Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Phát triển rừng bền vững ở Nghệ An

An Yên - 15:08, 19/06/2022

Sở hữu diện tích rừng lớn nhất cả nước, phong trào trồng mới rừng phát triển mạnh mẽ, sản lượng khai thác hàng năm hàng triệu m3… là những lợi thế để Nghệ An phát triển kinh tế rừng một cách bền vững. Người dân nơi đây cũng đã thoát nghèo nhờ rừng.

Nhờ phát triển kinh tế rừng mà đồng bào ở huyện Con Cuông đã thoát nghèo
Nhờ phát triển kinh tế rừng mà đồng bào ở huyện Con Cuông đã thoát nghèo

Thoát nghèo nhờ rừng

Các huyện miền tây của Nghệ An, có diện tích rừng rất lớn. Rừng không chỉ là môi trường sống quý giá, mà còn là nguồn thu nhập để người dân các huyện miền núi thoát nghèo, làm giàu. Con Cuông là một trong những đơn vị như thế.

Hiện tại, diện tích rừng và đất lâm nghiệp của huyện Con Cuông lên tới gần 164.600ha, chiếm 89,91% so với tổng diện tích đất tự nhiên. Độ che phủ rừng đạt cao nhất tỉnh với 84,35%. Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách phát triển lâm nghiệp. Những chính sách đó đã khuyến khích và huy động nhiều tập thể, hộ gia đình cá nhân tích cực, hăng hái tham gia nhận đất trồng rừng. Bình quân mỗi năm, toàn huyện Con Cuông trồng từ 1.500-1.800 ha rừng tập trung.

Đến Con Cuông thăm mô hình trồng rừng của anh Hà Văn Quyết, dân tộc Thái ở thôn Thanh Đào, xã Bồng Khê, nhiều người cứ tấm tắc mãi. Từ một hộ khó khăn, anh Quyết đã là một trong những hộ điển hình làm giàu từ kinh tế đồi rừng của huyện Con Cuông. Nay, nhà anh đã có hơn 1ha cây mét, 18ha keo lai. Tính ra, mỗi 1ha mét và keo lai, anh có thu nhập ổn định trên 100 triệu đồng/năm. Anh Quyết hồ hởi: "Tôi còn trồng xen canh thêm cây sắn, mỗi năm sắn cũng cho thu hoạch trên 70 triệu đồng. Từ nguồn thu ổn định, tôi xây dựng được nhà cửa khang trang và đầu tư cho con cái đi học"…

Nghệ An đang hướng đến mục tiêu phát triển rừng và kinh tế rừng bền vững
Nghệ An đang hướng đến mục tiêu phát triển rừng và kinh tế rừng bền vững

Câu chuyện thoát nghèo, làm giàu từ rừng như gia đình anh Hà Văn Quyết, như cách làm mà huyện Con Cuông thực hiện, đang là hướng đi chung của các huyện miền tây xứ Nghệ.

Gia đình chị Nguyễn Thị Hiền ở xóm Tân Văn, xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ cũng đã khá lên nhờ phát triển kinh tế rừng. Chị nhận đất hoang rồi cải tạo, đầu tư mua cây giống để trồng. Sau nhiều năm vất vả cải tạo, gia đình chị đã có 1,9 ha diện tích đất lâm nghiệp để trồng keo nguyên liệu tại đồi Khe Đá. Chị Hiền cho biết: Trên đất đồi này chỉ trồng keo là phù hợp và cho hiệu quả kinh tế cao. Làm nông nghiệp chỉ đủ gạo ăn nên trồng keo thì 5 năm có khoản thu, xem đó là khoản tiết kiệm để lo việc lớn trong gia đình.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Nghệ An có diện tích rừng lớn nhất cả nước với trên 1.160.000 ha rừng, phong trào trồng rừng khá mạnh, hàng năm trồng mới được 15.000 - 19.000 ha, sản lượng khai thác rừng trồng hàng năm đạt 1.659.000 m3. Chế biến dăm gỗ đạt 700.000 - 1.000.000 tấn/năm, kim ngạch xuất khẩu hàng năm khoảng 110 - 130 triệu USD.

Bà Võ Thị Nhung, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An phấn khởi: Lâm nghiệp Nghệ An có những tiềm năng, lợi thế như nguồn nhân lực dồi dào, kỹ năng trồng rừng thâm canh và ý thức quản lý bảo vệ rừng của người dân tốt. Hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, thuận lợi để kết nối các vùng miền. Theo đó, Nghệ An đang quyết liệt bằng các giải pháp để nâng cao chất lượng vốn rừng, phát triển bền vững từ rừng. Nhìn từ thực tế thì, điều đó đang thành hiện thực. Việc phát triển bền vững từ rừng sẽ hạn chế tốt tình trạng phá rừng, cháy rừng… tạo môi trường sinh thái xanh sạch.

