Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân xứ Nghệ: Tiềm năng, lợi thế lớn nhưng còn nhiều "rào cản" (Bài 1)

Thanh Nguyễn - 22:56, 08/10/2023

LTS: Diện tích rừng và đất lâm nghiệp ở Nghệ An rất lớn. Đó là tiềm năng, lợi thế để người dân sống nhờ rừng thêm cơ hội và điều kiện để phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng. Việc khai thác tốt tiềm năng, lợi thế cùng với các chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là chính sách hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719), có ý nghĩa quan trọng để người dân có thêm điều kiện phát huy giá trị kinh tế ổn định cuộc sống và phát triển bền vững từ rừng.

Nghệ An đang hướng đến mục tiêu phát triển rừng và kinh tế rừng bền vững
Nghệ An đang hướng đến mục tiêu phát triển rừng và kinh tế rừng bền vững

Hiện nay, ở nhiều huyện miền Tây tỉnh Nghệ An, có tỷ lệ người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS sống nhờ rừng và phụ thuộc vào rừng rất lớn. Tuy nhiên, cuộc sống của người dân còn rất bấp bênh. Thậm chí nhiều hộ kinh tế phụ thuộc vào nghề rừng, nhưng thu nhập từ rừng rất hạn hẹp nên gia đình luôn phải đối mặt với thiếu thốn quanh năm.

Tiềm năng lớn từ rừng

Tính đến hết năm 2022, Nghệ An có trên 962.230 ha rừng, trong đó có khoảng 790 nghìn ha rừng tự nhiên và trên 172 nghìn rừng trồng, độ che phủ rừng đạt 58,36%. Ngoài ra, còn có khoảng 124 nghìn ha là diện tích đã trồng nhưng chưa đạt tiêu chí thành rừng và diện tích đất có cây tái sinh có thể khoanh nuôi thành rừng.

Diện tích rừng phân bổ khắp trên địa bàn 21 huyện, thị của tỉnh. Phần lớn diện tích rừng tự nhiên tập trung chủ yếu tại địa bàn các huyện miền núi phía Tây của tỉnh, gắn với cuộc sống của đại đa số đồng bào DTTS và miền núi. Do đó, việc bảo vệ và phát triển rừng tại khu vực đồng bào DTTS và miền núi có tác động rất lớn đến cuộc sống của người dân sinh sống trong khu vực này. Bởi, nơi đây đang tổ chức quản lý bảo vệ đến 65% diện tích rừng tự nhiên của cả tỉnh.

Huyện Quế Phong, là một trong những địa phương có diện tích rừng lớn. Hiện nay, diện tích rừng trồng của huyện là hơn 9.000ha, khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Pù Hoạt hơn 85.000ha, lâm trường Quế Phong hơn 2.600ha, Công ty Thanh Thành Đạt hơn 2.400ha, khu BTTN Pù Huống hơn 4.500ha, rừng tự nhiên người dân bảo vệ hơn 38.700ha… 

Ông Phan Trọng Dũng, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quế Phong cho biết: Với diện tích kể trên, tiềm năng để khai thác phát triển kinh tế nông lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng bền vững của huyện là rất lớn.

Kiểm tra phát triển rừng lùng ở xã Đồng Văn (Quế Phong)
Kiểm tra phát triển rừng sản xuất ở xã Đồng Văn (Quế Phong)

Kế tiếp, là huyện Con Cuông, cũng là huyện có tỷ lệ rừng che phủ lớn nhất cả nước, do vậy tiềm năng từ việc phát triển kinh tế nông lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng bền vững cũng rất lớn. Ông Lang Anh Hưng, Phó phòng Nông nghiệp Con Cuông chia sẻ: Toàn huyện đang có 173.831ha diện tích tự nhiên; trong đó, có 144.098ha có rừng và 11.768ha rừng trồng, với tỷ lệ che phủ toàn huyện là 82,9%. Đây là nguồn tư liệu sản xuất quý để phát triển kinh tế rừng, làm giàu từ rừng đối với bà con vùng DTTS trên địa bàn. Trên thực tế, những năm qua cũng đã có những mô hình kinh tế từ rừng đang phát huy tính tích cực.

Theo thống kê chưa đầy đủ từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nghệ An: Toàn tỉnh có khoảng trên 70.000 hộ gia đình được giao quản lý hơn 210.000ha rừng và có cuộc sống phụ thuộc vào rừng.

