Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Nguồn nước và sự phát triển vùng DTTS và miền núi: Thách thức trước biến đổi khí hậu (Bài 1)

Khánh Thi -CĐ - 11:03, 28/07/2021

Vùng đồng bào DTTS và miền núi thường xuyên đối mặt với các thiệt hại và rủi ro thiên tai liên quan đến nước, trong đó có các loại hình thiên tai đặc biệt nguy hiểm như: lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất, rét hại, mưa đá, sương mù, sương muối… Do biến đổi khí hậu, các rủi ro thiên tai liên quan đến nước sẽ ngày càng gia tăng, tác động bất lợi đến mọi mặt của hoạt động kinh tế, dân sinh. Đây là thách thức lớn cho sự phát triển bền vững của vùng DTTS và miền núi nói riêng, cả nước nói chung.

Nước sinh hoạt đang là nhu cầu bức thiết ở nhiều địa bàn vùng đồng bào DTTS và miền núi (Ảnh minh họa)
Nước sinh hoạt đang là nhu cầu bức thiết ở nhiều địa bàn vùng đồng bào DTTS và miền núi (Ảnh minh họa)

Lâu nay, nhiều địa bàn trên cả nước, chủ yếu thuộc vùng DTTS và miền núi, không cân đối được nguồn nước tại chỗ cho các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm đời sống dân sinh. Trong khi đó, nguồn lực đầu tư cho mục tiêu bảo đảm nguồn nước, nhất là nước sinh hoạt, không hề nhỏ.

Thách thức giải quyết nước sinh hoạt

Vàng Ma Chải là xã khó khăn của huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Trong nhiều cái khó của xã, thì tình trạng thiếu nước sinh hoạt là bức bách nhất; tập trung ở 2 bản Tả Phùng và Tả Ô, nơi sinh sống của gần 200 hộ dân, chủ yếu là đồng bào DTTS.

Do nằm trên núi cao, xa nguồn nước nên dù đã có nhiều chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ cấp nước sinh hoạt cho người nhưng đến nay, người dân ở 2 bản Tả Phùng và Tả Ô vẫn “khát”. Một năm có 12 tháng, thì người dân ở 2 bản này chỉ có nước sinh hoạt trong khoảng 3 tháng, ấy là vào mùa mưa.

Giai đoạn 2012 – 2020, thực hiện chính sách tại các Quyết định: 755/QĐ-TTg, 29/2013/QĐ-TTg, 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hàng trăm nghìn hộ đồng bào DTTS và hộ nghèo ở xã, thôn, bản ĐBKK đã được hỗ trợ nước sinh hoạt. Trong đó, đã xây dựng được 476 công trình nước sinh hoạt tập trung, hỗ trợ nước phân tán cho 249.251 hộ theo Quyết định 755/QĐ-TTg và Quyết định 29/2013/QĐ-TTg. Giai đoạn 2016 – 2020, thực hiện Quyết định 2085/QĐ-TTg, có 313.256 hộ có nhu cầu hỗ trợ; nhưng đến cuối năm 2020, vùng DTTS và miền núi vẫn còn 223.449 hộ thiếu nước sinh hoạt.

Theo ông Chẻo Lao U, Phó Chủ tịch UBND xã Vàng Ma Chải, trước đây, xã đầu tư đường ống dẫn nước từ bản Nhóm 1 về bản Tả Phùng, nhưng nước về không thường xuyên. Nước chỉ về một lượng rất nhỏ ở đầu bản, còn từ giữa bản đến cuối bản là không còn nước.

Ngoài xã Vàng Ma Chải, trên địa bàn huyện Phong Thổ còn có xã Mù Sang, cũng được đánh giá là địa bàn khó khăn về nước sinh hoạt. Mặc dù đã được đầu tư các công trình nước sinh hoạt, cả tập trung lẫn phân tán, nhưng tình trạng thiếu nước ngày càng trầm trọng hơn trước tác động của biến đổi khí hậu.

Được biết, năm 2020, xã Mù Sang đã được huyện Phong Thổ đầu tư dự án cấp nước sinh hoạt cho 5 bản (cấp téc, xây dựng hệ thống nước sạch bằng đồng hồ để điều tiết, duy trì lượng nước). Dù vậy, dự án vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu cần thiết của bà con; bởi từ tháng 3 – 5, nguồn nước trở nên khan hiếm.

Mới đây, tỉnh Lai Châu đã quyết định đầu tư công trình cấp nước tại xã Mù Sang (12,5 tỷ đồng) và xã Vàng Ma Chải (10,8 tỷ đồng) để cấp nước sinh hoạt cho hơn 800 hộ của 2 xã. 

