Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Nguồn nước và sự phát triển vùng DTTS và miền núi: Thiếu nước, hồ chứa “hụt” công năng (Bài 3)

Sỹ Hào - CĐ - 16:23, 29/07/2021

Hệ thống hồ, đập có vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội, vừa cung cấp nước uống, nước tưới tiêu, tạo năng lượng thủy điện, đồng thời cắt lũ, giải hạn,… Tuy nhiên, dưới tác động của biến đổi khí hậu, nguồn nước không đều nền hệ thống “kho chứa nước” này chưa phát huy hết công năng, kèm theo đó là những hệ lụy về sinh kế cho người dân, nhất là ở khu vực miền núi.

Tình hình thiếu đói vẫn diễn ra ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid – 19 diễn biến phức tạp như hiện nay (Ảnh minh họa)
Tình hình thiếu đói vẫn diễn ra ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid – 19 diễn biến phức tạp như hiện nay (Ảnh minh họa)

Nguy cơ sông cạn, hồ kiệt

Hồ Ea Súp Thượng (huyện Ea Súp) là một trong những công trình thủy lợi quan trọng được đầu tư để “giải hạn” cho vùng khô nóng nhất của tỉnh Đắk Lắk. Công trình này được đưa vào vận hành tháng 4/2005; dung tích thiết kế (DTTK) đạt 146 triệu m3, bảo đảm cung cấp nước sinh hoạt cho hơn 20 nghìn hộ dân và tưới tiêu cho 9.500 ha tại huyện Ea Súp; tổng vốn đầu tư hơn 200 tỷ đồng (tại thời điểm công trình được phê duyệt năm 2001).

Còn nhớ, mùa mưa năm 2007, do mưa lớn kéo dài, nước trong hồ Ea Súp Thượng chạm ngưỡng cao trình đập là 217,58m. Sau đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cơ quan chủ quản của hồ Ea Súp Thượng) đã yêu cầu, năm 2008 chỉ cho phép hồ được tích nước ở mức 213,5m so với thiết kế.

Nhưng năm 2007 là một trong những lần hiếm hoi hồ Ea Sup Thượng có điều kiện để tích đủ nước theo đúng thiết kế. Những năm gần đây, hồ luôn thiếu nước trầm trọng; ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của hàng chục nghìn hộ dân ở vùng biên giới Ea Súp.

Mùa hạn thiếu nước, còn vào mùa mưa, các hồ chứa thường xuyên đối diện với sự cố khi lũ về. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ năm 2010 đến nay, cả nước đã xảy ra 70 sự cố đập, hồ chứa. Trong đó, năm 2017 xảy ra nhiều nhất với 23 sự cố, năm 2018 có 12 sự cố, năm 2019 có 11 sự cố. Gần đây nhất, ngày 28/5/2020, xảy ra sự cố vỡ hồ Đầm Thìn, Phú Thọ ảnh hưởng đến an toàn công trình và vùng hạ du.

Ngay giữa mùa mưa năm 2020, tại thời điểm cuối tháng 5, hồ Ea Súp Thượng chỉ tích được khoảng 13% nước so với dung tích thiết kế. Đến mùa mưa năm nay, ngay giữa tháng 7, mực nước của hồ Ea Súp Thượng cũng rất thấp.

Không chỉ hồ Ea Súp Thượng ở tỉnh Đắk Lắk mà hầu hết các hồ, đập thủy lợi trên địa bàn cả nước hiện đang thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng. Theo báo cáo công tác trực ban phòng chống thiên tai (PCTT) ngày 6/8/2021 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT (gọi tắt là Văn phòng thường trực PCTT), cả nước hiện có 6.750 hồ thủy lợi; mực nước các hồ ở mức thấp, dung tích trung bình đạt từ 22 - 72% DTTK.

Trong đó, khu vực Bắc bộ có tổng số 2.543 hồ, dung tích trung bình đạt 57% DTTK; Bắc Trung Bộ có tổng số 2.323 hồ, dung tích trung bình đạt từ 23 - 60% DTTK; Nam bộ có tổng số 121 hồ, dung tích trung bình đạt từ 44 - 45% DTTK; Tây Nguyên có tổng số 1.246 hồ, dung tích trung bình đạt từ 36 - 72% DTTK. Thấp nhất là khu vực Nam Trung Bộ (tổng số 517 hồ), dung tích trung bình chỉ đạt từ 22 - 48% DTTK.

Nguồn nước tại các hồ thủy lợi trên địa bàn cả nước ở mức thấp là do diễn biến nắng nóng kéo dài nhiều ngày, trên diện rộng. Riêng khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ, từ đầu tháng 8 đến ngày 7/8/2021, cả hai khu vực này có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35 - 38oC, có nơi trên 39oC.

Cũng thời gian này 1 năm trước, theo báo cáo nhanh ngày 6/8/2020 của Văn phòng thường trực PCTT, hầu hết các hồ thủy lợi ở khu vực Bắc Bộ cơ bản tích đủ nước so với DTTK. Còn các hồ ở Tây Nguyên đạt 40 - 70% DTTK; riêng khu vực Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ chỉ đạt khoảng 19 - 53% DTTK.

