Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Những nông dân Khmer năng động làm giàu

Nguyệt Anh - 09:19, 06/09/2024

Trong thời đại công nghệ số, nhiều nông dân đã năng động, sáng tạo, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất, chăn nuôi. Họ là những nông dân xuất sắc trong phong trào làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. 2 lão nông dân tộc Khmer dưới đây là những điển hình tiêu biểu.

Ông Sơn Mười (thứ hai từ trái qua) trao đổi kinh nghiệm trồng lúa với lãnh đạo Hội Nông dân huyện Tiểu Cần và HTX nông nghiệp Phú Cần. Ảnh BTV
Ông Sơn Mười (thứ hai từ trái qua) trao đổi kinh nghiệm trồng lúa với lãnh đạo Hội Nông dân huyện Tiểu Cần và HTX nông nghiệp Phú Cần. Ảnh BTV

Làm giàu từ tư duy sản xuất lớn

Năm 2023, ông Sơn Mười ở ấp Đại Trường, xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bình chọn là một trong 100 nông dân Việt Nam xuất sắc, tiêu biểu của năm. Với mức thu nhập bình quân mỗi năm lên tới 2,5 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận khoảng 1,5 tỷ đồng/năm, ông Sơn Mười trở thành tấm gương truyền cảm hứng, tạo động lực làm giàu cho những người nông dân ở xã Phú Cần nói riêng, vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Nói về quá trình vượt khó làm giàu, “tích tiểu thành đại” của gia đình, ông Sơn Mười cho biết, năm 1994, khi lập gia đình và tách ra ở riêng, ba mẹ hai bên đã cho vợ chồng ông 1,5ha đất sản xuất. Thời điểm đó, do chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất lúa chỉ đạt bình quân khoảng 5 tấn/ha. Mỗi năm làm 3 vụ, sau khi trừ các khoản chi phí, lợi nhuận không được là bao. Vì vậy, cùng với trồng lúa, vợ chồng ông Mười đã đầu tư nuôi thêm đàn vịt để có thêm thu nhập.

Ông Sơn Mười phấn khởi khi canh tác thành công giống lúa cao sản, năng suất vượt trội giống lúa truyền thống. Ảnh HX
Ông Sơn Mười phấn khởi khi canh tác thành công giống lúa cao sản, năng suất vượt trội giống lúa truyền thống. Ảnh HX

Biết căn cơ tính toán, tích lũy thêm được chút vốn, ông Sơn Mười đầu tư mua thêm đất ruộng để mở rộng diện tích canh tác. Đến năm 2001, gia đình ông đã sở hữu được 6ha đất trồng lúa. Để tăng năng suất cây lúa nước, ông Mười tranh thủ tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật nông nghiệp và tiên phong trồng giống lúa chất lượng cao, sử dụng phân vi sinh để tiết kiệm chi phí sản xuất.

Cây lúa theo mô hình này phát triển rất tốt, cây cứng, ít đổ ngã, giảm sâu bệnh. Năng suất bình quân 6,5 tấn/ha/vụ, sản lượng đạt 117 tấn/năm. Vựa lúa của ông luôn được doanh nghiệp bao tiêu, lợi nhuận bình quân hằng năm đạt gần 400 triệu đồng, tăng gần 30% so với cách trồng lúa truyền thống trước đây.

Không chỉ vươn lên làm giàu trên chính mảnh vườn, thửa ruộng quê hương, ông Sơn Mười còn có nhiều đóng góp cho hoạt động an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Ông đã hỗ trợ vốn và kỹ thuật trồng lúa chất lượng cao, sử dụng phân vi sinh cho 55 lượt hộ khó khăn trên địa bàn; đóng góp cho Quỹ Khuyến học và các phong trào, hoạt động ở địa phương mỗi năm hàng triệu đồng.

Ông Sơn Mười tiếp tục đưa cơ giới hóa vào sản xuất bằng việc mạnh dạn mua máy gặt đập liên hợp vừa phục vụ gia đình vừa làm dịch vụ. Từ 1 máy ban đầu, mỗi năm ông lại đầu tư mua thêm máy mới. Đến nay, gia đình đã có đến 7 máy gặt đập liên hợp và một xe cuốc.

Không chỉ làm nông nghiệp, ông Sơn Mười còn đầu tư mở cửa hàng bán vật liệu xây dựng, mang lại lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng/năm. Hiện nay, gia đình ông Mười giải quyết việc làm cho 40 lao động địa phương, với mức thu nhập bình quân 15 triệu đồng/người/tháng.

Khởi nghiệp thành công từ tôm, cua

Ở ấp Tà Săng, xã Dương Hòa, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang, ông Thạch LeNe chọn hướng đầu tư vào nuôi tôm cua để làm giàu. Trước đó, ông Thạch LeNe đầu tư canh tác lúa nước nhưng không thành công do ruộng lúa thường xuyên bị chuột cắn phá, năng suất thấp.

Năm 2018, sau khi lập gia đình riêng, ông Thạch LeNe chuyển về vùng Tà Săng mua 2ha đất phèn mặn giá rẻ để cải tạo thành ao nuôi tôm, cua. Để có kinh nghiệm nuôi các loài thủy sản khó tính này, ông lặn lội về Trà Vinh, sang Cà Mau, Bạc Liêu học hỏi kỹ thuật nuôi tôm, cua quảng canh.

Ông Thạch LeNe thành công với mô hình nuôi tôm, cua quảng canh, mang lại nguồn thu mỗi năm từ 400 - 600 triệu đồng. Ảnh TL
Ông Thạch LeNe thành công với mô hình nuôi tôm, cua quảng canh, mang lại nguồn thu mỗi năm từ 400 - 600 triệu đồng. Ảnh TL

Từ những nhà nông đi trước, ông Thạch LeNe nắm được kỹ thuật nuôi tôm quảng canh nên mua con giống có nguồn gốc tự nhiên. Thả nuôi trong ao phải bảo đảm mật độ (tôm trung bình 2 con/m2, cua 1 con/m2) và sử dụng hoàn toàn thức ăn tự nhiên có trong ao, không sử dụng thức ăn ngoài để đảm bảo nguồn nước không bị ô nhiễm.

Năm đầu tiên áp dụng kỹ thuật vào nuôi tôm quảng canh, ông Thạch LeNe đã thắng lớn, mang về nguồn thu trên 200 triệu đồng. Có tiền tích lũy, ông đầu tư mua thêm đất liền kề để phát triển vuông nuôi tôm, cua. Ðến nay, vợ chồng ông Thạch LeNe có trên 20ha đất nuôi tôm, cua quảng canh, thu nhập mỗi năm đạt từ 600 - 800 triệu đồng.

Năm 2014, ông Thạch LeNe thành lập Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Núi Mây để cung ứng con giống, thức ăn và liên kết thương lái, doanh nghiệp thu mua tìm đầu ra cho sản phẩm tôm, cua của người dân trong vùng. Hiện nay, HTX có 15 thành viên, với diện tích canh tác 69ha. HTX cung cấp ra thị trường 4 loại hình dịch vụ gồm: Tôm giống, cua giống, cung cấp vôi, Kobe nạo vét ao. Bình quân mỗi năm thu về lợi nhuận trên 10 tỷ đồng.

Thành công từ mô hình nuôi tôm, cua quảng canh của ông Thạch LeNe và HTX nuôi trồng thủy sản Núi Mây đã minh chứng cho sự năng động, sáng tạo, tinh thần dám nghĩ, dám làm, nhiều nông dân thích ứng nhanh với nền nông nghiệp hiện đại.