Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Những câu hỏi từ công tác giảm nghèo

PV - 11:22, 21/09/2018

Như chúng tôi đã thông tin, kết quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo vẫn đang là băn khoăn, trăn trở của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Mới đây, tại Phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá, trong hai năm qua giảm nghèo chưa bền vững, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi vẫn là địa bàn “lõi nghèo” của cả nước. Không chỉ thế, một thông tin được đưa ra tại phiên họp này cũng rất đáng quan tâm; đó là hiện nay nước ta vẫn còn trên 30 nghìn hộ người có công thuộc diện nghèo.

Bài 2: Số hộ người có công thuộc diện nghèo chiếm tỷ lệ cao: Vì sao?

Hơn 9 triệu lượt người có công được hưởng chính sách ưu đãi

Tôi còn nhớ như in những cảm xúc đầy xúc động của Đại tá, Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Nguyễn Thế Thao (Hà Nội) khi ông đại diện cho hàng triệu người có công với cách mạng phát biểu tại Lễ kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh Liệt sĩ tại Thủ đô Hà Nội năm 2017. Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Nguyễn Thế Thao đã bày tỏ lòng biết ơn với Đảng, Nhà nước, nhân dân, dù hoàn cảnh nào cũng đã, đang dành sự quan tâm, chăm sóc những gia đình chính sách, người có công với cách mạng để có cuộc sống tương đối đầy đủ về vật chất và tinh thần. Chính sự quan tâm đó đã tiếp thêm động lực để họ tiếp tục cống hiến cho xã hội.

Cần tăng cường công tác giảm nghèo đối với hộ người có công. Ảnh: tư liệu Cần tăng cường công tác giảm nghèo đối với hộ người có công. Ảnh: tư liệu

Chăm sóc, ưu đãi người có công với cách mạng là một chính sách lớn của Ðảng, Nhà nước, thể hiện sâu sắc đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam. Nhiều chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về ưu đãi đối với người có công đã được ban hành; đối tượng hưởng chính sách ưu đãi được mở rộng, các chế độ ưu đãi từng bước được bổ sung, hoàn thiện.

Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong những năm qua, hầu hết người có công đã được hưởng đúng, đầy đủ các chính sách ưu đãi của Nhà nước. Tính đến năm 2017, khoảng 97% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú; khoảng 96,5% xã, phường làm tốt công tác giải quyết chế độ, chính sách đối với thương binh, liệt sĩ và người có công…

Trên 30 nghìn hộ nghèo trên là cả nước là hộ người có công?

Rõ ràng, sự quan tâm, chăm lo của cả xã hội dành cho người có công là rất lớn. Báo cáo của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng chỉ rõ việc thực hiện chính sách cho người có công triển khai hiệu quả, đời sống của người có công được chăm lo tương đối tốt. Nhưng có “độ vênh” đáng suy ngẫm khi mới đây báo cáo của Ủy ban về Các vấn đề Xã hội của Quốc hội thẩm tra báo cáo của Chính phủ về kết quả 2 năm thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020 đã chỉ rõ tính chưa bền vững của công tác giảm nghèo khi hết năm 2017 cả nước còn tới 30.012 hộ người có công với cách mạng thuộc diện hộ nghèo, chiếm tới 1,8% hộ nghèo cả nước, trong đó tập trung tới 38% tại khu vực miền núi Đông Bắc.

Có thể đưa ra so sánh về các chế độ chính sách đối với người có công và chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn này. Tại Nghị định số 20/2015/NĐ-CP của Chính phủ Quy định mức chuẩn để xác định các mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng là 1.318.000 đồng. Đến Nghị định số 70/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức chuẩn để xác định các mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng là 1.417.000 đồng. Chính phủ vừa ban hành Nghị định 99/2018/NĐ-CP quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng. Theo đó, mức chuẩn để xác định các mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng được điều chỉnh là 1.515.000 đồng. Mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công đã được tăng dần theo thời gian.

Các Nghị định quy định rõ về mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi hằng tháng đối với người có công phần lớn trên 1 triệu đến gần 5 triệu đồng. Ngoài ra là trợ cấp ưu đãi hằng năm và trợ cấp ưu đãi một lần…

Trong khi đó, theo Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 thì chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn là hộ đáp ứng một trong hai tiêu chí: có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ đủ 700.000 đồng trở xuống; có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 700.000 đồng đến 1.000.000 đồng và thiếu hụt từ 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên. Đối với khu vực thành thị là hộ đáp ứng một trong hai tiêu chí: có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ đủ 900.000 đồng trở xuống; có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 900.000 đồng đến 1.300.000 đồng và thiếu hụt từ 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.

Có thể thấy, riêng tiêu chí về thu nhập thì việc trợ cấp hằng tháng với người có công phần lớn đã vượt chuẩn nghèo. Với sự chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của cả xã hội dành cho người có công, vấn đề đặt ra ở đây là tại sao số hộ nghèo người có công vẫn còn lớn đến vậy? Đây là vấn đề cần phải giải quyết ngay. Ngay cả Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại Phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng “giật mình” khi nhìn thấy con số này trong báo cáo.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã chỉ đạo quyết liệt: đến năm 2020 dồn tổng lực để người có công thoát nghèo. “Khi báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết cuối năm 2020, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội dứt khoát không thể báo cáo vẫn còn hộ người có công thuộc diện hộ nghèo”. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, trách nhiệm chăm lo, hỗ trợ người có công là của cả hệ thống chính trị, đặc biệt địa phương cần phát huy vai trò để người có công thoát nghèo, được hưởng cuộc sống tốt đẹp hơn.

Mặc dù đã nhận được rất nhiều sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước nhưng tại sao hộ người có công thuộc diện nghèo vẫn chiếm tỷ lệ cao. Câu hỏi này rất cần sự trả lời của các cơ quan chức năng.

THANH HUYỀN