Lãnh đạo tỉnh Nghệ An thăm vườn ươm cây giống ở huyện Tân Kỳ
Lãnh đạo tỉnh Nghệ An thăm vườn ươm cây giống ở huyện Tân Kỳ

Tháo gỡ nhanh những khó khăn

Thực tế hiện nay, việc trồng rừng nguyên liệu, khai thác chế biến lâm sản của tỉnh Nghệ An vẫn còn những khó khăn, hạn chế: Rừng nguyên liệu gỗ nhỏ chiếm phần lớn, chưa có nhiều diện tích được cấp chứng chỉ rừng FSC, các doanh nghiệp, nhà đầu tư được phê duyệt quy hoạch vùng nguyên liệu nhưng chậm hoặc không triển khai.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chủ yếu khai thác xuất khẩu nguyên liệu thô (gỗ dăm), chưa có sản xuất chế biến sâu, chưa tạo được chuỗi liên kết trong sản xuất và chế biến, thị trường chủ yếu là Trung Quốc. Việc phát triển lâm sản ngoài gỗ nói chung và dược liệu nói riêng cơ bản đang dừng lại ở quy hoạch…

Để ngành chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ phát triển tương xứng tiềm năng, Nghệ An đưa ra các giải pháp từ năm 2020 đến 2025: Nâng cao giá trị sản xuất, kinh doanh rừng, phát triển lâm nghiệp bền vững về kinh tế - xã hội và môi trường. Phát triển nghề rừng, kinh tế rừng theo chuỗi từ quản lý bảo vệ rừng, trồng rừng, khai thác, chế biến, tiêu thụ sản phẩm để nâng cao giá trị lâm sản hàng hóa.

Phát triển 283.562 ha rừng nguyên liệu gỗ (khai thác, trồng lại 145.526 ha; trồng mới 129.559 ha; cải tạo rừng tự nhiên 8.477 ha). Bảo vệ khai thác tốt 106.698 ha rừng tre, nứa, lùng tự nhiên. Rà soát, xây dựng, bổ sung quy hoạch chế biến lâm sản tỉnh Nghệ An. Đánh giá quy hoạch vùng nguyên liệu cho các nhà đầu tư. Xác định lựa chọn nhà máy chế biến, lĩnh vực trọng điểm để ưu đãi, hỗ trợ đầu tư.

Theo lãnh đạo tỉnh Nghệ An, để nâng cao giá trị rừng, phát triển rừng bền vững, địa phương sẽ tổ chức các chương trình đối thoại, gặp gỡ doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, hiệp hội doanh nghiệp tỉnh để giải quyết khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh, xúc tiến thương mại, giới thiệu cơ hội đầu tư... 

Đồng thời, phát triển rừng trồng nguyên liệu gỗ lớn, cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC, áp dụng các biện pháp thâm canh, sử dụng giống chất lượng cao để nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng rừng trồng và đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cả nước và trên thế giới. Tham mưu hủy bỏ các quy hoạch vùng nguyên liệu đã được phê duyệt nếu nhà đầu tư không thực hiện và có chính sách liên kết cụ thể với các hộ trồng rừng.

Lãnh đạo tỉnh Nghệ An cũng cho biết, sẽ đầu tư cụm công nghiệp chế biến gỗ tập trung các doanh nghiệp chế biến gỗ nội ngoại thất xuất khẩu; các ngành công nghiệp hỗ trợ phục vụ ngành chế biến gỗ (như: sản xuất bulong, ốc vít, tay nắm cửa, bản lề…). 

Đặc biệt, sẽ thành lập Hội chế biến gỗ và lâm sản Nghệ An làm cầu nối liên kết các doanh nghiệp chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh và cả nước. Phấn đấu Nghệ An trở thành trung tâm chế biến gỗ lâm sản ngoài gỗ lớn nhất Bắc Trung bộ.

Người dân Nghệ An đã khấm khá nhờ phát triển kinh tế rừng
Người dân Nghệ An đã khấm khá nhờ phát triển kinh tế rừng

Điều đáng chú ý là, tỉnh Nghệ An hiện đã theo dõi và cập nhật diễn biến tài nguyên rừng năm 2021 đối với diện tích trên 962.896,97ha rừng; rà soát quy hoạch lâm nghiệp quốc gia trên địa bàn tỉnh và tích hợp vào quy hoạch chung của tỉnh; tham gia góp ý vào các dự thảo quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050; Báo cáo thực trạng xây dựng phương án phát triển lâm nghiệp tỉnh; công tác sử dụng, phát triển rừng tâp trung là 19.253 ha/18.000 kế hoạch, đạt 105,83%; chăm sóc 54.000/54.000 ha rừng; bảo vệ 964.474,27 ha/964.660 ha rừng, đạt 99,98% kế hoạch; trong năm đã cấp phép cho 25 cơ sở sản xuất 33,479 triệu cây giống.

Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục xây dựng phương án quản lý rừng bền vững. Kết quả, đã có 24/24 chủ rừng là tổ chức được phê duyệt đề cương xây dựng phương án; 5 chủ rừng là tổ chức được UBND tỉnh phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững. Đến nay, toàn tỉnh đã có 10.288,84 ha rừng trên tổng số trên 180 ngàn ha rừng, đã được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC.