Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Người Ơ-đu ở Nghệ An: Tìm về bản Đửa (Bài 1)

Mạnh Cường – Hiếu Anh - 23:02, 18/06/2020

Gần đây, trên một số phương tiện truyền thông đại chúng có phản ánh, tỉnh Nghệ An đã “đưa nhầm” 231 người Ơ-đu ở bản Đửa, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương vào Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) các DTTS rất ít người giai đoạn 2016 - 2025, theo Quyết định 2086/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 (gọi tắt là Đề án 2086); Cơ quan An ninh điều tra - Công an tỉnh Nghệ An cũng đang vào cuộc làm rõ thông tin liên quan. Nhằm cung cấp thông tin một cách toàn diện, khách quan về vấn đề này, Báo Dân tộc và Phát triển khởi đăng loạt bài “Người Ơ-đu ở Nghệ An” phục vụ bạn đọc.


Cuộc sống ở bản Đửa hiện đang rất khó khăn
Cuộc sống ở bản Đửa hiện đang rất khó khăn

Bản Đửa từng có người Ơ-đu sinh sống

Ngày 16/6, phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đã về bản Đửa, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An. Trực tiếp trao đổi với phóng viên có ông Kha Văn Ma, sinh năm 1941, một trong những người cao tuổi nhất ở bản Đửa; ông Vy Xuân Đồng, sinh năm 1947, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Lượng Minh; ông Vy Văn Dần, Trưởng bản Đửa và ông Trần Mạnh Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Lượng Minh.

Tại buổi làm việc, ông Kha Văn Ma và ông Vy Xuân Đồng khẳng định, ở bản Đửa (trước đây có tên gọi là bản Đáo) trước năm 1928 từng có người Tày Hạt (một tên gọi khác của người Ơ-đu) sinh sống cùng với các hộ người Tày Poọng (một nhóm địa phương của dân tộc Thổ). Tuy nhiên, năm 1928, bản Đáo gặp phải một trận đại dịch chết không còn một ai. 

Sau đó, bản này gần như bị bỏ hoang. Đến năm 1954, một số đồng bào dân tộc Thái, Khơ-mú, Tày Hạt tới sinh sống và lập lên bản Đửa như ngày nay, trong đó có một nhóm gia đình người Tày Hạt như gia đình ông Hoàng Bấc và một số hộ khác. Nhưng sau đó, nhóm người Tày Hạt này cũng chuyển đi nơi khác. 

Ở góc độ quản lý nhà nước, ông Trần Mạnh Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Lượng Minh cho biết, theo thống kê của tư pháp xã, hiện nay trên địa bàn vẫn có một số hộ dân tộc Ơ-đu sinh sống. Ví dụ ở bản Minh Thành có 1 hộ, bản Côi có 3 hộ và bản Sốp Cháo có 2 hộ. 

Còn theo Niên giám thống kê của huyện Tương Dương năm 2017, từ năm 2014 tới thời điểm thống kê, xã Lượng Minh có người Ơ-đu sinh sống. Điều này đã được ông Lô Thanh Nhất, Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương, khẳng định khi trao đổi với phóng viên. 

Ông Nhất cũng chia sẻ thêm, việc thống kê người Ơ-đu trên địa bàn từ trước đến nay gặp rất nhiều khó khăn, do tâm lý tộc người. Khi thì họ nhận là người Ơ-đu, khi thì họ lại khai là người Thái, người Khơ-mú… khiến cho số liệu thống kê người Ơ-đu trên địa bàn thường xuyên biến động. 

Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An đã đề xuất và UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 3869/QĐ-UBND, đưa bản Đửa ra khỏi Đề án 2086
Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An đã đề xuất và UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 3869/QĐ-UBND, đưa bản Đửa ra khỏi Đề án 2086

Chưa triển khai Đề án 2086 ở bản Đửa

Ngày 31/10/2016, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án 2086; tỉnh Nghệ An có đồng bào Ơ-đu là một trong những dân tộc rất ít người của nước ta được thụ hưởng. Theo ông Lương Thanh Hải, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An, ngày 22/8/2017, Ban Dân tộc tỉnh chủ trì phối hợp các sở, ban, ngành của tỉnh và UBND huyện Tương Dương xây dựng và trình UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển KT-XH cho dân tộc Ơ-đu tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2016 - 2025, tại Quyết định số 3829/QĐ-UBND của UBND tỉnh Nghệ An.

Theo đó, Đề án hỗ trợ sẽ được triển khai tập trung tại bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương, nơi có đông dân tộc Ơ-đu và các bản khác có dân tộc Ơ-đu sinh sống thuộc huyện Tương Dương. Về đầu tư theo quy mô bản làng, Đề án tập trung vào 2 bản có dân tộc Ơ-đu sinh sống tập trung là bản Văng Môn (xã Nga My) và bản Đửa (xã Lượng Minh).

Nhưng do vốn thực hiện Đề án 2086 Trung ương chưa bố trí được, nên Đề án hỗ trợ dân tộc Ơ-đu của tỉnh Nghệ An cũng chưa triển khai. Đến ngày 6/11/2018, Nghệ An mới được cấp 18,812 tỷ đồng vốn sự nghiệp để thực hiện. Nhưng đây là thời điểm cuối năm, không kịp triển khai, nên nguồn vốn này được chuyển sang thực hiện trong năm 2019. Đồng thời năm 2019, Nghệ An được cấp thêm 9,369 tỷ đồng vốn sự nghiệp để bắt tay vào thực hiện Đề án 2086.

Trước khi triển khai Đề án 2086, để bảo đảm đúng đối tượng, địa bàn được thụ hưởng chính sách, Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An đã phối hợp với UBND huyện Tương Dương tiến hành rà soát lại đối tượng thụ hưởng. Kết quả cho thấy, dân tộc Ơ-đu ở bản Đửa, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương đã không còn cư trú như kết quả khảo sát ban đầu (do di chuyển nơi sống, do khai lại thành phần dân tộc…). 

Vì vậy, Ban Dân tộc đã có Văn bản số 577/BDT-CSDT, ngày 26/9/2019 trình UBND tỉnh Nghệ An, tham mưu đưa bản Đửa ra khỏi diện hỗ trợ của Đề án 2086. Đề xuất này đã được UBND tỉnh Nghệ An chấp thuận tại Quyết định số 3869/QĐ-UBND, ngày 30/9/2019.

Như vậy, có thể khẳng định, bản Đửa, xã Lượng Minh từng là nơi sinh sống của đồng bào Ơ-đu, 1 trong 5 dân tộc có dân số dưới 1.000 người của nước ta. Nhưng vì nhiều nguyên nhân, trong đó có những rào cản trong tâm lý tộc người, nên số liệu thống kê thường xuyên biến động, ngay cả chính quyền cơ sở cũng khó nắm bắt. Vấn đề này, Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh cụ thể trong các số báo tiếp theo.