Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Người Ơ Đu ở xứ Nghệ: Những tấm gương sáng ở Văng Môn (Bài 2)

Thanh Hải - 08:57, 23/10/2022

Bao năm qua, những người tiêu biểu, điển hình trong phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc, nỗ lực bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc… của người Ơ Đu là những tấm gương sáng để cộng đồng dân bản tin và làm theo.

Bò được người Ơ Đu nuôi theo hình thức bán chăn thả
Bò được người Ơ Đu nuôi theo hình thức bán chăn thả

“Người giàu” của bản

Trong số những hộ dân khấm khá, có của ăn của để ở vùng đất mới TĐC Văng Môn, có hộ ông Lo Văn Tiến, được bà con ví như một “cánh chim đầu đàn”. Phó Chủ tịch UBND xã Nga My Vi Thị Mùi, đã rất hào hứng khi nói về người đàn ông Ơ Đu này. Phó Chủ tịch xã kể say sưa: Hộ ông Tiến có nhiều trâu, bò, gà, lợn lắm. Vợ chồng ông chăn nuôi giỏi, trồng trọt giỏi và làm nghề mộc cũng giỏi.

Mới chỉ nghe thế, chúng tôi đã quá đỗi tò mò. Và rồi, khi gặp ông Tiến mới cảm nhận rõ những điều bà con và lãnh đạo địa phương nhận xét về ông.  Trong căn nhà gỗ còn thơm mùi sơn, vợ chồng ông Tiến vồn vã, vừa rót nước vừa kể, 2006 nhà ông chuyển về đây, theo diện TĐC nhường đất cho thủy điện Bản Vẽ. Về đây, đất sản xuất không có, nhiều đêm trằn trọc lo nghĩ lấy gì để ăn, để sống. Vậy là, ông bàn với vợ, trước mắt thử bắt tay vào chăn nuôi và phát huy nghề mộc mà mình biết.

Người Ơ Đu đã biết làm vườn, trồng rau quanh nhà
Người Ơ Đu đã biết làm vườn, trồng rau quanh nhà

Nhẩm tính gia tài của ông Tiến, hiện cũng đang sở hữu 20 con trâu bò, 4 con lợn, 100 con gà vịt, 5ha sắn. Cộng thêm thu nhập từ nghề mộc, mỗi năm ông bỏ túi 100 triệu đồng nhờ sự chăm chỉ, không trông chờ vào Nhà nước mà nỗ lực lao động sản xuất.

Đến vùng đất mới TĐC Văng Môn, ngoài chăn nuôi, nhiều hộ gia đình còn mở quán bán hàng tạp hóa phục vụ bà con quanh vùng. Trong số này, phải kể đến vợ chồng ông Lo Văn Tới và Lo Thị Nga. Tính đến nay, vợ chồng ông Tới đã có thâm niên chừng 20 năm hành nghề kinh doanh (bao gồm cả thời gian ở quê cũ). Trong căn nhà vừa ở vừa kinh doanh, vợ chồng ông Tới có vẻ rất bận rộn với những khách hàng.

Theo lời ông Tới, gia đình ông làm đủ nghề: nuôi 8 con bò, 11 con lợn. Ngoài ra, còn bán hàng tạp hóa các loại, thu mua hàng nông sản của bà con các bản lân cận và may trang phục của đồng bào dân tộc..., thu nhập cũng chừng 70 triệu mỗi năm, đủ để trang trải cuộc sống và chăm lo cho con cái thôi.

Nghề mộc không chỉ là bảo tồn nét văn hóa của dân tộc mà cũng đã giúp ông Lo Văn Tiến có thêm thu nhập
Nghề mộc đã giúp ông Lo Văn Tiến có thêm thu nhập

Trò chuyện cùng lãnh đạo xã Nga My, nghe vị lãnh đạo nữ trẻ tuổi kể về những người giàu ở bản còn nhắc đến ông Lo Văn Hùng, với việc sở hữu 7 con trâu bò, 3ha sắn và keo, 40 con gà vịt…và căn nhà mà anh Hùng đang ở mới được đầu tư khang trang, sạch đẹp. Hay hộ nhà ông Lo Xuân Tình cũng đang có 9 con trâu bò, 4 con dê, 3 con lợn mạ, 30 con gà… Phó Chủ tịch UBND xã Nga My Vi Thị Mùi không tiếc lời khi nói, vợ chồng anh Hùng, anh Tình siêng năng, chăm chỉ lắm.

Và những điển hình mới

Trước khi về bản Văng Môn, chúng tôi được Phó phòng Dân tộc huyện Tương Dương Lương Xuân Duy "lược trích” cụ thể về những tấm gương điển hình của người Ơ Đu. Đó là những Người có uy tín rất uy tín, là những hộ gia đình đã trở thành tấm gương về xây dựng mái ấm hạnh phúc, là những con người luôn đau đáu với việc bảo tồn nét văn hóa của dân tộc mình…

Trưởng bản Văng Môn Lương Thị Lan thăm mô hình chăn nuôi bò của Người có uy tín Lo Văn Cường
Trưởng bản Văng Môn Lương Thị Lan thăm mô hình chăn nuôi bò của Người có uy tín Lo Văn Cường

Như việc ông Lo Văn Cường,  không chỉ là Người có uy tín mà còn là thầy mo ở bản Văng Môn. Thấy có người lạ, ông Cường bỏ dở công việc cho bò ăn, vội đi vào nhà tiếp khách.

