Hiệu quả từ các Chương trình mục tiêu quốc gia
Cùng với nguồn vốn từ các chương trình, chính sách khác, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (Chương trình MTQG 1719) đã và đang được triển khai hiệu quả tại tỉnh Thanh Hóa. Với 10 dự án và 14 tiểu dự án thành phần, Chương trình đã phát huy vai trò là đòn bẩy cho sự phát triển toàn diện ở các huyện miền núi.
Tổng nguồn vốn ngân sách Trung ương giao thực hiện Chương trình MTQG 1719 giai đoạn 2021 - 2024 là 1.964.112 triệu đồng, đã được giao chi tiết từng tiểu dự án, nội dung, danh mục dự án là trên 1.963 tỷ đồng, đạt 99,99% kế hoạch. Đến nay, đã hoàn thành 18 công trình nước sinh hoạt tập trung, 256 công trình trạm y tế xã, đường bê tông, các công trình mạng lưới chợ; 16 công trình trường học; 66 công trình thiết chế văn hóa; 2 trung tâm y tế huyện; Sắp xếp ổn định dân cư tập trung trên địa bàn các huyện: Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn; hỗ trợ di dời các hộ dân trên địa bàn huyện Quan Sơn; hỗ trợ sản xuất theo chuỗi giá trị…
Nhờ đó, cơ sở hạ tầng vùng đồng bào DTTS từng bước được kiện toàn. Năm 2021 - 2023, tỉnh đã hoàn thành cấp điện cho 37 thôn, bản, cụm dân cư của 7 huyện: Lang Chánh (1 thôn), Như Thanh (1 thôn), Quan Sơn (4 thôn, bản), Quan Hóa (3 thôn, bản), Bá Thước (5 thôn, bản), Mường Lát (9 thôn, bản), Thường Xuân (1 thôn). Đến nay, 100% xã vùng đồng bào DTTS đã có điện lưới quốc gia; 100% đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa và bê tông; 99,9% thôn có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa; 100% đường giao thông đến trung tâm xã hư hỏng, xuống cấp được sửa chữa, nâng cấp…
Những năm qua, các chính sách hỗ trợ giảm nghèo được tỉnh Thanh Hóa triển khai kịp thời, đầy đủ và hiệu quả, giúp người dân miền núi tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo vùng miền núi của tỉnh giảm còn 14,75%, đạt kế hoạch bình quân giảm trên 3%/năm…
Trong lĩnh vực giáo dục, từ năm 2021 đến nay, đã đầu tư xây dựng 73 công trình trường học, nâng tỷ lệ trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia đạt 72,8%, tăng 14,7% so với năm 2020. Các công trình trạm y tế xã, trung tâm y tế huyện và hệ thống cung cấp nước sạch cũng được triển khai đồng bộ, góp phần cải thiện chất lượng y tế và vệ sinh môi trường tại địa phương.
Cùng với đó, các chính sách hỗ trợ giảm nghèo được triển khai kịp thời, đầy đủ, giúp người dân miền núi tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo khu vực miền núi giảm còn 14,75%, bình quân giảm trên 3%/năm…
Khích lệ tinh thần vượt khó của đồng bào
Huyện miền núi Bá Thước, một trong 6 huyện nghèo của tỉnh Thanh Hoá đang nỗ lực phấn đấu thoát khỏi danh sách 74 huyện nghèo của cả nước vào năm 2025. Nhờ triển khai hiệu quả các chính sách và Chương trình mục tiêu quốc gia dành cho vùng đồng bào DTTS, diện mạo các thôn, bản đã có những chuyển biến mạnh mẽ trong những năm qua.
Nhiều mô hình giảm nghèo bền vững đã được xây dựng thành công, như mô hình nuôi bò sinh sản ở các xã Điền Quang, Ái Thượng; trồng rau an toàn tại các xã Điền Lư, Thành Lâm, Lũng Cao; trồng rừng kết hợp chăn nuôi tại các xã Thành Sơn, Cổ Lũng, Thiết Ống. Theo kết quả sơ bộ đến năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn 17,58% (giảm 6,28%); tỷ lệ hộ cận nghèo giảm còn 17,58% (giảm 8,35%). Đồng thời, huyện đã giải quyết việc làm mới cho khoảng 2.000 lao động, đạt 100% kế hoạch năm.
Được biết, huyện cũng đang tận dụng tối đa các nguồn lực để hỗ trợ người dân về nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề, đào tạo kỹ năng, khởi sự kinh doanh… Những giải pháp thiết thực này đã giúp đồng bào DTTS giảm nghèo bền vững, hướng tới mục tiêu đến năm 2025 đưa Bá Thước thoát khỏi danh sách huyện nghèo…
Ông Mai Xuân Bình, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: “Những năm qua, vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, với diện mạo thay đổi rõ nét, đời sống Nhân dân ngày càng được nâng cao. Các chương trình, chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước không chỉ giải quyết vấn đề giảm nghèo mà còn tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững. Nhờ các dự án hỗ trợ sản xuất, phát triển hạ tầng, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế và bảo tồn văn hóa, người dân vùng cao không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu”.