Người dân chưa sống được với nghề rừng

Dù có diện tích rừng lớn, tiềm năng để phát triển kinh tế nông lâm nghiệp rất lớn, nhưng nhìn chung cuộc sống của người dân sống phụ thuộc vào rừng vẫn còn gặp nhiều khó khăn. 

Theo lời ông Trương Ngọc Bình, Phó phòng nông nghiệp huyện Quỳ Hợp thông tin, tại huyện Quỳ Hợp, rừng đang tác động đến đời sống từ 70-80% hộ đồng bào DTTS. Cả huyện có khoảng 90% hộ dân sống phụ thuộc rừng, thì phần đông đang có cuộc sống khó khăn, do năng suất,chất lượng, giá trị của rừng trồng chưa cao, nên thu nhập từ rừng không đáng kể.

Cuộc sống mưu sinh của người Đan Lai ở xã Môn Sơn lâu nay chủ yếu phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên
Việc mưu sinh của người Đan Lai ở xã Môn Sơn lâu nay chủ yếu phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên

Minh chứng như, ở những vùng đất được giao khoán, người dân đã trồng keo lấy gỗ, thông lấy nhựa, trồng mét… với mục đích phát triển kinh tế hộ gia đình. Tuy nhiên, nhựa thông mấy năm trở lại đây rớt giá; còn keo, đa phần là “ăn non” bán cho thương lái xuất đi Trung Quốc, chứ chưa đầu tư phát triển theo chứng chỉ rừng bền vững FSC. Đối với cây mét, đầu ra phụ thuộc vào thương lái tự do nên giá cả luôn bấp bênh.

Bên cạnh đó, thực hiện chính sách đóng cửa rừng tự nhiên theo chủ trương của Chính phủ, dẫn đến thu nhập từ rừng tự nhiên hầu như không có. Trong khi đó, khai thác lâm sản phụ cũng hạn chế; quan trọng hơn là, giá trị lâm sản phụ từ rừng chưa cao, thị trường tiêu thụ lâm sản phụ chưa phát triển.

Mặt khác, chính sách hỗ trợ bảo vệ rừng mới chỉ có 400.000 đồng/ha/năm, hiện nay là chưa tương xứng với công lao động của công tác bảo vệ rừng. Thu nhập từ bảo vệ thấp, lâm sản phụ giá trị không cao, rừng tự nhiên bị đóng cửa, chất lượng rừng trồng thấp… đang là những thách thức, đối với hàng ngàn hộ dân sống gần rừng, phụ thuộc vào rừng.

Cuộc sống của người dân ở gần rừng đang gặp nhiều khó khăn - Trong ảnh: Bản làng người Mông tại bản Huồi Mới, xã Tri Lễ (Quế Phong)
Cuộc sống của người dân nhờ vào rừng đang gặp nhiều khó khăn (Trong ảnh: Bản Huồi Mới, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong)

Trước thực tế, tiềm năng, thế mạnh từ rừng, từ kinh tế rừng ở Nghệ An là rất lớn, nhưng đại bộ phận người dân sống phụ thuộc vào rừng đang có cuộc sống khó khăn. Quan trọng hơn là rừng chưa nuôi được người dân, một cán bộ đại diện Sở NN&PTNT Nghệ An bộc bạch, thực tế này đã tồn tại từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa được cải thiện nhiều, hiện nay, lĩnh vực lâm nghiệp vẫn chưa phát huy tốt lợi thế, nguồn lực tự nhiên hiện có, đặc biệt là việc nâng cao giá trị sản phẩm lâm nghiệp.

Lãnh đạo Sở NN&PTNT đã viện dẫn nhiều nguyên nhân như nguồn lực để đầu tư, hỗ trợ cho lĩnh vực sản xuất lâm nghiệp chưa nhiều; công tác quy hoạch sử dụng đất cũng chưa đồng bộ; phong tục, tập quán canh tác sản xuất quảng canh, tính chất thời vụ truyền thống của người dân miền núi vẫn còn tồn tại phổ biến.

Bên cạnh đó, sự năng động và đổi mới trong tư duy lãnh đạo, chỉ đạo của một số ngành, đơn vị địa phương còn hạn chế, chưa theo kịp với xu thế phát triển của ngành lâm nghiệp xanh trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay. Ngoài ra, công nghiệp chế biến lâm sản phát triển chưa đồng bộ, liên kết chuỗi trong sản xuất lâm nghiệp từ khâu trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng đến khai thác, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chưa bền vững...

 Những hạn chế nêu trên đang là những "rào cản" trong phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân xứ Nghệ.