Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Những “thủ lĩnh” miền biên viễn xứ Nghệ: “Sứ giả” của tình yêu văn hóa dân tộc (Bài 4)

Thanh Hải - 07:35, 06/11/2022

Bằng tình yêu và trách nhiệm của bản thân, văn hóa dân tộc như nhạc cụ, trang phục, bài hát, chữ viết và phong tục tập quán của đồng bào đã được những Người có uy tín gìn giữ, bảo tồn, phát huy. Ngày qua ngày, họ như những ”sứ giả” lan tỏa tình yêu văn hóa dân tộc đến mỗi người dân.

Cụ Lương Xuân Thuyết, Người có uy tín của ở bản Mà, xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương giới thiệu về chiếc khèn bè và sáo nhuôn
Cụ Lương Xuân Thuyết, Người có uy tín của ở bản Mà, xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương giới thiệu về chiếc khèn bè và sáo nhuôn

Sống lại những miền văn hóa dân gian

Những năm qua, Người có uy tín trong đồng bào các DTTS, là những tấm gương tiêu biểu trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống. Cụ Lương Xuân Thuyết, Người có uy tín ở bản Mà, xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương là một người như vậy. Bằng niềm đam mê, yêu thích âm nhạc dân tộc, cụ Thuyết đã rất dày công gìn giữ nhạc cụ của dân tộc Thái.

 Trò chuyện về việc bảo tồn văn hóa dân tộc, cụ Thuyết say sưa kể về chiếc khèn bè và sáo nhuôn của người Thái.

“Khó thổi lắm đấy, phải điều chỉnh hơi thở sao cho âm phát ra có âm hưởng trầm hùng của núi rừng, có âm hưởng của tiếng suối chảy…”, cụ Thuyết bảo.

Thế rồi, mỗi dịp bản làng có lễ hội, cụ Thuyết đã dành thời gian để biểu diễn khèn bè và sáo nhuôn cho cả bản cùng nghe. Trong không khí trang nghiêm của lễ hội, tiếng khèn bè vang vọng, réo rắt như tiếng nước, tiếng gió chảy giữa đại ngàn.

Ông Lo Văn Cường, Người có uy tín cũng là thầy mo ở bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương đã luôn nỗ lực gìn giữ nét văn hóa của dân tộc. Chính ông Cường, đã là “đầu tàu” để bà con bản Văng Môn bảo vệ lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa của người Ơ Đu – đó là lễ hội đón tiếng sấm đầu năm.

Ông Lo Văn Cường, Người có uy tín cũng là thầy mo ở bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương đã rất có ý thức để gìn giữ nét văn hóa của dân tộc là nghi lễ đón tiếng sấm đầu năm của người Ơ Đu
Ông Lo Văn Cường, Người có uy tín cũng là thầy mo ở bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương đã rất có ý thức để gìn giữ nét văn hóa của dân tộc là nghi lễ đón tiếng sấm đầu năm của người Ơ Đu

Ông Cường kể: Mình là người con của dân tộc Ơ Đu, mình không có ý thức tự bảo tồn nghi lễ dân tộc mình thì còn ai làm nữa. Vì thế, khi diễn ra lễ hội đón tiếng sấm đầu năm – lễ hội cổ truyền lớn nhất của người Ơ Đu, thì dứt khoát phải chuẩn bị đầy đủ, sửa soạn trang nghiêm và thực hiện các phần lễ theo nét văn hóa mà cha ông truyền lại. Đó là cách để thế hệ trẻ Ơ Đu hôm nay hiểu hơn về giá trị văn hóa truyền thống mà cha ông đã nhiều đời gìn giữ.

Ở xã Châu Cường, huyện Quỳ Hợp, có già làng, nghệ nhân ưu tú Sầm Văn Bình “trọn đời” gắn bó với việc phục hồi, biên soạn chữ Thái. Ông Bình cho biết: Chữ Thái là một kho báu linh thiêng, có tuổi đời cả ngàn năm, đầy ắp những tinh hoa văn hoá mang đậm bản sắc của dân tộc Thái. Tuy nhiên, từ năm 2005 trở về trước, chữ Thái hầu như đã bị lãng quên.

Thế rồi, ông đã mày mò sưu tầm, biên soạn chữ viết tiếng Thái bằng tất cả niềm đam mê cháy bỏng. Một trong những thành công của ông Bình là đã soạn gần như hoàn chỉnh bộ sách Hướng dẫn học chữ Thái hệ Lai Tay, gồm 2 tập. Tập 1 dày 108 trang, với 21 bài học có hệ thống rất khoa học từ giản đơn đến phức tạp.