Tuy nhiên, theo đánh giá của chính quyền địa phương, 2 công trình này, khi được đưa vào sử dụng trong thời gian tới cũng chỉ đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt tối thiểu của người dân.

Tình trạng thiếu nước sinh hoạt cũng xảy ra ở nhiều địa bàn thuộc vùng DTTS và miền núi. Theo báo cáo số 732/BC-UBDT ngày 10/6/2021 về “Tổng kết Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020” của Ủy ban Dân tộc, toàn vùng vẫn còn 223.449 hộ thiếu nước sinh hoạt. Còn nếu tính yếu tố thiếu nước sinh hoạt hợp vệ sinh, vùng DTTS và miền núi có khoảng 626.567 hộ; trong đó có 363.338 hộ là đồng bào DTTS.

Thách thức từ biến đổi khí hậu

Thực trạng thiếu nước sinh hoạt, là một rào cản cho sự phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi; đồng thời cũng là một thách thức không nhỏ trong kế hoạch bố trí ngân sách nhà nước để giải quyết nhu cầu bức thiết này cho người dân.

Bởi thực tế, những năm qua, hàng nghìn tỷ đồng từ ngân sách đã bố trí cho các chương trình, dự án để đầu tư, hỗ trợ nước sinh hoạt cho người dân vùng nông thôn, vùng đồng bào DTTS và miền núi. Nhưng “cơn khát” nước sinh hoạt vẫn còn dai dẳng, nhất là ở vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Thiếu nước sinh hoạt, nước sinh hoạt không hợp vệ sinh ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân vùng đồng bào DTTS, nhất là trẻ nhỏ
Thiếu nước sinh hoạt, nước sinh hoạt không hợp vệ sinh ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân vùng đồng bào DTTS, nhất là trẻ nhỏ

Theo dự thảo Đề án “An ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2045” của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuẩn bị trình Quốc hội hóa XV, cả nước hiện có 16.573 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung đã được đầu tư. Cùng với đó là 7.342 đập, hồ chứa thủy lợi, 291.013 km kênh mương các loại,… 

Vậy nhưng, tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh cuối năm 2020 mới đạt khoảng 88,5%. Đó là chưa kể số hộ còn thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, như ở hai xã Mù Sang, Vàng Ma Chải của huyện Phong Thổ đã nêu trên.

Vùng miền núi phía Bắc thường xảy ra các đợt khô hạn kéo dài và mưa tập trung với cường suất lớn dẫn đến lũ quét, lũ ống và sạt lở đất nguy hiểm. Do đó phải chú trọng đầu tư xây dựng các công trình và giải pháp tích trữ nước, cấp nước sinh hoạt cho các vùng sâu, vùng cao khan hiếm nước.

Ông Nguyễn Hoàng HiệpThứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Tại Phiên họp thẩm tra kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi do Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tổ chức ngày 6/7/2021, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải cho biết, thời gian qua, ngân sách nhà nước đã bố trí để hỗ trợ, giải quyết nước sinh hoạt cho hàng chục nghìn hộ đồng bào DTTS cư trú ở những địa bàn khó khăn về nguồn nước. Ngoài ra, các chương trình, dự án khác đã xây dựng và nâng cấp hơn 16.300 công trình nước sạch.

Tuy nhiên, chính sách về nước sạch sinh hoạt cần tiếp tục được thực hiện trong thời gian tới vì số hộ thiếu nước sinh hoạt vẫn còn tương đối lớn. Đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay, với tác động của biến đổi khí hậu, tình trạng sụt giảm nguồn nước đã được dự báo.

Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới, đến năm 2030, dưới tác động của biến đổi khí hậu và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, sẽ có 05 lưu vực sông lớn của Việt Nam phải đối mặt với mức độ căng thẳng về nước, 02 lưu vực rơi vào tình trạng căng thẳng nước trầm trọng. 

Bên cạnh đó, nguồn nước phân bố không đồng đều trong lãnh thổ dẫn đến tình trạng căng thẳng về nước theo mùa với sự bất cân đối giữa cung, cầu và có xu hướng gia tăng làm cho công tác điều phối, phân bổ nguồn nước rất khó khăn.

Trong khi đó, mặc dù có hệ thống sông suối dày đặc nhưng Việt Nam không phải là một quốc gia dồi dào về nước; hơn nữa nguồn nước phân bố không đều theo thời gian và không gian. Đáng chú ý, ở khu vực miền núi thường xuyên không có nguồn nước dự trữ, nhất là nguồn nước ngầm. Đây là một phần nguyên cớ dẫn đến các loại hình thiên tai đặc thù như lũ quét, sạt lở đất,… ở khu vực này.

Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dung này trong kỳ tiếp theo.