Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Người gác rừng giáng hương làng Grôn

Hòa Bình - 11:10, 06/11/2023

Hơn 30 năm qua, rừng giáng hương ở huyện biên giới Đức Cơ (Gia Lai) được bảo vệ an toàn, là “thánh địa" bất khả xâm phạm, trở thành niềm tự hào của dân làng Grôn. Kết quả này có sự góp sức quan trọng của người gác rừng Rơ Mah Lel (64 tuổi, ở làng Lung Prông, xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ, Gia Lai) đã cùng dân làng quyết tâm bảo vệ rừng giáng hương.

Ông Rơ Mah Lel (bên trái) cùng dân làng, lực lượng chức năng quyết tâm bảo vệ rừng giáng hương
Ông Rơ Mah Lel (bên trái) cùng dân làng, lực lượng chức năng quyết tâm bảo vệ rừng giáng hương

Rừng hương nằm cách trung tâm làng Grôn (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ, Gia Lai) chừng 10km, có diện tích gần 4ha với khoảng 1.000 cây giáng hương mọc san sát, tỏa bóng mát trong lành. Từ bao đời nay, dân làng Grôn xem rừng hương là báu vật, che chở buôn làng mình, nên quyết bảo vệ từng cành cây, ngọn lá.

Dẫn chúng tôi đi chiêm ngưỡng “báu vật”, ông Lel kể: Khu rừng giáng hương trên được phát hiện vào khoảng 20 năm trước. Hồi ấy, khi các công nhân đang khai phá rừng hoang để trồng cao su thì người dân phát hiện diện tích rừng này toàn gỗ hương quý giá nên báo chính quyền đề nghị giữ lại. Ban đầu để bảo vệ rừng, dân làng Grôn cơm đùm gạo bới ngày đêm túc trực tại khu rừng để canh giữ. Về sau, huyện Đức Cơ cấp kinh phí để xã xây nhà tạm trong rừng, đồng thời thuê 2 người dân địa phương trực tiếp chăm sóc, bảo vệ.

Rừng giáng hương có diện tích gần 4 ha được gắn các biển cấm và được dân làng canh gác chặt chẽ
Rừng giáng hương có diện tích gần 4 ha, được dân làng canh gác chặt chẽ

Theo ông Lel, ngoài gỗ giáng hương quý còn có nhiều loài gỗ khác như bằng lăng, cà chít và nhiều loài động vật, thực vật khác. Cây giáng hương to nhất phải đến gần hai người ôm và nhiều cây con đang phát triển. Ông Lel luôn tự hào mình là người gắn bó lâu năm nhất với rừng giáng hương này.

Trong rừng của làng Grôn, cây giáng hương to nhất phải đến gần hai người ôm và nhiều cây con đang phát triển
Trong rừng của làng Grôn, cây giáng hương to nhất phải đến gần hai người ôm và nhiều cây con đang phát triển

Từ năm 1995 - 2000, ông Lel làm Phó bí thư Đảng ủy xã Ia Kriêng và trải qua bốn nhiệm kỳ liên tục giữ chức Chủ tịch UBND xã Ia Kriêng. Đến năm 1999, ông chính thức nhận quản lý rừng giáng hương. Sau đó, ông được cấp ủy, chính quyền địa phương giao rừng giáng hương cho ông bảo vệ, với cương vị mới là Tổ trưởng Tổ bảo vệ rừng giáng hương làng Grôn. 

“Trước đây, một số lần người dân có ý định xâm lấn nhưng tôi phát hiện, ngăn cản kịp thời. Sau nhiều lần tuyên truyền, vận động, người dân không còn ý định xâm hại rừng nữa mà tích cực tham gia bảo vệ rừng. Mặc dù rừng giáng hương giá trị nhưng lâm tặc không dám lăm le rừng này. Lúc tôi còn làm Chủ tịch xã, dân thương, dân nhớ nên nói là bà con tin, nghe theo. Họ biết tính tôi rồi, thẳng thắn, không thể bị mua chuộc, càng không thể bị đe dọa. Bác Hồ nói “Rừng là vàng, nếu biết bảo vệ, xây dựng thì rừng rất quý” thì mình phải biết bảo vệ cho tốt, bảo vệ đến khi chân mình không thể băng rừng, lội suối mới thôi”, ông Lel quả quyết.

