Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Philippines có số ca tử vong cao nhất kể từ tháng 4, biến thể Lambda có thể gây ra đợt dịch mới tại Mỹ

PV - 09:22, 09/08/2021

Đến sáng 9/8, thế giới có trên 203,3 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 4,3 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Nhân viên y tế đang lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân ở thành phố Quezon, Philippines. Ảnh: AP
Nhân viên y tế đang lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân ở thành phố Quezon, Philippines. Ảnh: AP

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 36,5 triệu ca mắc và hơn 633.000 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 20.500 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Tuần qua, Mỹ đã ghi nhận thêm trung bình hơn 100.000 ca mắc COVID-19 mỗi ngày, tái lập dấu mốc buồn của thời điểm trước khi bắt đầu chiến dịch tiêm vaccine đại trà diễn ra từ đầu năm 2021. Số ca mắc mới trung bình trong tuần kết thúc vào ngày 7/8 ở Mỹ đã đạt 107.143 ca/ngày, tăng gấp 10 lần so với cuối tháng 6. Tỷ lệ biến chứng nặng phải nhập viện cùng với tỷ lệ tử vong đều tăng mạnh. Hiện nay, có đến 44.000 người Mỹ đang được điều trị trong bệnh viện vì COVID-19 và con số tử vong trung bình theo tuần đã lên tới 500 ca mỗi ngày. Các cơ quan chức năng Mỹ cho biết, tốc độ lây nhiễm gia tăng do biến thể Delta, các chính sách mở cửa kinh tế và tỷ lệ tiêm vaccine COVID-19 thấp ở những bang miền Nam. Nhiều bang ở Mỹ thậm chí còn phải hủy bỏ số lượng lớn vaccine hết hạn sử dụng do không có đủ người đến tiêm chủng.

Một loại biến chủng nguy hiểm khác của virus SARS-Cov- 2, tên là Lambda, có khả năng kháng vaccine COVID-19, hiện đã lan rộng đến 41 quốc gia trên thế giới. Biến thể Lambda lần đầu tiên được phát hiện ở Peru vào tháng 11/2020, đang có nguy cơ trở thành biến chủng chủ đạo ở Nam Mỹ. Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ cảnh báo, biến chủng mới nguy hiểm này có nguy cơ gây nên làn sóng mới tại Mỹ sau khi nước này ghi nhận hơn 1.300 ca nhiễm và biến thể Lambda đang lan rộng khắp 44 bang trên cả nước.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phân loại Lambda là "biến chủng đáng quan tâm" - biến chủng bị nghi ngờ có khả năng lây nhiễm cao hơn so với chủng ban đầu hoặc có khả năng kháng vaccine cao hơn.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 8/8, nước này ghi nhận hơn 36.000 ca mắc mới COVID-19 và 447 trường hợp tử vong. Hiện tổng cộng trên 31,96 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 428.300 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.

Bộ Y tế Ấn Độ đã phê chuẩn sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa COVID-19 một liều duy nhất của hãng Johnson & Johnson. Theo Bộ Y tế Ấn Độ, nước này buộc phải mở rộng kho vaccine của mình. Dự kiến, vaccine của Johnson & Johnson sẽ được chuyển đến Ấn Độ thông qua một thỏa thuận cung cấp với một nhà sản xuất vaccine của nước này. Đến nay, Ấn Độ đã phê chuẩn sử dụng vaccine của các hãng AstraZeneca, Moderna, Bharat Biotech của Ấn Độ, và Viện Gamaleya của Nga.

Ấn Độ vẫn ghi nhận trung bình 30.000 - 40.000 ca nhiễm mới mỗi ngày kể từ tháng 7. Chính phủ Ấn Độ cảnh báo, dù con số này đã giảm rất nhiều so với mức 400.000 ca/ngày vào thời điểm đỉnh dịch của làn sóng lây nhiễm thứ 2 nhưng tình hình dịch bệnh vẫn hết sức nguy hiểm.

