Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Chương trình 1719

Phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ dưới 5 tuổi vùng DTTS: Thách thức đằng sau những con số (Bài 1)

Thi Thi - 06:48, 13/12/2022

Mặc dù đã đạt được những thành tựu quan trọng nhưng Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức trong giảm thiểu tình trạng suy dinh dưỡng, nhất là ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. Để cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho người dân, giai đoạn 2021 – 2030, cùng với việc thực hiện Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng thì các cấp ngành, địa phương cần tập trung triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, đồng thời cần thiết tiến tới “luật hóa” vấn đề dinh dưỡng cho trẻ em vùng cao.

Với quyết tâm “không để trẻ em nào ở lại phía sau”, Việt Nam đã rất nỗ lực thực hiện nhiều hành động cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho trẻ em DTTS.
Với quyết tâm “không để trẻ em nào ở lại phía sau”, Việt Nam đã rất nỗ lực thực hiện nhiều hành động cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho trẻ em DTTS.

Sau 10 năm thực hiện Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011 – 2020, tình trạng suy dinh dưỡng (SDD) các thể ở trẻ em nước ta đã được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, chênh lệch các chỉ số dinh dưỡng giữa vùng miền vẫn còn cách biệt đáng kể; tình trạng thiếu dinh dưỡng vẫn khá trầm trọng ở trẻ em DTTS.

Nỗ lực can thiệp

Là một tỉnh miền núi biên giới, kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, kiến thức về dinh dưỡng của một bộ phận lớn người dân còn hạn chế nên việc cải thiện dinh dưỡng đối với bà con người DTTS ở tỉnh Lai Châu lâu nay vẫn là một trong những mục tiêu khó. Từ nguồn lực các chương trình, dự án về cải thiện tình trạng dinh dưỡng của bà mẹ và trẻ em, với sự vào cuộc của các cấp ngành, địa phương và sự hưởng ứng tích cực của Nhân dân, Lai Châu đã đạt được một số kết quả bước đầu trong giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng (SDD).

Theo thống kê của ngành Y tế tỉnh, nếu như năm 2017, tỷ lệ SDD trẻ em dưới 5 tuổi toàn tỉnh là 21,85%, thì đến nay, tỷ lệ này đã giảm xuống còn 18,71%, góp phần giúp trẻ phát triển toàn diện, đảm bảo về sức khỏe thể chất, trí tuệ. Đặc biệt, ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, nơi cư trú của các cộng đồng DTTS rất ít người của tỉnh, dù tỷ lệ SDD vẫn còn cao, nhưng so với trước đây thì đã được cải thiện đáng kể.

Xã Nậm Ban (huyện Nậm Nhùn), nơi có đông đồng bào dân tộc Mảng sinh sống là một ví dụ điển hình. Theo chị Lường Thị Hoán, cán bộ Trạm Y tế xã Nậm Ban, để phòng, chống SDD cho trẻ em trên địa bàn xã, đội ngũ y tế phải rất nỗ lực, trong quá trình triển khai gặp không ít thách thức do hệ thống giao thông của xã còn khó khăn, cách trở, nhiều bản phải đi bộ xa hàng chục cây số, bất đồng ngôn ngữ…

“Nhờ quyết tâm của ngành Y tế và của xã, tình trạng dinh dưỡng của người dân đã được cải thiện so với trước đây. Hiện, tỷ lệ SDD cân nặng của xã Nậm Ban còn trên 29%, SDD chiều cao là trên 23%, tập trung ở đồng bào dân tộc Mông và Mảng”, chị Hoán chia sẻ.

Tỉnh lai Châu đã có nhiều nỗ lực cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em. (Trong ảnh: Cán bộ y tế xã Sùng Phài, huyện Tam Đường khám bệnh cho trẻ em)
Tỉnh lai Châu đã có nhiều nỗ lực cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em. (Trong ảnh: Cán bộ y tế xã Sùng Phài, huyện Tam Đường khám bệnh cho trẻ em)

Kết quả về cải thiện tình trạng dinh dưỡng ở những địa bàn “vùng lõm” như ở xã Nậm Ban của tỉnh Lai Châu đã góp phần làm nên những thành tựu đáng ghi nhận của Việt Nam trong phòng, chống SDD. Báo cáo của Bộ Y tế cho thấy, tỷ lệ SDD trẻ em đã giảm nhanh và bền vững trong 10 năm qua (2010- 2020). Trong đó, tỷ lệ trẻ SDD thể nhẹ cân giảm từ 17,5% (năm 2010) xuống còn 11,1% (năm 2020); tỷ lệ SDD thể thấp còi ở trẻ em giảm từ 29,3% (năm 2010) xuống mức thấp 19,6% (năm 2020).

Còn tính trong vòng 30 năm (1990 - 2020), Việt Nam đã có thành tựu vượt bậc trong nỗ lực cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho người dân. Theo báo cáo của Bộ Y tế, tỷ lệ SDD thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm từ 56.5% vào năm 1990 xuống còn 19,6% năm 2020. Xu hướng giảm tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng cũng được khắc phục, giảm từ 45,2% năm 1990 xuống còn 19,6% năm 2020.

