Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Những giờ học không phấn trắng, bảng đen ở vùng cao Tây Bắc

Nguyễn Thế Lượng - Băng Ngân - 08:05, 06/11/2023

Thời gian qua, cùng với việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS, các địa phương khu vực Tây Bắc còn chú trọng triển khai nhiều chương trình, chính sách ưu tiên đầu tư phát triển sự nghiệp giáo dục ở vùng DTTS và miền núi. Chú trọng đổi mới nội dung, hình thức giảng dạy trong các trường học, tổ chức các hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp cho học sinh, mang lại hiệu quả giáo dục cao.

Học sinh vùng cao Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái trải nghiệm văn hóa thổi và múa khèn của dân tộc Mông.
Học sinh vùng cao Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái trải nghiệm văn hóa thổi và múa khèn của dân tộc Mông.

Lựa chọn nội dung và hình thức tổ chức các hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp nhằm đưa học sinh về với thực tiễn, mang lại hiệu quả giáo dục cao. Đó là cách làm hiệu quả với những giờ học không phấn trắng, bảng đen của các trường học ở vùng cao Tây Bắc hiện nay.

Trong thời gian qua, các trường học ở vùng cao Tây Bắc đã và đang đẩy mạnh tổ chức các hoạt động trải nghiệm gắn với đặc thù vùng miền và điều kiện thực tế của địa phương. Trong đó, hướng tới phương châm và cách tổ chức linh hoạt, sáng tạo, phù hợp và thiết thực.

Thay vì tổ chức cho học sinh đi trải nghiệm bằng hình thức tham quan tại các địa điểm di tích, du lịch, các trường học ở vùng cao Tây Bắc đã chủ động tổ chức các hoạt động trải nghiệm tại chỗ để học sinh dễ dàng tiếp cận, giảm chi phí.

Tại các tỉnh như Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình… nhiều trường học đã xây dựng kế hoạch tổ chức dạy học môn Trải nghiệm hướng nghiệp bằng những giờ học không có phấn trắng, bảng đen, không có bàn ghế và không gian lớp học thường ngày. Đặc biệt, các trường đã linh hoạt gắn giờ học trải nghiệm hướng nghiệp với mô hình “Trường học gắn với thực tiễn”, “Trường học đa văn hóa” để mang lại những tiết học sinh động, đậm sắc màu thực tiễn và văn hóa địa phương.

Thầy giáo Nguyễn Văn Đại, Hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở (PTDTBT THCS) Bản Khoang, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai chia sẻ: “Nhà trường có số đông học sinh DTTS, ở bán trú nên các hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp được tổ chức linh hoạt, không chỉ trên lớp mà học sinh được thực tế tại vườn đào, vườn cây của nhà trường và các địa điểm bản làng văn hóa…”.

Học sinh mầm non vùng cao Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái trải nghiệm nghề đan lát của dân tộc Mông.
Học sinh mầm non vùng cao Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái trải nghiệm nghề đan lát của dân tộc Mông.

Nhằm tạo sự kết nối giữa kiến thức sách vở và kiến thức thực tế, nhiều nhà trường ở vùng cao Tây Bắc đã tích cực tổ chức hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp theo mô hình “Giờ học kết nối”. Ở mô hình này, giờ học được một số nhà trường kết hợp tổ chức để lựa chọn một yếu tố từ thực tiễn để đưa học sinh tiếp cận, được thực hành và hướng nghiệp sau khi trải nghiệm.

Tại huyện vùng cao Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái, Trường Mầm non Mồ Dề đã mời người dân trong bản biết thành thạo việc đan lát, đến trường trình diễn nghề đan tre cho các cháu học sinh của điểm trường Háng Phừ Loa.

Có nơi, tiết học trải nghiệm hướng nghiệp được nhà trường tổ chức tại bản làng. Nơi đó có nhà sàn, có các nghệ nhân dân gian, có các nghề truyền thống và người có kinh nghiệm truyền dạy. Nhờ thế, các nhà trường đã phát huy được vai trò phối hợp của người dân địa phương trong việc truyền thụ kiến thức thực tế cho học sinh.

Học sinh dân tộc Tày trường THPT số 3 Bảo Yên, tỉnh Lào Cai thực nghiệm tại bản làng ở xã Nghĩa Đô.
Học sinh dân tộc Tày trường THPT số 3 Bảo Yên, tỉnh Lào Cai thực nghiệm tại bản làng ở xã Nghĩa Đô.

Tại trường THPT số 3 Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, đóng tại xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên, nơi có đông học sinh người DTTS học tập. Địa bàn của nhà trường là điểm du lịch cộng đồng, nơi lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống. Xác định được điều đó, ngoài việc tổ chức các hoạt động STEM trải nghiệm ngày hội văn hóa các dân tộc, nhà trường còn tổ chức giờ học trải nghiệm hướng nghiệp ngay tại nhà sàn, nơi có các nghệ nhân, người cao tuổi truyền thụ các nghề truyền thống cho học sinh như đan lát, dệt thổ cẩm, ẩm thực, hát then và hướng dẫn học sinh cách ứng xử văn hóa của đồng bào các dân tộc.

Thầy giáo Quan Văn Thưởng, Phó Hiệu trưởng trường THPT số 3 Bảo Yên chia sẻ: “Những tiết học trải nghiệm được tổ chức ngoài nhà trường là không gian học sinh được hòa mình với kiến thức thực tiễn, có ý thức giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa. Đồng thời, đó cũng là cơ hội để học sinh hình thành những ý tưởng hướng nghiệp trong tương lai”.

Ngày hội văn hóa dân tộc là không gian sinh động để học sinh trải nghiệm.
Ngày hội văn hóa dân tộc là không gian sinh động để học sinh trải nghiệm.

Những hoạt động phong phú, sinh động và hiệu quả được các nhà trường ở vùng cao Tây Bắc đã và đang tổ chức đã minh chứng cho việc không nhất thiết phải cố định giờ học Trải nghiệm hướng nghiệp tại giờ chào cờ, giờ sinh hoạt lớp hay trong không gian lớp học. Điều đó đòi hỏi sự chủ động, tích cực và linh hoạt của các nhà trường, các thầy cô giáo để các em học sinh được trở về với thực tiễn cuộc sống với những trải nghiệm thú vị và ý nghĩa.

Ông Nguyễn Anh Thủy, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái chia sẻ: “Đa số các nhà trường ở các cấp học trên địa bàn huyện Mù Cang Chải đều rất chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp cho học sinh phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương, mang lại hiệu quả giáo dục thiết thực”.

Tăng cường hoạt động trải nghiệm vừa rèn kỹ năng, vừa giúp học sinh kết nối giữa kiến thức sách vở bản thân học được với kiến thức thực tế để định hướng nghề nghiệp trong tương lai. Đây là hướng đi hiệu quả của việc đổi mới phương pháp dạy học mà chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã đặt ra.