Tiêm kết hợp vaccine Covishield và Covaxin, 2 loại vaccine chủ lực trong chương trình tiêm phòng COVID-19 của Ấn Độ, có thể mang lại hiệu quả cao hơn. Đây là thông báo từ Hội đồng nghiên cứu y tế Ấn Độ trong ngày 8/8. Theo kết quả nghiên cứu, việc tiêm kết hợp giữa vaccine virus vector(Covishield) và vaccine virus bất hoạt toàn phần (Covaxin) không chỉ an toàn mà còn tạo ra khả năng sinh miễn dịch tốt hơn. Việc tiêm kết hợp các loại vaccine khác nhau hiện đang được thảo luận trên toàn cầu, trong đó tất cả các nghiên cứu đều ủng hộ việc sử dụng kết hợp hai loại vaccine để tăng khả năng bảo vệ trước nguy cơ mắc COVID-19.

Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 563.000 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 20 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Ngày 8/8, Nga phát hiện thêm 22.866 ca mới, trong đó có 2.761 người ở Moscow, đưa tổng số ca lên hơn 6,4 triệu trường hợp kể từ khi bùng phát dịch. Theo lực lượng đặc nhiệm chống dịch COVID-19 của Chính phủ Nga, trong 24 giờ qua, nước này có thêm 787 ca tử vong do dịch COVID-19, nâng tổng số bệnh nhân không qua khỏi lên 164.881 ca.

Nga hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ tư thế giới sau Mỹ, Ấn Độ và Brazil. (Ảnh: AP
Nga hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ tư thế giới sau Mỹ, Ấn Độ và Brazil. (Ảnh: AP)

Một số vùng ven biển Tây Ban Nha đã buộc phải kéo dài lệnh giới nghiêm ban đêm thêm ít nhất 2 tuần nữa do biến chủng Delta lây nhiễm mạnh. Các hộp đêm, sòng bạc, quán xá bắt buộc phải đóng cửa từ nửa đêm hôm trước tới 6h sáng hôm sau, không ai được ra khỏi nhà. Quyết định được đưa ra đúng vào giữa mùa du lịch đầu tiên sau đại dịch, hàng trăm nghìn người châu Âu kéo tới các bãi biển ấm áp của Tây Ban Nha để nghỉ hè trong nhiều tuần.

Ba bang đông dân nhất của Australia gồm New South Wales, Victoria và Queensland vẫn đang chật vật đối phó với sự lây lan của biến thể Delta. Trong ngày qua, có thêm 282 ca mắc mới COVID-19 tại cả 3 bang này. Trong đó, bang New South Wales ghi nhận số ca mắc mới nhiều nhất với 262 trường hợp, tuy nhiên đã giảm so với mức 319 bệnh nhân một ngày trước đó. Cùng ngày, bang Victoria thông báo ghi nhận thêm 11 ca nhiễm mới, trong khi con số này ở bang Queensland là 9. Trước tình hình dịch bệnh hiện nay, chính quyền các bang đã hối thúc người dân tuân thủ những quy định và khuyến cáo phòng chống dịch, chỉ ra khỏi nhà khi thực sự cần thiết.

Hiện mới chỉ có khoảng 20% người dân trên 16 tuổi tại Australia được tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine, một phần là do nguồn cung hạn chế. Australia hy vọng, tình hình vaccine sẽ được cải thiện trong tháng 9 tới, khi vaccine của Moderna lần đầu tiên được chuyển tới nước này.

Ngày 8/8, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin đã công bố nhiều biện pháp nới lỏng đối với những người đã hoàn thành tiêm vaccine ngừa COVID-19, có hiệu lực từ ngày 10/8. Trong thông báo, Thủ tướng Muhyiddin cho biết. những người trở về từ nước ngoài nếu đã tiêm chủng đầy đủ có thể cách ly tại nhà với điều kiện họ có nhà ở Malaysia, những cặp vợ chồng có thể đi lại giữa các bang để thăm nhau và các bậc phụ huynh có thể đi thăm con dưới 18 tuổi. Bên cạnh đó, những người đã hoàn thành tiêm chủng còn được phép cầu nguyện ở các địa điểm thờ tự, vào nhà hàng ăn uống...

Ngoài ra, các bang đang ở giai đoạn 2 trở lên của Chương trình Hồi phục quốc gia (NRP) cũng sẽ được hưởng nhiều biện pháp nới lỏng như cho phép đi lại xuyên bang, đi du lịch, vào nhà hàng ăn uống và tập thể dục ngoài trời (từ 6h - 22h, với điều kiện đảm bảo giãn cách xã hội).