 Căn nhà của ông Cương đơn sơ, nhưng treo rất nhiều giấy khen mà ông được các cấp tặng thưởng. Không chỉ nói điều tốt, điều đúng để động viên bà con dân bản thực hiện tốt chủ trương cấp trên, ông Cường còn là người “làm được”. Bởi hiện nay gia đình ông cũng có đến 8 con bò, 9 con lợn, 40 con gà, hơn 1ha keo. Còn con cái của ông, học hành đến nơi đến chốn. Con đầu nay là Phó trạm Y tế xã Nga My, con thứ là Phó trưởng Công an xã Nhôn Mai (huyện Tương Dương).

Để duy trì tiếng nói và chữ viết Ơ Đu, ngoài bày dạy cho con trẻ, ông Cường đã thực hiện nghi lễ cúng bằng tiếng Ơ Đu, như nhắc nhở bà con dân bản chú ý bảo tồn chữ viết, tiếng nói của dân tộc. Ông Cường bảo: Người Ơ Đu có lễ đón tiếng sấm đầu năm mới. Đó là lễ lớn nhất của bà con. Tôi là thầy mo, được giao tổ chức lễ cúng. Năm nào, tôi cũng soạn lời và nói bằng tiếng Ơ Đu để hành lễ. Tự hào lắm.

Hộ ông Lo Văn Tới cũng khá lên nhờ mở cửa hàng tạp hóa
Hộ ông Lo Văn Tới cũng khá lên nhờ mở cửa hàng tạp hóa

Ở bản Văng Môn còn có một điều rất đáng nể. Cả hai hộ gia đình nhà Bí thư Chi bộ và Trưởng bản không chỉ là điển hình về kinh tế mà họ còn là điển hình về xây dựng gia đình hạnh phúc.

Bí thư Chi bộ Lo Xuân Tình cũng đang có 9 con trâu bò, 4 con dê, 3 con lợn mạ, 30 con gà… với cuộc sống khấm khá. Còn nhà Trưởng bản Lương Thị Lan, là “gia đình mẫu” ở bản làng vùng cao. Bản thân chị Lan tham gia tích cực nhiều tổ, hội tại bản; chồng là Trạm trưởng y tế xã Nga My; con đầu học trường nội trú THCS, con thứ 2 học trường tiểu học xã nhà. Gia đình chị thuộc diện khá giả và được các chị em trong bản noi theo để xây dựng gia đình hạnh phúc, no ấm.

Điều phấn khởi, tiếp nối tinh thần của cha mẹ đi trước, trong số những người trẻ ở bản Văng Môn, có bạn trẻ sinh năm 1995 Lo Thị Hằng, được nhắc đến rất nhiều. Là thế hệ trẻ người Ơ Đu, Hằng được học hành đầy đủ, không phải thất học như cha ông đi trước. Sau khi tốt nghiệp ngành kĩ sư nông nghiệp trường Đại học Vinh, Hằng về hoạt động tại thôn bản và đã được bầu là đại biểu Hội đồng nhân dân xã. Một nhân tố với cho sự học ở bản mới TĐC Nga My.

Cụ Vi Thị Dung, 75 tuổi giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống
Cụ Vi Thị Dung, 75 tuổi giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống

Nhiều người trẻ ở Văng Môn cũng đã là những quần chúng ưu tú, có nhận thức đúng đắn, tiến bộ; có ý chí và khát vọng, đã sớm được bồi dưỡng, kết nạp vào hàng ngũ của Đảng.

 Tính đến nay, bản đã có 20 đảng viên với hơn 50% là người trẻ. Năm 2021, bản Văng Môn đã kết nạp được 4 đảng viên, vượt chỉ tiêu kế hoạch 3 đảng viên, được Ban chấp hành đảng bộ huyện khen thưởng. Những đảng viên trẻ sẽ là những nòng cốt điển hình trong phát triển kinh tế, xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc và bản làng bình yên.

Trên con đường quanh bản Văng Môn, trong những mái nhà sàn, là những phụ nữ Ơ Đu miệt mài bên khung cửi, bên tấm váy sặc sỡ. Đó là những phần việc được họ thực hiện lúc rảnh rỗi, để có cho mình những tấm áo, tấm váy theo trang phục cổ truyền của dân tộc. Với nhiều người Ơ Đu, đó không chỉ là để phục vụ cho nhu cầu mặc hàng ngày mà còn là để bảo tồn nét văn hóa truyền thống.

Cụ Vi Thị Dung, 75 tuổi móm mém: Thói quen dệt vải vẫn được chúng tôi lưu giữ kể từ khi về Nga My. Chúng tôi cũng đã hướng dẫn bọn trẻ học dệt và thêu đấy. Phải cố giữ nghề truyền thống chớ.

Tin cùng chuyên mục
Chương trình MTQG 1719 góp phần giữ vững, nâng chất tiêu chí NTM ở vùng biên giới biển tỉnh Sóc Trăng

Chương trình MTQG 1719 góp phần giữ vững, nâng chất tiêu chí NTM ở vùng biên giới biển tỉnh Sóc Trăng

Thị xã Vĩnh Châu nằm ở khu vực ven biển tỉnh Sóc Trăng, có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống (chiếm hơn 70% dân số), trong đó dân tộc Khmer chiếm trên 53%. Những năm qua, triển khai thực hiện hiệu quả các dự án, nội dung Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719), diện mạo vùng nông thôn của thị xã đã đổi thay đáng kể, cuộc sống của đồng bào đã ấm no và đang ngày càng khởi sắc. Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư, hỗ trợ lồng ghép từ Chương trình góp phần giữ vững và nâng chất các tiêu chí nông thôn mới.