Ông Lel cùng lực lượng chức năng thường xuyên tuyên truyền, vận động Nhân dân bảo vệ rừng giáng hương, xem như “báu vật” của làng
Ông Lel cùng lực lượng chức năng thường xuyên tuyên truyền, vận động Nhân dân bảo vệ rừng giáng hương, xem như “báu vật” của làng

Từ khi được giao bảo vệ rừng, ông thường tuyên truyền sâu rộng trong Nhân dân phải giữ được rừng giáng hương, xem như “báu vật” của làng. Đến nay bà con đã thấm nhuần rồi, trở thành tai mắt, người giữ rừng chung cho làng.

Ông Rơ Mah Kem, người gác rừng cùng ông Lel cho hay: “Sáng nay, chúng tôi thấy khu rừng rụng lá, tạo thành những lớp thực bì bám dưới đất rất dễ cháy nên tiến hành thu dọn, phát quang để ngừa cháy. Nhiều người dân thấy thế tự nguyện gác việc nương rẫy, đồng áng đến giúp sức. Mỗi người dân đều là tai mắt của rừng, chung tay bảo vệ rừng giáng hương “bất khả xâm phạm” này. Nếu có ai ra vào rừng là chúng tôi biết ngay”.

Anh Trần Thanh Sơn, kiểm lâm địa bàn xã Ia Kriêng (Hạt Kiểm lâm huyện Đức Cơ) cho biết: “Đây là rừng gỗ giáng hương nhóm I, rất quý hiếm. Trước thực trạng mất rừng, nhất là những cây gỗ quý mà rừng được ông Lel và dân làng chung sức bảo vệ là điều đáng mừng. Vì vậy, lực lượng kiểm lâm ở địa phương thường xuyên tham gia tuần tra, tuyên truyền công tác bảo vệ rừng. Đồng thời tham mưu cho chính quyền xã Ia Kriêng trong công tác bảo vệ, ngăn ngừa cháy rừng trong mùa khô. Hiện tại, UBND xã Ia Kriêng đã đóng biển báo chỉ dẫn tại điểm tham quan cho người dân trên địa bàn và du khách khi đến đây xem rừng gỗ quý”.

Huyện Đức Cơ hiện đang xây dựng kế hoạch hỗ trợ, mô hình phát triển kinh tế gắn với bảo vệ rừng
Huyện Đức Cơ hiện đang xây dựng kế hoạch hỗ trợ xây dựng mô hình phát triển kinh tế gắn với bảo vệ rừng

Giờ đây, bảo vệ rừng giáng hương cũng là trách nhiệm của mỗi người và để cho con cháu sau này biết, tự hào về làng mình. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng có kế hoạch hỗ trợ, xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp để bảo vệ rừng.

Ông Trần Ngọc Phận, Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ, thông tin: Dự kiến trong vài năm tới, khi rừng cao su của Công ty Cao su 715 hết kỳ khai thác, huyện sẽ đề nghị thu hồi một phần đất để mở rộng phạm vi bảo vệ cho rừng được an toàn hơn. Đồng thời kéo điện, làm lại đường, xây dựng nguồn nước đầy đủ. Qua đó kết hợp với một số mô hình kinh tế dưới tán rừng, vừa bảo vệ rừng vừa có các mô hình kinh tế phát triển du lịch địa phương.

Triển khai Tiểu dự án 1 về Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân, thuộc Dự án 3 về Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 sẽ có thêm nhiều nguồn lực để huyện biên giới Đức Cơ (Gia Lai) hỗ trợ người dân trồng rừng, bảo vệ rừng./.