Theo thống kê của Bộ Y tế Malaysia, đến hết ngày 7/8, nước này đã có gần 8,5 triệu người trưởng thành hoàn tất tiêm 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 (36,3% dân số), trong khi hơn 15,5 triệu người (khoảng 66,4% dân số) đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa COVID-19. Với 18.688 ca mắc COVID-19 trong ngày 8/8, Malaysia hiện ghi nhận trên 1,26 triệu ca mắc và 10.749 bệnh nhân thiệt mạng.

Ngày 8/8, Bộ Y tế Philippines báo cáo thêm 287 ca tử vong vì dịch COVID-19, mức cao nhất kể từ ngày 9/4 vừa qua, đưa tổng số người thiệt mạng ở nước này lên 29.122 người. Cũng trong 24 giờ qua, số ca COVID-19 mới tại Philippines là 9.671, lên tổng cộng gần 1,66 triệu trường hợp nhiễm bệnh.

Philippines đã phát hiện hơn 330 ca nhiễm biến thể Delta trong những tuần gần đây, làm dấy lên lo ngại rằng biến thể này có thể lây lan trên khắp cả nước, giống như tình trạng đang diễn ra tại các nước Đông Nam Á. Cho đến nay, chỉ hơn 10,7 triệu người Philippines đã tiêm phòng đầy đủ, chiếm gần 10% dân số.

Bộ Y tế Thái Lan cho biết, ngày 8/8, nước này có thêm 138 ca tử vong và 19.983 ca mắc mới COVID-19. Thủ đô Bangkok, tâm điểm của làn sóng dịch COVID-19 thứ 3 tại Thái Lan, đã quyết định tăng cường các biện pháp để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh và ứng phó với sự gia tăng của các ca nhiễm. Theo đó, chính quyền Bangkok sẽ ban hành những hạn chế để giảm sự di chuyển của người dân, tăng giường bệnh để đáp ứng các trường hợp có triệu chứng vừa và nặng và tăng tiến độ tiêm chủng, đặc biệt là đối với người già, phụ nữ mang thai và những người mắc bệnh nền. Ngoài ra, Bộ Y tế Thái Lan cũng sẽ chuyển vaccine ngừa COVID-19 đến 25 điểm tiêm chủng do chính quyền thủ đô Bangkok điều hành vào thứ Hai hàng tuần trong suốt tháng 8.

Làn sóng dịch COVID-19 thứ 3, bắt đầu từ đầu tháng 4 ở Thái Lan đến nay, chưa có dấu hiệu được kiểm soát. Kể từ ngày 4/8, số ca mắc mới COVID-19 trong ngày tại Thái Lan luôn ở quanh con số 20.000 . Riêng làn sóng dịch lần này đã gây ra 96% tổng số ca nhiễm và 98% tổng số ca tử vong kể từ khi dịch bùng phát tại nước này. Tổng số ca mắc tại Thái Lan hiện đã lên tới hơn 756.500 trường hợp, trong đó hơn 6.200 người tử vong.

Số ca nhiễm mới tại Trung Quốc tăng cao do biến thể Delta. (Ảnh: AP)
Số ca nhiễm mới tại Trung Quốc tăng cao do biến thể Delta. (Ảnh: AP)

Ngày 8/8, truyền thông Campuchia dẫn lời ông Nuth Savana, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục trại giam kiêm người phát ngôn của Tổng cục này, cho biết khoảng 73% trong số khoảng 38.000 phạm nhân đang thi hành án tại các nhà tù của Campuchia đã được tiêm vaccine phòng COVID-19.

Ông Nuth Savana cho rằng việc triển khai tiêm vaccine cho các phạm nhân không chỉ ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh này trong nhà tù mà còn bảo vệ tính mạng phạm nhân và những người xung quanh. Tuy nhiên, vấn đề quá tải các trại giam, làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng khi một phạm nhân nhiễm bệnh COVID-19 vẫn chưa được giải quyết.

