Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao vùng dân tộc và miền núi: Cần khơi thông rào cản?

PV - 12:58, 29/01/2018

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao đang là một hướng đi đúng đắn của nền nông nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, để nông nghiệp công nghệ cao là hướng đi chính của nông nghiệp Việt Nam nói chung, vùng dân tộc và miền núi nói riêng thì cần một cơ chế, chính sách đủ mạnh.

Cần có các chính sách đủ mạnh để phát triển nông nghiệp công nghệ cao vùng dân tộc và miền núi. Cần có các chính sách đủ mạnh để phát triển nông nghiệp công nghệ cao vùng dân tộc và miền núi.

 

Có thể khẳng định, nông nghiệp công nghệ cao đã góp phần mở rộng sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa, xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm và cải thiện đời sống nhân dân. Đơn cử như xã Ka Đô, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng, hiện nay, 85% diện tích canh tác công nghệ cao. Tổng mức thu nhập bình quân mỗi hecta đạt từ 150-200 triệu đồng/năm. Ka Đô đã nâng mức thu nhập bình quân đầu người lên 58 triệu đồng/năm, và tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,33%. Hay tại tỉnh Lào Cai có khoảng 700ha diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… đã tạo chuyển biến rõ nét ở vùng nông thôn miền núi, vùng đồng bào DTTS, đẩy nhanh xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới…

Tuy nhiên, phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam hiện nay còn khá khiêm tốn, khu công nghiệp công nghệ cao vùng dân tộc và miền núi lại càng khiêm tốn hơn và gặp không ít khó khăn. Theo số liệu khảo sát của ngành nông nghiệp, đến nay cả nước mới có 29 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã đi vào hoạt động. Các mô hình này đã thu hút doanh nghiệp đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, tạo ra vùng sản xuất hàng hóa có quy mô khoảng 400.000ha.

Việt Nam chỉ có khoảng hơn 20 doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao trên tổng số hàng nghìn công ty nông nghiệp. Hiện hầu hết các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn về vốn và ưu đãi đầu tư. Khảo sát của ngành nông nghiệp cho thấy, có tới 90% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp có vốn dưới 10 tỷ đồng và do quy mô vốn nhỏ nên doanh nghiệp gặp khó khăn trong mở rộng sản xuất. Ngoài ra, việc đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao còn gặp phải những rào cản về mặt thể chế, điều kiện để các hình thức tổ chức kinh tế đầu tư vào khu vực nông thôn miền núi...

Hơn nữa, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở nhiều địa phương vùng dân tộc, miền núi hiện nay chỉ dừng lại ở một số mô hình sản xuất nhỏ lẻ, chưa ứng dụng công nghệ tự động hóa, công nghệ thông tin rộng rãi trong sản xuất. Một số vùng sản xuất chuyên canh chưa được quy hoạch dẫn đến tính bền vững không cao. Bên cạnh đó, canh tác nông nghiệp truyền thống vẫn ăn sâu trong tiềm thức của người dân. Mặt khác, các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao tại nhiều mô hình có số lượng nhỏ chưa được bảo hộ, định hướng và có thương hiệu dẫn tới khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm.

Theo PGS.TS Trần Văn Ơn, Trưởng Bộ môn Thực vật, trường Đại học Dược Hà Nội, ở các vùng DTTS không thể chỉ đặt trọng tâm phát triển nông nghiệp với quy mô kinh tế hộ gia đình mà nên phát triển mô hình hợp tác xã, nông nghiệp công nghệ cao. Cần tìm những thủ lĩnh có tâm và có tầm trong cộng đồng. Còn nhà khoa học thì phải cam kết đồng hành cùng các cộng đồng một cách lâu dài, làm tư vấn suốt đời.

Nước ta cũng đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm ít nhất 25% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của cả nước. Quyết tâm rất lớn nhưng để đạt được điều đó lại không hề đơn giản.

Vì vậy, để phát triển nông nghiệp công nghệ cao cần lựa chọn đúng địa bàn, đúng đối tượng tiếp nhận công nghệ và cách thức chuyển giao phù hợp; hình thành thị trường công nghệ tại nông thôn, miền núi; có cơ chế, chính sách khuyến khích các cán bộ khoa học trẻ, tình nguyện về công tác tại các vùng nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS. Cần thu hút vốn đầu tư vào nông nghiệp bằng việc Nhà nước thiết lập qui chuẩn và chính sách nền tảng để thúc đẩy doanh nghiệp ứng dụng thành tựu kĩ thuật vào nông nghiệp nông thôn, miền núi. Sớm có một cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa nông dân và doanh nghiệp, trong đó phải làm sao hài hòa được lợi ích giữa các bên, đảm bảo phát triển liên kết bền vững.

Vừa qua, nhấn nút khởi động sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại tỉnh Hà Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Phải nâng gói hỗ trợ cho đầu tư nông nghiệp công nghệ cao từ 60.000 tỷ đồng đến 100.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, theo Thủ tướng, nguồn nhân lực từ nông dân để làm nông nghiệp công nghệ cao phải được tập trung đầu tư phát triển, không để tồn tại mãi hình ảnh “con trâu đi trước cái cày theo sau”. Thủ tướng khẳng định sẽ tiếp tục tạo điều kiện tốt nhất cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao…

THANH HUYỀN