Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Những "cột mốc sống" nơi biên viễn Lai Châu

Hà Minh Hưng - 06:06, 09/12/2023

Lai Châu có đường biên giới dài 265,165 km, giáp với Trung Quốc, phần lớn nằm dọc theo các dãy núi cao, hiểm trở. Vì thế, việc quản lý, kiểm soát đường biên, mốc giới gặp không ít khó khăn. Cùng với lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP), rất nhiều người dân ở các xã Ma Ly Chải, Sì Lở Lầu, Ma Ly Pho của huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu đã tình nguyện bảo vệ, trông coi mốc giới suốt những năm qua. Họ được ví như những "cột mốc sống" nơi biên ải.

Gia đình già bản Lý A Nhị ở bản Hùng Pèng, xã Ma Lù Thàng, huyện Phong Thổ có hơn 40 năm đảm nhận trông giữ cột mốc 67 (2)
Gia đình già bản Lý A Nhị ở bản Hùng Pèng, xã Ma Lù Thàng, huyện Phong Thổ có hơn 40 năm đảm nhận trông giữ cột mốc 67 (2)

Một ngày hành quân cùng các chiến sĩ Đồn Biên phòng Sì Lở Lầu, Dào San, Ma Lù Thàng, huyện Phong Thổ (Lai Châu), điểm dừng chân đầu tiên của đoàn là cột mốc 70. Tại đây, chúng tôi gặp Lý A Sa - một nông dân người Hà Nhì ở bản Tỷ Phùng, xã Ma Ly Chải. Sa tiếp chúng tôi ngay tại cột mốc, nơi có khoảnh nương của gia đình anh. Gần 20 năm qua, đoạn biên giới giữa cột mốc 70 và 71 luôn được gia đình Sa trông giữ, bảo vệ hằng ngày.

 Anh Sa nhớ lại: "Một lần tôi ốm mà lúc đó đang vào ngày mùa, cả nhà đi gặt hết. Tôi linh cảm có chuyện nên nhờ người gọi con trai về gấp để cùng mình đi. Đúng như linh tính mách bảo, đến nơi, tôi thấy một số người lạ phát nương sang đất của ta. Tôi giải thích cho họ hiểu quy định biên giới, đồng thời báo ngay với BĐBP, nhờ đó mà kịp thời ngăn chặn được việc lấn đất từ bên ngoài, xâm phạm ranh giới quốc gia".

Sát khu vực gia đình anh Sa trông giữ là cột mốc 72, đoạn biên giới dài hơn 3 km mà gia đình ông Chẻo Chỉn Lụ (người Dao; ngụ bản Lao Chải, xã Sì Lở Lầu) ký cam kết với Đồn Biên phòng Sì Lở Lầu nhận bảo vệ. Hành trang trong mỗi chuyến tuần tra theo ông là con dao phát, chiếc đài bán dẫn bên hông và trong tay nải lúc nào cũng có nắm cơm vợ ủ.

Sau gần 30 năm làm công tác xã hội, từng là Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã Sì Lở Lầu, ông Lụ nghỉ chế độ. "Cũng định nhàn hạ cùng con cháu nhưng trước sự tín nhiệm của đảng viên và cấp trên, tôi tiếp tục làm Bí thư chi bộ bản. Hằng tháng, trong các buổi sinh hoạt chi bộ hay các kỳ họp HĐND xã, tôi thường đưa chủ đề về phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia lên hàng đầu", ông chia sẻ.

Công việc thường ngày của ông Lụ là đi thăm nương rẫy và kiểm tra mốc giới. Mỗi lần như thế, ông cẩn thận ghi chép từng chi tiết, đối chiếu thông tin, quan sát kỹ thực địa. Sau đó, ông phát quang cỏ dại, không để che khuất tầm nhìn, đắp đất chỗ bị nước xói... Gần 10 năm qua, vợ chồng ông quyết định chuyển hẳn lên lán ở, để vừa thuận tiện làm nương rẫy vừa trông coi mốc giới.

(CĐ LAI CHÂU) Những "cột mốc sống" nơi biên ải Lai Châu 1
Tiếp nối phong trào bảo vệ an ninh biên giới, theo định kỳ các chiến sĩ biên phòng cùng dân quân bản thường xuyên vệ sinh, kiểm tra mốc giới.