Điều này phù hợp với tình hình mưa tại thời điểm đó. Báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực PCTT cho thấy, từ đêm mồng 5 đến hết ngày 6/8/2020, các khu vực trên cả nước có mưa vừa, mưa to đến rất to; riêng khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có tổng lượng mưa phổ biến từ 100 - 200mm.

Tác động đến mục tiêu an sinh

Không chỉ hồ thủy lợi mà các hồ thủy điện trên cả nước cũng đang ở mức nước rất thấp so với cùng thời điểm này năm 2020. Theo báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực PCTT, tại thời điểm ngày 6/8/2021, các hồ chứa thủy điện trên hệ thống sông Hồng, mức nước đang ở mức thấp so với mực nước cho phép.

Hồ Vụ Bổn (huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk) ở mức nước chết giữa tháng 7/2021 (Ảnh TL)
Hồ Vụ Bổn (huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk) ở mức nước chết giữa tháng 7/2021 (Ảnh TL)

Đáng chú ý, đối với các lưu vực miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, mặc dù hiện có 5/10 lưu vực đang trong thời gian mùa lũ, nhưng lưu lượng về các hồ ở mức thấp, dao động từ 2 - 504m3/s. Hiện nay, dung tích các hồ đạt khoảng 30 - 70% DTTK. Còn tại thời điểm này năm ngoái, các hồ thủy điện hầu hết đều chỉ dưới mức cho phép; thậm chí có 57 hồ thủy điện đã phải xả tràn.

Hồ thủy điện không đủ nước kéo theo vùng hạ du các con sông hiện đang ở mức rất thấp so với cùng kỳ năm trước. Báo cáo của Văn phòng thường trực PCTT cho thấy, cách đây 1 năm, ngày 8/8/2020, mực nước trên sông Hồng tại Hà Nội là 4,00m; mực nước trên sông Thái Bình tại Phả Lại ở mức 2,30m.

Nhưng tại thời điểm sáng 7/8/2021, mực nước trên sông Hồng tại Hà Nội chỉ đạt 1,92m; sông Thái Bình tại Phả Lại là 0,55m. Đến sáng ngày 8/8/2021, mực nước tại Hà Nội cũng chỉ ở mức 2,05m; mực nước sông Thái Bình tại Phả Lại ở mức 1,45m.

Cùng với hạn hán, trong 6 tháng đầu năm 2021, nhiều loại hình thiên tai đã xảy ra ở vùng DTTS và miền núi. Theo Báo cáo số 1039/BC-UBDT, ngày 28/7/2021 của Ủy ban Dân tộc, 6 tháng đầu năm, toàn vùng xảy ra 17 trận động đất nhẹ, 32 trận mưa đá, dông lốc; 5 đợt không khí lạnh, trong đó có đợt rét đậm, rét hại diễn ra từ 7 – 13/1/2021; 4 trận mưa lớn, lũ cục bộ, trong đó có 1 trận lũ quét tại Lào Cai và 8 vụ sạt lở bờ sông.

Vào tháng 5, tháng 6 hằng năm là thời điểm quan trọng đối với năng suất của vụ lúa Hè Thu; đồng thời giữa tháng 7 là thời điểm gieo cấy vụ lúa Mùa. Đây là hai vụ lúa có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, góp phần ổn định xã hội, nâng cao đời sống người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Nhưng do hạn hán, thiếu nguồn nước tưới tiêu nên những năm gần đây, vụ lúa Hè Thu và vụ Mùa đang giảm dần cả về diện tích lẫn sản lượng. Như năm 2020, theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), diện tích vụ Hè Thu đã giảm 64,5 nghìn ha, kéo theo sản lượng giảm 205,4 nghìn tấn so với vụ lúa năm 2019.

Hạn hạn tuy chưa ảnh hưởng tới an ninh lương thực khi năng suất lúa đã được cải thiện nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, nhưng cũng làm cho cuộc chiến xóa đói giảm nghèo càng khó khăn hơn, nhất là ở vùng DTTS và miền núi. Đặc biệt, từ năm 2020 đến nay, dưới tác động của đại dịch Covid-19, tình hình thiếu đói đang tạo áp lực lên việc thực hiện mục tiêu an sinh xã hội ở vùng DTTS và miền núi.

Số liệu của Ủy ban Dân tộc đưa ra tại Phiên họp tham gia thẩm tra kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi của Hội đồng Dân tộc ngày 2/7/2021 cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, Bộ Tài chính đã xuất cấp 393 tấn gạo cho 8 tỉnh (Sơn La, Lạng Sơn, Lai Châu, Điện Biên, Gia Lai, Kon Tum, Quảng Nam, Quảng Bình) để cứu đói. Trước đó, 6 tháng đầu năm 2020, 18 tỉnh vùng DTTS và miền núi cũng đã được cấp hơn 13.488 tấn gạo cứu đói.

Dẫn chứng trên cho thấy, việc thiếu hụt nguồn nước đã và đang đe dọa đến sự phát triển bền vững của vùng đồng bào DTTS và miền núi nói riêng, của cả nước nói chung. Đồng thời cũng tạo áp lực lớn cho việc triển khai các chính sách đầu tư, hỗ trợ cho vùng đồng bào DTTS và miền núi trong thời gian tới.

Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dung này trong kỳ báo tiếp theo.