Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Thấy gì từ các công trình nước sinh hoạt tập trung ở Tây Nguyên? Hàng trăm công trình không hiệu quả (Bài 1)

Lê Hường - 12:08, 08/06/2021

Những năm qua, vùng nông thôn các tỉnh khu vực Tây Nguyên, từ nhiều nguồn vốn khác nhau, hàng trăm công trình cấp nước sinh hoạt tập trung được đầu tư, xây dựng; nhưng, hiện nay số công trình hoạt động hiệu quả, chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ. Thực trạng này, gây lãng phí ngân sách nhà nước, đồng thời đời sống sinh hoạt của người dân vẫn tiếp tục gặp khó khăn.

Công trình nước sạch ở xã Ea Pô bỏ hoang
Công trình nước sạch ở xã Ea Pô bỏ hoang


Nhiều công trình vừa đưa vào sử dụng đã ngưng hoạt động, nhiều công trình khác hư hỏng không được sử chữa dẫn đến bỏ hoang gây lãng phí… Trong khi đó, người dân vẫn phải sử dụng nguồn nước không đảm bảo để ăn uống, sinh hoạt. Đó là thực tế tồn tại lâu nay tại nhiều vùng nông thôn, miền núi của khu vực Tây Nguyên.

Dân vẫn “khát” bên những công trình nước sinh hoạt

Xã vùng sâu Ea Pô, huyện Cư Jút (Đắk Nông) thường xuyên bị hạn hán, thiếu nước sinh hoạt. Từ năm 2004 đến nay, xã đã được đầu tư 4 công trình cấp nước tập trung nằm ở các thôn Trung Sơn, Nam Tiến, Quyết Tâm và Bằng Sơn. Tuy nhiên, hiện 3/4 công trình đã ngưng hoạt động từ lâu, một công trình hoạt động cầm chừng trong khi hàng nghìn người dân không có nước hợp vệ sinh để sử dụng.

Minh chứng như năm 2004, Ea Pô được đầu tư xây dựng 2 công trình cấp nước tập trung thôn Quyết Tâm và Trung Sơn, với mục đích cung cấp nước hợp vệ sinh cho người dân 2 thôn. Nhưng mới chỉ vận hành thời gian ngắn, thì một số hạng mục bị hư hỏng rồi ngưng hoạt động từ đó. 

Sống gần công trình cấp nước tập trung, nhưng gia đình ông Đinh Văn Chanh, ở thôn Trung Sơn vẫn phải dùng nước giếng. Ông chia sẻ: “Hầu hết người dân ở đây đều có giếng khơi, giếng khoan nhưng mùa khô vẫn thiếu nước sinh hoạt. Khi có công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, bà con ai cũng mừng. Vậy nhưng, mới sử dụng được thời gian ngắn, công trình đã thành hoang phế”.

Theo ông Nông Văn Hoàn, Trưởng thôn Quyết Tâm, khi công trình ngưng hoạt động, người dân ở đây trở lại dùng nước giếng như trước. Các công trình bỏ hoang mười mấy năm, không còn khả năng phục hồi. "Giờ thì người dân cũng chẳng ai còn nhớ đến sự tồn tại của công trình cấp nước đó"....

Tương tự, năm 2012, người dân buôn Cư Kniêl, xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) vui mừng, khi được Nhà nước đầu tư xây dựng công trình nước sinh hoạt trị giá 700 triệu đồng. Sau khi hoàn thành, công trình được giao cho địa phương quản lý

Theo bà H’Yok Niê, Trưởng buôn Cư Kniêl, công trình vừa vận hành, người dân chưa được một ngày dùng nước, thì đã hư hỏng. Huyện đầu tư kinh phí 400 triệu sửa chữa, cuối cùng công trình vẫn bị bỏ hoang. Người dân tự khắc phục bằng cách vay mượn tiền khoan giếng lấy nước dùng, còn nước ăn uống thì mua nước tinh khiết đóng bình sử dụng. 

“Nhà mình vừa có giếng khoan vừa có giếng đào, nước dùng cũng đủ nhưng nước ở khu vực này nhiễm đá vôi, phèn nên chỉ dùng tắm rửa, giặt giũ, chứ ăn uống thì vẫn phải mua nước đóng bình về sử dụng”, bà H’Yok Niê buồn bực nói

Ông Lê Ngọc Tú, Phó Chủ tịch UBND xã Vụ Bổn cho biết: Cư Kniêl là buôn khó khăn nhất nhì xã, người dân ở đây không chỉ thiếu nước sản xuất, mà đang thiếu cả nước sinh hoạt. Buôn được đầu tư công trình nước sinh hoạt tập trung, nhưng lại vướng điện lưới không đủ tải trọng để vận hành, nên công trình không hoạt động được. Vừa qua, xã cũng đã kiến nghị điện lực nâng cấp tải trọng điện để vận hành công trình cung cấp nước cho bà con sử dụng.

Công trình nước sạch xã Vụ Bổn chưa từng sử dụng
Công trình nước sạch xã Vụ Bổn chưa từng sử dụng

Hàng trăm công trình ngưng hoạt động

Không riêng gì xã Ea Pô (Đăk Nông) và Vụ Bổn (Đắc Lăk), tại nhiều địa phương khác trên địa bàn khu vực Tây Nguyên, đa số các công trình cấp nước sinh hoạt cho người dân đã ngưng hoạt động từ nhiều năm qua.

Tại Quyết định phê duyệt kết quả Bộ chỉ số theo dõi - đánh giá nước sạch nông thôn tỉnh Đắk Lắk năm 2020 của UBND tỉnh Đắk Lắk cho thấy, toàn tỉnh có 207 công trình, trong đó 114 công trình được đầu tư hoàn chỉnh, thì có 8 công trình kém bền vững; và 46 công trình đã ngưng hoạt động.

Tương tự, tại tỉnh Đắk Nông, toàn tỉnh hiện có 250 công trình cấp nước tập trung nông thôn được xây dựng từ nhiều nguồn vốn chương trình 132, 134, 135; giảm nghèo bền vững; chương trình nước sạch quốc gia... Tuy, nhiên đến nay, chỉ 1/3 công trình cấp nước hoạt động.

Theo báo cáo của ngành chức năng tỉnh Đắk Nông, hiện chỉ có 79/250 công trình cấp nước tập trung đang hoạt động. Trong đó, có 45 công trình hoạt động hiệu quả, 21 công trình hoạt động ở mức trung bình và 13 công trình hoạt động kém hiệu quả, tương ứng với khoảng 9% số hộ dân trên địa bàn tỉnh được sử dụng nước từ các công trình cấp nước tập trung...

Từ thực tế cho thấy, tình trạng người dân nhiều nơi trên địa bàn Tây nguyên thiếu nước để sinh hoạt, đặc biệt là vào các tháng mùa khô…;trong khi đó, rất nhiều công trình nước tập trung được đầu tư xây dựng nhưng không hoạt động. Theo thời gian, các công trình này đang dần mục nát, hoen gỉ, gây lãng phí lớn cho ngân sách Nhà nước...

Câu hỏi đặt ra, đâu là nguyên nhân và ai là người chịu trách nhiệm? Báo Dân tộc và Phát triển sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này ở những kỳ báo sau.