề này.

Ông Hà Ra Diêu - Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam.
Ông Hà Ra Diêu - Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam

Chương trình MTQG 1719 có ý nghĩa quan trọng, là đòn bẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nói chung, vùng đồng bào DTTS và miền núi nói riêng. Trong thời gian qua, Quảng Nam đã tập trung triển khai Chương trình này như thế nào, thưa ông?

Ông Hà Ra Diêu :Tỉnh Quảng Nam có 18 huyện, thị xã, thành phố, trong đó có 8 huyện với 70 xã thuộc vùng đồng bào DTTS. Dân số toàn tỉnh khoảng 1,5 triệu người, trong đó đồng bào DTTS khoảng 140.500 người, chiếm 9,4% dân số. Toàn tỉnh có khoảng 25 thành phần DTTS, trong đó đông nhất là người Cơ Tu, Xơ Đăng, Gié Triêng. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự tập trung nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh được duy trì ổn định.

Qua thời gian triển khai Chương trình MTQG 1719, Quảng Nam đã có bước chuyển biến rõ nét. Nền kinh tế vùng đồng bào DTTS và miền núi tiếp tục đà tăng trưởng khá; sản xuất ngày càng phát triển, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đúng hướng. Nhân dân từng bước áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, tăng năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi; xuất hiện nhiều mô hình giảm nghèo hiệu quả.

Nguồn lực Chương trình MTQG 1719 hỗ trợ sinh kế cho người dân.
Nguồn lực Chương trình MTQG 1719 hỗ trợ sinh kế cho người dân

Từ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình, địa phương đã đẩy mạnh triển khai các dự án, tiểu dự án, khơi dậy nguồn lực trong dân, tập trung giải quyết các yêu cầu bức xúc, thiết thực về đời sống và sản xuất; từng bước giải quyết nhu cầu thiết thực cho các hộ sắp xếp, ổn định dân cư, xóa nhà tạm, chuyển đổi nghề, chuyển dịch cơ cấu sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi.

Đồng thời, địa phương tập trung nâng cao mức sống văn hoá, tinh thần, vật chất cho người dân, nhất là đẩy nhanh được tốc độ giảm nghèo. Nhờ đó, đồng bào các DTTS đã có nhiều thay đổi về nhận thức trong phát triển sản xuất, trong học nghề, lập nghiệp, xây dựng đời sống nông thôn mới, nâng cao ý thức gìn giữ và phát triển bản sắc văn hóa của từng dân tộc, tự thân nỗ lực vươn lên.

Cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm ngày càng được đầu tư hoàn thiện.
Cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm ngày càng được đầu tư hoàn thiện

Phát huy nguồn lực từ Chương trình, địa phương cũng đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu như điện - đường – trường - trạm - chợ để phục vụ nhu cầu đi lại, học hành, khám chữa bệnh của người dân. Sự nghiệp giáo dục, y tế được chú trọng đầu tư phát triển; chất lượng giáo dục ngày càng nâng lên; công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân có nhiều tiến bộ.

Ngoài ra, Quảng Nam chú trọng đa dạng hóa các hoạt động văn hóa gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào DTTS và phát triển du lịch, được Nhân dân đồng tình, ủng hộ và có bước khởi đầu tốt. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động được chú trọng; các chính sách an sinh xã hội được triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được nâng lên rõ rệt…

Tính đến nay, tỉnh Quảng Nam đã đạt được những kết quả nổi bật nào trong thực hiện Chương trình MTQG 1719, thưa ông?

Ông Hà Ra Diêu: Cùng với các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Xây dựng nông thôn mới, Chương trình MTQG 1719 có ý nghĩa quan trọng trọng trong việc giải quyết các nhu cầu thiết yếu của người dân, góp phần giúp cho vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh ngày càng khởi sắc.

Đối với Quảng Nam, tổng nguồn vốn của Chương trình là hơn 2.209 tỷ đồng, trong đó vốn Trung ương là hơn 1.984 tỷ đồng, vốn ngân sách tỉnh là hơn 225 tỷ đồng. Đến nay, địa phương đã giải ngân được gần 1.108 tỷ đồng, đạt 50%.

Quảng Nam dành hàng trăm tỷ đồng từ Chương rình MTQG để hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Quảng Nam dành hàng trăm tỷ đồng từ Chương rình MTQG để hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi

Qua 3 năm triển khai, Quảng Nam đã đầu tư xây dựng 313 hạng mục công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi. Trong đó, có 92 công trình giao thông, 53 công trình trường học, 34 công trình nước sinh hoạt, 56 nhà sinh hoạt cộng đồng và 78 công trình khác. Ngoài ra, nguồn lực từ Chương trình còn giúp chuyển đổi nghề cho 750 lao động; hỗ trợ đất ở cho 644 hộ; thực hiện hỗ trợ xóa nhà tạm cho 599 hộ; sắp xếp, ổn định dân cư cho 576 hộ…

Các công trình đã từng bước mang lại những hiệu qua tích cực, đáp ứng nhu cầu thực tế của địa phương về hạ tầng được tăng cường, hoàn thiện, đặc biệt là các công trình đường giao thông, cầu dân sinh, nhà văn hóa, trường học… ngày càng đáp ứng tốt hơn cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. Chương trình cũng từng bước thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền, tạo động lực để người dân phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống.