Ngược Ma Li Pho, chúng tôi gặp một người người có hơn 40 năm đảm nhận trông giữ cột mốc 67 (2), ông được người dân nơi đây ví như cây thông to trên đỉnh núi, là niềm tự hào của người Dao Tuyển - Ông là Lý A Nhị, nguyên Trưởng bản Hùng Pèng, xã Ma Lù Thàng, huyện Phong Thổ. Bản Hùng Pèng có 42 hộ, 156 nhân khẩu hơn 90% là người Dao Tuyển. Bản định cư theo ven suối Nậm Cúm, là con suối chia dòng ranh giới phân định giữa ta và nước bạn Trung Quốc. Đón chúng tôi với nụ cưới trìu mến, ông Nhị mời đoàn bằng những cốc trà xanh ủ trong ấm tích. Thứ chè rừng này mới đầu nhấp có cảm giác ngai ngái nhưng chỉ uống một lần sẽ nhớ mãi vị ngọt mát của nó.

Rồi ông Nhị dẫn chúng tôi đi thăm cột mốc chỉ cách nơi ngồi uống nước hơn 10m, ngay giữa sân nhà ông. Cột mốc 67 (2) được dân nơi đây gọi là cột mốc đôi, bởi cột mốc 67 (1) ở phía bên kia dòng Nậm Cúm, trên địa phận Trung Quốc.

Ông Nhị kể: “Năm 1975, theo chủ trương giãn dân lên vùng biên giới lập bản, 30 hộ dân xã Ma Li Pho đã chuyển đến nơi ở mới, lập nên Hùng Pèng. Ngày trước, Hùng Pèng là những bãi đất nương, bà con dựng lán trông giữ hoa màu khi vào kỳ thu hoạch. Hồi đó, nhiều người chưa hiểu được việc bảo vệ đường biên, mốc giới nên khi đi rừng kiếm củi, săn bắn đã vô ý làm hư hại, bong tróc, ảnh hưởng đến cột mốc, thậm chí còn tự ý qua lại biên giới...”

Những năm 90, ông Nhị được bà con bầu làm trưởng bản. Ngày đó, đường qua lại biên giới còn thông thoáng, nhiều bà con vẫn tự động qua lại trao đổi, mua bán. Để người dân nắm được pháp lệnh biên giới, cứ tối đến, khi bà con đi nương về, ông Nhị lại đến từng nhà trò chuyện, tuyên truyền, giảng giải cặn kẽ từng nội dung theo quy định khu vực của biên giới.

(CĐ LAI CHÂU) Những "cột mốc sống" nơi biên ải Lai Châu 2
Người dân ở Phong Thổ, Lai Châu, nghiêm trang trước mốc giới phên dậu Tổ quốc .

 Trưởng bản Hùng Phèng, Lý Dâu Phùng kể lại, ngày trước, khi về nơi ở mới, nhiều người quen việc tự do vào rừng săn bắn, lấy gỗ. Giờ khác rồi, hộ nào muốn vào rừng lấy củi cũng phải tự giác báo với trưởng bản. Bà con đã coi việc bảo vệ biên cương là nhiệm vụ chung, ai cũng phải tham gia. 

"Khi làm trưởng bản, trong các cuộc họp, bác Nhị luôn nhắc nhở bà con rằng, cột mốc không chỉ đơn thuần là điểm đánh dấu, phân định ranh giới giữa các nước mà còn là hình ảnh quốc gia. Không chỉ BĐBP, mỗi người dân Hùng Pèng cũng phải có trách nhiệm bảo vệ đường biên, mốc giới. Đến hôm nay, bà con vẫn chưa khi nào quên lời bác Nhị” Trưởng bản Lý Dâu Phùng chia sẻ.

Đại tá Nguyễn Văn Hưng, Chính ủy Bộ đội Biên phòng Lai Châu cho biết: Phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và giữ an ninh trật tự ở các thôn bản xã biên giới, cũng như nhận thức về quốc gia, quốc giới của người dân ngày càng chuyển biến rõ rệt. Có được thành quả đó, một phần nhờ sự  trợ giúp đắc lực của những trưởng bản, Người uy tín hàng ngày trực tiếp bám, nắm tình hình an ninh biên giới. Họ chính là “tai, mắt” của lực lượng biên phòng trong công tác bảo vệ an ninh biên, là mốc giới sống” giữ biên cương.

Tin cùng chuyên mục
Huyện Văn Lãng (Lạng Sơn): Tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong nhà trường

Huyện Văn Lãng (Lạng Sơn): Tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong nhà trường

Ngày 4/12, Phòng Lao động, Thương binh, Xã hội - Dân tộc huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức Hội nghị truyền thông tuyên truyền “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (TH-HNCHT) trong vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2024 tại Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú, Trung học cơ sở xã Bắc La.