Theo số liệu của Bộ Y tế Campuchia, tính đến ngày 7/8, nước này đã phát hiện 81.891 trường hợp mắc COVID-19 và 1.562 ca tử vong. Cho đến nay, Campuchia có 8.044.707 người đã được tiêm liều vaccine phòng COVID-19 đầu tiên và 5.636.669 người đã được tiêm liều thứ hai. Khoảng 12,8% trong số 1,96 triệu thiếu niên trong độ tuổi từ 12 đến 17 được tiêm liều vaccine phòng COVID-19 đầu tiên.

Thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc đã tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch bệnh trong bối cảnh số ca nhiễm mới tăng cao do biến thể Delta. Theo quy định mới, những người đang ở các khu vực nguy cơ cao sẽ tạm thời không được về thủ đô hoặc phải có xét nghiệm âm tính với virus. Những biện pháp phòng dịch trên các tuyến đường sắt, đường cao tốc và sân bay cũng được tăng cường. Theo lãnh đạo thành phố Bắc Kinh, các biện pháp ứng phó trên là nhằm bảo vệ thành phố với hơn 20 triệu dân này trước nguy cơ dịch xâm nhập trở lại.

Trong khi đó, một số thành phố tại Trung Quốc cũng đã tiến hành nhiều đợt xét nghiệm hàng loạt để xác định người nhiễm bệnh. Các biện pháp hạn chế đi lại nội đô cũng được áp đặt và các nơi công cộng bị đóng cửa hoặc hạn chế số người tham gia.

Ngày 8/8, Trung Quốc đại lục thông báo có thêm 96 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tính đến nay, Trung Quốc ghi nhận 93.701 người nhiễm bệnh, trong đó 1.507 bệnh nhân vẫn đang phải điều trị, 44 bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch.

Tại Nhật Bản, thủ đô Tokyo ghi nhận 4.066 ca mới trong ngày 8/8, ngày thi đấu cuối cùng tại Olympic Tokyo 2020. Đây là ngày thứ 5 liên tiếp số ca mắc mới COVID-19 tại Tokyo vượt ngưỡng 4.000 ca.

Thêm 8 tỉnh tại Nhật Bản đã siết chặt các biện pháp phòng chống dịch COVID-19. Theo đó, các nhà hàng phải cắt giảm thời gian mở cửa và ngừng phục vụ đồ uống có cồn. Như vậy, tính tới nay, có tất cả 13 tỉnh, thành tại Nhật Bản đang áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2, đặc biệt là biến thể Delta. Hiện thủ đô Tokyo và 5 tỉnh khác cũng đang phải áp đặt biệt pháp mạnh hơn là tình trạng khẩn cấp.

Số ca mắc COVID-19 tại Nhật Bản đã vượt 1 triệu ca vào ngày 6/8, trong bối cảnh số ca mắc mới theo ngày tại nước này liên tục ghi nhận mức cao chưa từng thấy. Điều này càng làm gia tăng lo ngại về khả năng chống chịu của hệ thống y tế Nhật Bản. Trong báo cáo mới đây, Chính phủ Nhật Bản cho biết, có tới hơn 60% bệnh nhân CVID-19 ở thủ đô Tokyo bị lây nhiễm từ người thân trong gia đình.

Các số liệu thống kê mới nhất của Ban tổ chức Olympic Tokyo cho thấy, kể từ ngày 1/7 đến ngày 8/8, có tổng cộng 430 ca mắc COVID-19 có liên quan tới sự kiện thể thao lớn nhất thế giới này, trong đó có 286 trường hợp là công dân Nhật Bản và 144 là người nước ngoài.

Sau khi ghi nhận 7 ca mắc mới COVID-19 và cũng là những ca lây nhiễm đầu tiên trong cộng đồng trong hơn 1 năm qua, Chính phủ Brunei ngày 8/8 đã áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt. Nước này đóng cửa toàn bộ địa điểm tôn giáo, trung tâm giải trí, rạp chiếu phim, hủy các sự kiện xã hội, sự kiện lớn chỉ được giới hạn ở mức 30 người. Trường học chuyển sang học trực tuyến, các nhà hàng chỉ được bán mang về trong 2 tuần. Bên cạnh đó, nhà chức trách Brunei còn yêu cầu tất cả người dân phải đeo khẩu trang, đặc biệt là trong nhà hoặc những nơi đông người.

Với dân số hơn 450.000 người, hiện Brunei ghi nhận 347 ca mắc COVID-19. Khoảng 30% người dân nước này đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa COVID-19.