Với những kết quả đạt được, có thể khẳng định từng nội dung đầu tư, hỗ trợ đều có tác động trực tiếp đến thúc đẩy kinh tế, văn hóa, xã hội, giảm nghèo vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn miền núi. Cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng nên việc đi lại, khám chữa bệnh, học hành có nhiều thuận lợi hơn trước.

Hàng chục mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất từ Chương trình MTQG 1719 dành cho người dân.
Hàng chục mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất từ Chương trình MTQG 1719 dành cho người dân

Nhận thức của đồng bào các DTTS từng bước thay đổi trong phát triển sản xuất, trong học nghề, lập nghiệp, xây dựng đời sống nông thôn mới,  ý thức gìn giữ và phát triển bản sắc văn hóa của từng dân tộc được nâng cao, đồng bào tự thân nỗ lực vươn lên; tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS thời gian qua đều giảm vượt chỉ tiêu quy định của Chương trình.

Cụ thể, chỉ tiêu Chương trình đề ra là giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS mỗi năm trên 3%; kết quả thực hiện năm 2022 là 10,04% và năm 2023 là 9,72%. Địa phương cũng đẩy mạnh triển khai đưa các thôn, xã ra khỏi diện khó khăn. Dự kiến cuối năm nay, các xã Phước Năng, Phước Chánh (huyện Phước Sơn) và xã Tà Bhing (Nam Giang) sẽ thoát ra khỏi danh sách xã khó khăn…

Hệ thống giáo dục ở vùng đồng bào DTTS và miền núi được cải thiện, nâng cao.
Hệ thống giáo dục ở vùng đồng bào DTTS và miền núi được cải thiện, nâng cao

Để việc triển khai Chương trình MTQG 1719 thực sự hiệu quả, trong thời gian tới, Quảng Nam có những quyết sách gì để đẩy nhanh tiến độ, thưa ông?

Ông Hà Ra Diêu: Trong thời gian tới, địa phương sẽ tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm; nâng cao năng lực quản lý, điều hành trong triển khai thực hiện các Chương trình MTQG, tập trung vào việc cải thiện các tiêu chí đạt thấp, giải quyết các tồn tại, hạn chế trong thời gian qua. Chủ động phân công, điều phối lực lượng cán bộ tại các phòng chuyên môn hợp lý, đủ số lượng để tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.

Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức nhằm tạo sự đồng thuận, ủng hộ, tham gia tích cực, có trách nhiệm của người dân trong thực hiện các chính sách dân tộc tại địa phương. Tiếp tục triển khai các chính sách dân tộc gắn với Chương trình MTQG 1719, gắn vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền.

Chương trình MTQG 1719 giúp các làng nghề hồi sinh gắn với du lịch.
Chương trình MTQG 1719 giúp các làng nghề hồi sinh gắn với du lịch

Phát huy tốt vai trò của các vị già làng, trưởng thôn, Người có uy tín trong đồng bào DTTS và miền núi, xác định đây là lực lượng tiêu biểu, nòng cốt luôn được đồng bào DTTS tin tưởng và là những người am hiểu phong tục, tập quán, nắm được tâm tư nguyện vọng của người dân. Hơn nữa, cần tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn; kịp thời sơ kết, tổng kết, đánh giá việc thực hiện các chính sách, Chương trình gắn với biểu dương, nhân rộng những điển hình.

Đối với các địa phương trong tỉnh cần triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn của các Chương trình được quy định tại Nghị quyết số 65/NQ-CP ngày 27/5/2024 của Chính phủ về phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 4 năm 2024. Trong đó, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu và quyết tâm giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn được giao…

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Tin cùng chuyên mục
Chương trình MTQG 1719 góp phần giữ vững, nâng chất tiêu chí NTM ở vùng biên giới biển tỉnh Sóc Trăng

Chương trình MTQG 1719 góp phần giữ vững, nâng chất tiêu chí NTM ở vùng biên giới biển tỉnh Sóc Trăng

Thị xã Vĩnh Châu nằm ở khu vực ven biển tỉnh Sóc Trăng, có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống (chiếm hơn 70% dân số), trong đó dân tộc Khmer chiếm trên 53%. Những năm qua, triển khai thực hiện hiệu quả các dự án, nội dung Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719), diện mạo vùng nông thôn của thị xã đã đổi thay đáng kể, cuộc sống của đồng bào đã ấm no và đang ngày càng khởi sắc. Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư, hỗ trợ lồng ghép từ Chương trình góp phần giữ vững và nâng chất các tiêu chí nông thôn mới.