Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Chương trình 1719

Phát triển vùng DTTS và miền núi bắt đầu từ giải quyết tình trạng suy dinh dưỡng

Vân Khánh - 09:00, 25/11/2022

Ngân hàng thế giới cho rằng, cải thiện tình trạng dinh dưỡng sẽ góp phần phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững thông qua việc nâng cao năng suất lao động, cải thiện thể chất, phát triển nhận thức, tăng hiệu quả học tập và cải thiện sức khỏe, giảm bệnh tật và tử vong. Đây là khuyến nghị cần được lưu ý đặc biệt trong quá trình thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Cải thiện tình trạng dinh dưỡng sẽ góp phần phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. (Ảnh minh họa)
Cải thiện tình trạng dinh dưỡng sẽ góp phần phát triển thể lực, nâng cao sức khỏe cho trẻ em người DTTS

Áp lực lên tăng trưởng

Báo cáo của các cơ quan Liên hiệp quốc và các tổ chức quốc tế đều thừa nhận, tình trạng suy dinh dưỡng (SDD), gây áp lực rất lớn đến tăng trưởng kinh tế và các chỉ số phát triển xã hội. Đặc biệt, theo Ngân hàng Thế giới (WB), SDD là một trong những tác nhân gây nghèo đói.

Bởi SDD làm giảm năng suất lao động do tình trạng thể chất kém, tổn thất do bệnh tật liên quan tới SDD và các mất mát gián tiếp, gây ra do phát triển nhận thức kém và học tập kém, các chi phí chăm sóc sức khỏe tăng lên. Ước tính, tổn thất kinh tế do SDD có thể tới vài tỷ đô la tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong 1 năm.

“Chiều cao có tương quan chặt chẽ tới năng suất lao động và dinh dưỡng cho trẻ em dưới 2 tuổi phần lớn quyết định chiều cao khi trưởng thành. Cứ giảm 1% chiều cao thì mất 1.4% năng suất lao động”, báo các tác động của tình trạng SDD đến tăng trưởng kinh tế của WB nhấn mạnh.

Theo khảo sát của WB, chiều cao trung bình nam và nữ của Việt Nam là 1,64m và 1,55m thấp hơn các nước phát triển như Trung Quốc (nam 1,70m và nữ 1,59m), Nhật bản (nam 1,72m và nữ 1,58m), Singapore (nam 1,71m và nữ 1,60m). Trong các nước ASEAN, chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam tương đương với Indonesia (nam 1,64m và nữ 1,55m) và Phillipines (nam 1,65m và nữ 1,56m) và thấp hơn so với Malaysia (nam 1,68m và nữ 1,58m), và Thái Lan (nam 1,68m và nữ 1,57m).

Đặc biệt, theo kết quả điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 DTTS thì tình trạng SDD chiều cao ở các cộng đồng DTTS, nhất là với các DTTS rất ít người, cao hơn mức bình quân chung cả nước. Theo đó, các DTTS rất ít người có tầm vóc thấp hơn so với các dân tộc khác: Chiều cao trung bình các DTTS rất ít người là 1m40-1m55, cân nặng trung bình từ 40 - 45kg.

Cùng với đó, dù tỷ lệ SDD toàn quốc đã giảm, nhưng tỷ lệ thấp còi ở trẻ em là người DTTS vẫn chiếm tỷ lệ 31.4%, cao gấp 2 lần nhóm trẻ là người Kinh (15.0%); đồng thời tỷ lệ trẻ em là người DTTS thiếu cân cũng lớp hơn gấp 2,5 lần (21% so với 8,5%) so với trẻ em là người Kinh. Hơn nữa, 119.957 (60%) trong tổng số 199.535 trẻ em bị SDD thể thấp còi ở 10 tỉnh thành có tỷ lệ thể thấp còi cao nhất cả nước đều là người DTTS.

Ngoài ra, một khảo sát của Viện Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế) cũng cho thấy, tình trạng thiếu hụt vi chất dinh dưỡng (còn được gọi là nạn đói tiềm ẩn) ở trẻ em DTTS vẫn rất cao. Trong khi tỷ lệ thiếu máu ở trẻ em tại Việt Nam là 27,8%, thì tỷ lệ này với trẻ em là người DTTS là 43%. Là nguyên nhân làm tăng nguy cơ trẻ sinh non và sinh nhẹ cân, thiếu sắt cũng là vấn đề phổ biến với trẻ em khu vực miền núi (81%) so với khu vực thành thị (50%).

Giảm gánh nặng vĩ mô từ những bữa ăn

Theo PGS. TS. Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, “nạn đói tiềm ẩn” chủ yếu xảy ra ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, nhất là ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. Vi chất dinh dưỡng được tạo ra trong cơ thể từ việc ăn uống nhưng không có điều kiện kinh tế nên trong khẩu phần ăn của nhiều gia đình còn thiếu hụt.

Nhưng ở chiều ngược lại, ở vùng đồng bào DTTS và miền núi lại có lợi thế để phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái gắn với các cây, con bản địa để cung cấp lương thực, thực phẩm cho người. Tuy nhiên, đối với bà con miền núi có điểm yếu là đất thì rộng mà bà con không biết trồng rau ở vườn nhà. Bà con trước đây thường hay đi hái trên rừng, bây giờ trên rừng không còn để hái nên tiêu dùng rau rất ít.

