Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Hướng tới tăng trưởng theo hình chữ “V”

Thiên Đức - 19:19, 11/02/2021

Đại dịch Covid-19 năm 2020 là cú sốc lớn với thế giới, cũng như Việt Nam. Thế nhưng, giữa bức tranh kinh tế u ám, Việt Nam lại là một điểm sáng nổi bật. Việt Nam đã và đang tích lũy sức mạnh để hướng tới tăng trưởng theo hình chữ chữ “V” năm 2021.

Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển kinh tế đối ngoại năm 2021. (Ảnh minh họa)
Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển kinh tế đối ngoại năm 2021. (Ảnh minh họa)

Tăng trưởng Top đầu thế giới

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, GDP năm 2020 của Việt Nam ước tính tăng 2,91% so với năm trước. Đây là mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2011 - 2020. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hầu hết các nước tăng trưởng âm, thì đây là thành công lớn của Việt Nam.

Còn theo thông tin từ Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, tính chung cả thời kỳ 2011 - 2020, tăng trưởng GDP của Việt Nam ước đạt khoảng 5,9%/năm, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới. Quy mô GDP tăng từ 116 tỷ USD năm 2010 lên 343 tỷ USD, đứng trong Top 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và đứng thứ 4 ASEAN. GDP bình quân đầu người tăng từ 1.331 USD năm 2010 lên khoảng 3.521 USD, đứng thứ 6 ASEAN.

Có thể nói, với mức tăng trưởng kinh tế ấn tượng cùng những nỗ lực kìm chế, ngăn chặn đại dịch Covid-19, Việt Nam đã tạo được niềm tin vững chắc đối với các nước và tổ chức quốc tế. Trên thực tế, dù còn nhiều khó khăn nhưng ngay trong năm 2020, Việt Nam đã đẩy mạnh hợp tác quốc tế tạo môi trường cho tăng trưởng kinh tế.

Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, ngay từ đầu năm 2020 Việt Nam đã tích cực vận động, phối hợp với Liên minh châu Âu (EU) hoàn thành phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), đưa Hiệp định vào thực thi từ 1/8/2020. Cuối năm 2020, Việt Nam tiếp tục ký Hiệp định FTA Việt Nam - Anh…

Với tư cách là Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam cũng phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các nước thành viên và các đối tác thúc đẩy ký kết thành công Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) giữa 10 nước ASEAN và 5 quốc gia (Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand).

Trong năm 2020, Việt Nam cũng chủ động thúc đẩy nhiều sáng kiến quan trọng trong ASEAN về ứng phó với đại dịch Covid-19, phục hồi chuỗi cung ứng khu vực, liên kết nội khối gắn với phát triển bền vững, đẩy mạnh các khuôn khổ hợp tác Mê Kông….

Với những bước tiến trong năm 2020 cùng với những kết quả quan trọng trong triển khai hội nhập kinh tế quốc tế nhiều năm qua, chúng ta đã định hình mạng lưới gồm, các khuôn khổ hợp tác kinh tế, thương mại với các trung tâm kinh tế hàng đầu thế giới. Vị thế này đang và sẽ tạo ra những động lực vượt trội giúp chúng ta thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, tiếp tục đổi mới toàn diện, đồng bộ, đưa đất nước vững bước tiến lên, hiện thực hóa những tầm nhìn và khát vọng phát triển trong giai đoạn chiến lược mới.

Xuất khẩu của nhóm hàng công nghiệp chế biến vẫn giữ vai trò quan trọng góp phần vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu chung.
Xuất khẩu của nhóm hàng công nghiệp chế biến vẫn giữ vai trò quan trọng góp phần vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu chung.

Chờ cơ hội bứt phá

Có thể nói, với những nỗ lực của mình, năm 2020 Việt Nam đã tích lũy sức mạnh về nội lực và ngoại lực để chờ cơ hội bứt phá trong những năm tiếp theo.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, trong năm 2020, Việt Nam đã tập trung phòng, chống, kiểm soát tốt dịch bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi và phát triển KT-XH. Bên cạnh đó, hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH được tiếp tục nâng cấp; nhiều công trình, dự án quan trọng, quy mô lớn đã hoàn thành. Ngoài ra, nền kinh tế được cơ cấu lại gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả. Cải cách hành chính đã chuyển biến tích cực, môi trường kinh doanh được cải thiện.

Cùng với việc tự đổi mới môi trường, nền kinh tế Việt Nam đang đón chờ nhiều cú hích từ ngoại lực. Ông Hoàng Xuân Chính, thành viên sáng lập, Tổng Giám đốc Quỹ Excelsior Capital Việt Nam Partners cho biết, Việt Nam sẽ là điểm đến số 1 Đông Nam Á trong năm 2021, trong đó vai trò dẫn dắt dòng vốn rất có thể thuộc về các nhà đầu tư đến từ châu Âu. Ngay trong giai đoạn đại dịch Covid-19 bùng phát, Quỹ Excelsior Capital Việt Nam Partners đã ra đời. Đây là quỹ đầu tư thứ 6 của Quỹ Excelsior Capital (Thụy Sĩ) được thành lập cho mục đích đầu tư vào Việt Nam.

Tương tự, ông Masataka Sam Yoshida, Tổng Giám đốc RECOF Việt Nam (dịch vụ mua bán - sáp nhập xuyên quốc gia) nhận định: “Chúng tôi tiếp tục lựa chọn Việt Nam để đầu tư, vì Việt Nam là một trong những quốc gia thành công nhất trong “cuộc chiến” chống Covid-19, giúp GDP của Việt Nam tăng trưởng dương trong năm 2020. Do đó, Việt Nam sẽ thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản trong nhiều lĩnh vực, chủ yếu là thị trường đang phát triển như tiêu dùng, dịch vụ, sản xuất cần thiết để duy trì chuỗi cung ứng toàn cầu”.

Nhận định về tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2021, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết, Việt Nam được dự báo sẽ dẫn đầu nhóm với chỉ số tăng trưởng được dự báo là 108,4. Theo đó, nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 10,9% theo giá trị thực vào năm 2021, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác ở châu Á - Thái Bình Dương./.