Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Nghị định mới về phòng chống thiên tai: “Nâng cấp” sự chủ động trong phòng chống thiên tai ở cơ sở

Khánh Thư- CĐ - 22:21, 23/07/2021

Ngày 6/7/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định 66/2021/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều (Nghị định 66). Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 20/8/2021, với những điểm mới nhằm tháo gỡ những khó khăn lâu nay trong công tác phòng, chống thiên tai (PCTT).

NĐ 66 quy định cụ thể chế độ, chính sách đối với lực lượng xung kích PCTT cấp xã. (Ảnh minh họa)
Nghị định 66 quy định cụ thể chế độ, chính sách đối với lực lượng xung kích PCTT cấp xã (Ảnh minh họa)

Gỡ vướng mắc

Tháng 2/2020, cũng như nhiều địa phương ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh Cà Mau bị xâm nhập mặn, hạn hán bủa vây. Hạn mặn khiến nguồn nước bị khô cạn, không chỉ ảnh hưởng tới sản xuất và sinh hoạt mà còn dẫn đến tình trạng sạt lở đất, sụt lún đất nghiêm trọng.

Trước tình hình đó, tỉnh Cà Mau cần phải công bố tình huống thiên tai để triển khai kịp thời, có hiệu quả các biện pháp ứng phó, phòng, chống và khắc phục hậu quả do hạn hán gây ra. Nhất là tỉnh phải chủ động phương án để huy động nguồn lực, khắc phục sự cố sạt lở, sụt lún trên các tuyến kênh rạch và đường giao thông trọng yếu.

Tuy nhiên, tỉnh không thể tự quyết việc công bố tình huống thiên tai sạt lở, sụt lún do hạn hán. Bởi cấp độ rủi ro thiên tai do sạt lở đất, sụt lún đất mới chỉ được quy định là do mưa lũ hoặc do dòng chảy; chưa quy định thiên tai sạt lở đất, sụt lún do hạn hán (Điều 12, Quyết định số 44/2014/QĐ-TTg ngày 15/8/2014 quy định chi tiết về cấp độ rủi ro thiên tai); nếu tỉnh Cà Mau công bố tình trạng sạt lở đất, sụt lún do hạn hán thì trái quy định.

Vì vậy, UBND tỉnh Cà Mau phải kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, cho ý kiến thống nhất để tỉnh Cà Mau được phép xử lý tình trạng sạt lở đất, sụt lún đất do hạn hán gây ra. Nhưng trong thời gian chờ hướng dẫn, tình trạng sạt lở, sụt lún diễn ra càng lúc càng nghiêm trọng. Tính đến tháng 6/2020, toàn tỉnh đã xảy ra hơn 1.160 vị trí sụt, lún, tổng chiều dài hơn 25,2 km.

Đây là một trong những vướng mắc về thẩm quyền và trình tự công bố tình huống về thiên tai, khiến các địa phương khó chủ động phương án PCTT trong từng trường hợp cụ thể. Nghị định 66 đã tháo gỡ vướng mắc này khi phân cấp thẩm quyền cho địa phương. Theo đó, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai xảy ra trên địa bàn cấp tỉnh thuộc phạm vi quản lý.

Theo Nghị định 66, “tình huống khẩn cấp thiên tai” được xác định là các tình huống thiên tai đã hoặc đang xảy ra gây ảnh hưởng hoặc có nguy cơ đe dọa trực tiếp đến an toàn tính mạng, sức khỏe, nhà ở của nhiều người dân và các công trình đê điều, hồ đập, công trình PCTT, công trình hạ tầng quan trọng đang sử dụng… Khi xảy ra tình huống khẩn cấp về thiên tai thì cần tổ chức triển khai ngay các biện pháp ứng phó khẩn cấp để kịp thời ngăn chặn hậu quả và khắc phục nhanh hậu quả.

Phân định rõ trách nhiệm

Theo ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT (hiện nay là Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT) – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục PCTT, khi phân cấp thẩm quyền công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai, sẽ quy định rõ trách nhiệm và tạo cơ chế chủ động ứng phó, xử lý với các tình huống thuộc thẩm quyền của từng cấp.

Ngoài ra, việc phân cấp sẽ làm rõ trách nhiệm của các cấp khi tình huống khẩn cấp về thiên tai xảy ra. Cụ thể như, Chủ tịch UBND cấp tỉnh công bố tình huống khẩn cấp theo thẩm quyền và tổ chức triển khai thực hiện các biện pháp ứng phó khẩn cấp, đồng thời có trách nhiệm công bố kết thúc tình huống khẩn cấp.

Việc phân cấp còn phù hợp với chủ trương dành sự chủ động cho chính quyền địa phương theo phương châm "4 tại chỗ", đặc biệt là trong việc huy động nguồn lực khắc phục hậu quả thiên tai. Lâu nay, việc chậm trễ trong khắc phục hậu quả thiên tai là một tồn tại, do vướng các quy định về thẩm quyền cũng như trình tự. Những vướng mắc trong khắc phục hậu quả thiên tai đã được tháo gỡ tại các Điều: 14,15,16,17,18,19 của Nghị định 66.

Việc phân cấp công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai sẽ giúp địa phương chủ động ứng phó. (Trong ảnh: Tình trạng sạt lở, sụt lún đường giao thông do hạn hán ở Cà Mau thường xuyên xảy ra)
Việc phân cấp công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai sẽ giúp địa phương chủ động ứng phó (Trong ảnh: Tình trạng sạt lở, sụt lún đường giao thông do hạn hán ở Cà Mau)

Một điểm nhấn đáng chú ý trong Nghị định 66 là việc cụ thể hóa chế độ, chính sách cho lực lượng xung kích PCTT cấp xã. Đây là lực lượng giữ vai trò nòng cốt để chủ động ứng phó với mọi tình huống ngay từ khi thiên tai xảy ra. Tuy nhiên, đại đa số thành viên của lực lượng xung kích PCTT cấp xã là kiêm nhiệm; cơ chế, chính sách không được quy định rõ ràng nên chưa phát huy hết vai trò của lực lượng này trong PCTT.

Khắc phục hạn chế này, Nghị định 66 đã dành một mục (Mục 7) trong Chương II để quy định về chế độ, chính sách đối với lực lượng xung kích PCTT cấp xã. Cùng với chế độ tiền công trợ cấp thì người tham gia lực lượng xung kích PCTT cấp xã còn được hưởng nhiều chính sách khác, như: Chế độ hỗ trợ khám chữa bệnh, trợ cấp tai nạn, trợ cấp tiền tuất,… Nguồn kinh phí thực hiện chế độ, chính sách cho lực lượng xung kích PCTT cấp xã được trích từ ngân sách nhà nước, Quỹ PCTT và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

Phải khẳng định, trước thực trạng biến đổi khí hậu diễn ra nhanh và phức tạp, yêu cầu phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai trong thời gian tới càng phải được chú trọng toàn diện hơn, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Nghị định 66 ra đời với rất nhiều điểm mới, khắc phục được cơ bản những tồn tại, hạn chế trong PCTT lâu nay chính là yếu tố tích cực để các cấp chính quyền và người dân chủ động hơn trong PCTT ở cơ sở.

Theo quy định tại Nghị định 66, lực lượng xung kích PCTT cấp xã bị thương hoặc hy sinh khi làm nhiệm vụ được hưởng chế độ, chính sách như thương binh, bị chết được công nhận liệt sỹ theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng. Ngoài ra, lực lượng xung kích PCTT xã là đối tượng ưu tiên khi đi xin việc làm.