Mô hình nông nghiệp bảo đảm dinh dưỡng thay đổi dần nhận thức của người dân trong sản xuất nông nghiệp đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và sử dụng dinh dưỡng hợp lý trong bữa ăn hằng ngày. (Trong ảnh: Mô hình chăn nuôi gà ri ở thôn Nậm Chảy, xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai)
Mô hình nông nghiệp bảo đảm dinh dưỡng thay đổi dần nhận thức của người dân trong sản xuất nông nghiệp đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và sử dụng dinh dưỡng hợp lý trong bữa ăn hằng ngày. (Trong ảnh: Mô hình chăn nuôi gà ri ở thôn Nậm Chảy, xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai)

Theo ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), khi nói đến dinh dưỡng thì cần lưu ý ba khía cạnh. Một là thiếu – người ta hay nói đến tỷ lệ SDD thể thấp còi; hai là không cân đối, thậm chí là thừa, gây ra béo phì; và ba là an toàn dinh dưỡng.

Chính vì thế, khi triển khai Chương trình “Không nạn đói” ở Việt Nam đến năm 2025 theo Quyết định 712/QĐ-TTg ngày 12/6/2018, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn chú trọng xây dựng, triển khai các mô hình nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng. Từ việc triển khai mô hình này sẽ tập huấn, lan tỏa kiến thức cho người dân trong việc trồng cây hay nuôi con gì thì phải mang lại lợi ích đầu tiên cho những đối tượng dễ bị tổn thương, tức là bà mẹ và trẻ em.

“Thay vì sản xuất những sản phẩm quy mô lớn, chúng ta có thể tận dụng rất tốt những sản phẩm nông sản đặc thù, đặc sản giàu dinh dưỡng và vi chất ở các địa phương”, ông Thịnh cho biết.

Các mô hình nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng được triển khai ở các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, tỷ lệ SDD cao đều được đầu tư khá bài bản trong việc tập huấn cho cán bộ từ tuyến tỉnh, huyện, xã và người dân tham gia. Từ đó thay đổi dần nhận thức của họ trong sản xuất nông nghiệp đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và sử dụng dinh dưỡng hợp lý trong bữa ăn hằng ngày.

Đơn cử như ở thôn Nậm Chảy, xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương (Lào Cai), chị Lù Thị Đợi tham gia mô hình nông nghiệp bảo đảm dinh dưỡng, được hỗ trợ 40 con gà ri lai; sau gần 8 tháng hiện đã bắt đầu đẻ trứng. Được lựa chọn tham gia mô hình nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng, chị Đợi đã biết việc sử dụng trứng gà bổ sung vào bữa ăn hằng ngày giúp đảm bảo dinh dưỡng khi chị đang nuôi con nhỏ dưới 24 tháng tuổi. Hơn nữa, trong khuôn khổ của dự án, phần kiến thức chị Đợi nhận được chính là thay đổi thói quen chăn nuôi từ tự phát sang áp dụng khoa học kỹ thuật, giúp đàn gà phát triển ổn định, ngay cả khi thời tiết rét buốt.

“Từ những mô hình ban đầu thí điểm năm 2019, rồi được nhân rộng ra nhiều địa phương trong các năm tiếp theo, và thành tựu lớn về giảm nghèo, chúng tôi cho rằng, việc giảm nghèo ở Việt Nam đã đến giai đoạn đẩy lên thành an ninh dinh dưỡng. Rõ ràng chúng ta đã làm giảm nghèo tốt rồi, lại là một nước có tiềm năng về nông nghiệp rất đa dạng, không có cớ gì chúng ta không đẩy nó lên một bước nữa về nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng, nhất là cho trẻ em từ lúc có thai cho đến dưới 2 năm tuổi. Đây là giai đoạn quyết định, đặt nền móng ban đầu về thể trạng, trí tuệ”, ông Thịnh khẳng định.

Thực tế cho thấy, nông nghiệp Việt Nam hiện có thể phát triển song song theo hai hướng. Một là các sản phẩm hàng hóa quy mô lớn, cạnh tranh sòng phẳng với thế giới, thậm chí trở thành nước xuất khẩu lớn, có thứ hạng. Hai là phát triển những sản phẩm vùng miền, sản phẩm địa phương để phục vụ cho nhu cầu tại chỗ, với những sản phẩm giàu dinh dưỡng như: trứng gà, các loại rau, các sản phẩm giàu vitamin… Quan trọng hơn là cần quan tâm đến việc hướng dẫn sử dụng thực phẩm một cách hợp lý. Đây chính là mục tiêu mà mô hình nông nghiệp bảo đảm dinh dưỡng hướng đến.

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021-2025 có Dự án 7: Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh duỡng trẻ em. Dự án đặt mục tiêu giảm tỷ lệ SDD trẻ em dưới 5 tuổi thể gầy còm xuống dưới 5%; giảm tỷ lệ SDD trẻ em dưới 5 tuổi thể nhẹ cân dưới 15% và giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể thấp còi dưới 27%.

Tin cùng chuyên mục
Huyện Văn Lãng (Lạng Sơn): Tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong nhà trường

Huyện Văn Lãng (Lạng Sơn): Tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong nhà trường

Ngày 4/12, Phòng Lao động, Thương binh, Xã hội - Dân tộc huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức Hội nghị truyền thông tuyên truyền “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (TH-HNCHT) trong vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2024 tại Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú, Trung học cơ sở xã Bắc La.