Nhiều thách thức phía trước

Mặc dù tình trạng dinh dưỡng của người dân đã đạt được những thành tựu nhất định, tuy nhiên hiện nay, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức trong vấn đề dinh dưỡng. Đặc biệt, SDD vẫn đang là một áp lực lớn ở vùng đòng bào DTTS và miền núi. Tại một số tỉnh miền núi, tình trạng SDD vẫn là một gánh nặng lớn, như tại các tỉnh Hà Giang (31,7%), Cao Bằng (30,4%), Kon Tum (33,4%), Gia Lai (32%)…

Chênh lệch các chỉ số dinh dưỡng giữa vùng miền vẫn còn cách biệt đáng kể. Tỷ lệ SDD thấp còi trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn quốc trung bình là 19,6%; trong đó, vùng miền núi phía Bắc là 37,4%, Tây Nguyên 28,8%, miền Trung là 17,4%, Đồng bằng sông Hồng 11,2%, đồng bằng sông Cửu Long 12,4% và thấp nhất là Đông Nam Bộ 9,7%.

Trên các bản làng vùng cao, vẫn còn nhiều trẻ em thiệt thòi vì sống trong điều kiện thiếu thốn trăm bề, thậm chí phải nhọc nhằn mưu sinh cùng gia đình (Ảnh minh họa).
Trên các bản làng vùng cao, vẫn còn nhiều trẻ em thiệt thòi vì sống trong điều kiện thiếu thốn trăm bề, thậm chí phải nhọc nhằn mưu sinh cùng gia đình (Ảnh minh họa).

Không những vậy, các DTTS ở Việt Nam thường xuyên đối mặt với tình trạng thiếu dinh dưỡng. Mặc dù tỷ lệ SDD toàn quốc đã giảm, tỷ lệ thấp còi ở trẻ em DTTS vẫn cao gấp 2 lần nhóm trẻ là người Kinh (31.4% so với 15.0%); đồng thời tỷ lệ trẻ em DTTS thiếu cân cũng lớp hơn gấp 2,5 lần so với trẻ em là người Kinh (21% so với 8,5%). Hơn nữa, 119.957 (60%) trong tổng số 199.535 trẻ em bị SDD thể thấp còi ở 10 tỉnh thành có tỷ lệ thể thấp còi cao nhất cả nước đều là người DTTS.

Tỷ lệ SDD cao ở trẻ em miền núi và đồng bào DTTS sẽ gây hậu quả lâu dài đến chất lượng nguồn nhân lực, làm chậm quá trình giảm nghèo, phát triển kinh tế ở một số vùng khó khăn. Trước thực trạng đó, việc thiết lập một chương trình riêng cho việc cải thiện tình trạng SDD thấp còi cho trẻ em ở vùng DTTS và miền núi, rút ngắn khoảng các giữa trẻ em thành thị và miền núi là thực sự cần thiết.
PGS. TS Trương Tuyết Mai
Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế)

Một vấn đề cần được đặc biệt quan tâm là tình trạng SDD cấp tính đang là nguyên nhân gây ra tử vong ở trẻ. Theo các chuyên gia, cấp tính là thể SDD cân nặng thiếu so với chiều cao ở đối tượng đó, và có thể gọi là SDD gầy còm (còn SDD mãn tính còn gọi là SDD thấp còi).

Thông tin từ Bộ Y tế cho thấy, mỗi năm cả nước có khoảng 230 nghìn trẻ em Việt Nam bị bệnh SDD cấp tính nặng, trong đó có khoảng 50 nghìn ca là người DTTS. Trẻ bị SDD cấp tính nặng có nguy cơ tử vong cao gấp 20 lần so với trẻ bình thường, đủ dinh dưỡng. Đây là nguyên nhân tử vong chính ở trẻ em dưới 5 tuổi một cách trực tiếp, hoặc gián tiếp ở những trẻ bị mắc các bệnh phổ biến như tiêu chảy và viêm phổi. Trẻ bị SDD cấp tính nặng ngoài nguy cơ tử vong còn bị ảnh hưởng đến phát triển não bộ và khả năng học tập sau này.

Khi thảo luận về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) ngày 24/10/2022, trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, đại biểu Quốc hội Nàng Xô Vi (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum), cho rằng, SDD nặng cấp tính có tỷ lệ cao ở các địa bàn miền núi, vùng khó khăn, vùng nhiều đồng bào DTTS sinh sống. Đa số trẻ em bị SDD cấp tính nặng là con của các hộ gia đình nghèo, cận nghèo, sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS không có khả năng chi trả cho việc điều trị nếu thiếu nguồn lực hỗ trợ từ các chương trình, dự án.

Từ các chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ, trẻ em DTTS được quan tâm phát triển toàn diện. (Ảnh minh họa)
Từ các chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ, trẻ em DTTS được quan tâm phát triển toàn diện. (Ảnh minh họa)

“Riêng tỉnh Kon Tum có khoảng 1.800 trẻ bị SDD nặng cấp tính cần được điều trị. Trong giai đoạn 2010 - 2020, tỉnh Kon Tum được sự hỗ trợ của UNICEF đã triển khai hiệu quả “Mô hình quản lý và điều trị suy dinh dưỡng cấp tính nặng dựa vào cộng đồng”. Tuy nhiên hiện nay, nguồn hỗ trợ từ các dự án của UNICEF đã kết thúc nên việc đều trị cho trẻ em SDD ở tỉnh Kon Tum nói riêng và trẻ em SDD trong cả nước nói chung gặp rất nhiều khó khăn”, đại biểu Nàng Xô Vi dẫn chứng.

Theo các chuyên gia về dinh dưỡng, tình trạng SDD ở vùng đồng bào DTTS và miền núi đang rất báo động xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Bên cạnh do điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn thì kiến thức về dinh dưỡng cũng như những hạn chế trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em là những nguyên nhân trực tiếp làm gia tăng tình trạng SDD ở địa bàn này. Việc nhận diện nguyên nhân chính xác là cơ sở để các cấp ngành, địa phương có giải pháp “trúng” để cải thiện tình trạng dinh dưỡng ở vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dung này trong số báo tiếp theo.