Tiếp theo hai cuốn sách được coi như giáo trình này, ông còn hoàn chỉnh được 5 cuốn sách khác, với nhiều gợi mở và giàu chất tư liệu gốc cho giới nghiên cứu chữ Thái trong vùng và trong cả nước, như: “Hệ chữ Lai - xứ Mường Ham”; “Hệ chữ Lai - xứ Thanh Hoá”; “Hệ chữ Lai - xứ Mường Mùn”; “Hệ chữ Lai - xứ Mường Muỗi”; “Hệ chữ Lai Pao”; “Lịch sử hình thành và phát triển Mường Ham” (viết chung với Thái Tâm).

Đặc biệt ông đã nghiên cứu thành công 5 phông chữ Thái để cài đặt vào máy vi tính được sử dụng rộng rãi trong các nhóm ngườiThái ở Nghệ An. Ông Bình tâm sự: Người Thái có một kho tàng văn hóa dân gian đồ sộ. Có được chữ viết, thì sẽ phục dựng và lưu giữ được nhiều nét cổ truyền, phong tục tập quán tốt đẹp và làm giàu hơn bản sắc dân tộc.

Nhiều người tìm đến già làng, nghệ nhân Sầm Văn Bình để nhờ ông chỉ dạy thêm về chữ Thái
Nhiều người tìm đến già làng, nghệ nhân Sầm Văn Bình để nhờ ông chỉ dạy thêm về chữ Thái

Những Người có uy tín như ông Thuyết, ông Cường, ông Bình… chỉ là ba trong số rất nhiều Người có uy tín nơi bản làng miền Tây xứ Nghệ say mê, trăn trở với bảo tồn, phục dựng và lưu giữ văn hóa dân tộc. Chính việc bảo tồn ấy, đã và đang làm sống lại cả một miền văn hóa đậm bản sắc của các DTTS nơi miền biên viễn.

Lan tỏa tình yêu văn hóa dân tộc

Hiện nay, ở các bản làng miền núi xứ Nghệ, nhiều hoạt động văn hoá, thể thao, các trò chơi dân gian đã được khôi phục từ sự tâm huyết, trách nhiệm của những Người có uy tín. Chính họ đã góp phần không nhỏ trong thực hiện tốt Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; bằng những việc làm thiết thực như vận động Nhân dân thực hiện nếp sống mới trong việc cưới, việc tang, lễ hội; loại bỏ những hủ tục lạc hậu như người chết không để lâu trong nhà, không thách cưới,...; người dân đã biết gìn giữ các phong tục tập quán tốt đẹp, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của từng dân tộc.

Nhờ vậy mà đến nay, tỷ lệ hộ gia đình DTTS ở Nghệ An đạt chuẩn văn hoá là 80,7%; tỷ lệ làng, bản, khối, xóm đạt chuẩn văn hoá là 55,2%; tỷ lệ xã phường, thị trấn vùng DTTS có thiết chế VHTT-TT đạt chuẩn quốc gia theo tiêu chí mới đạt 34,26%. Cả vùng miền núi xứ Nghệ cũng đã có 4 di sản văn hóa phi vật thể được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Vùng dân tộc miền núi hiện có 811 danh mục di tích được kiểm kê (trong đó 1 di tích quốc gia đặc biệt, 34 di tích quốc gia và 62 di tích cấp tỉnh).

Bài múa “Kéo sợi” – một tiết mục của câu lạc bộ cồng chiêng, dân ca Thái của người cao tuổi bản Khe Rạn, xã Bồng Khê, huyện Con Cuông
Bài múa “Kéo sợi” – một tiết mục của câu lạc bộ cồng chiêng, dân ca Thái của người cao tuổi bản Khe Rạn, xã Bồng Khê, huyện Con Cuông

Điều thấy rõ nhất là, đã xuất hiện ngày càng nhiều các câu lạc bộ dân ca dân vũ ra đời như. Câu lạc bộ dân ca Thái, Thổ, Mông, Khơ - mú... ở các huyện Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong, Qùy Châu, Nghĩa Đàn... Hàng năm, các lễ hội được tổ chức long trọng và có ý nghĩa thiết thực như Lễ hội Pu Nhạ Thầu (Kỳ Sơn); Lễ hội Đền Vạn (Tương Dương), Lễ hội Hang Bua (Quỳ Châu), Đền Chín Gian (Quế Phong), Lễ hội Mường Ham (Quỳ Hợp), Lễ hội Làng Vạc (Nghĩa Đàn)... Ở các lễ hội, những đặc trưng văn hóa của dân tộc đã được phục dựng, thực hiện… từ sự tâm huyết, trách nhiệm của những Người có uy tín đã dày công sưu tầm, gìn giữ.

Ông Vy Mỹ Sơn, Phó trưởng ban Dân tộc tỉnh Nghệ An nhấn mạnh: Trong việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, Người có uy tín có vai trò đặc biệt quan trọng. Bằng tri thức và kinh nghiệm sống, họ đã vận động đồng bào các dân tộc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, phát huy những phong tục tập quán tốt đẹp; xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, bài trừ mê tín dị đoan. Nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, lễ hội truyền thống đã được Người có uy tín lưu giữ và phát huy.