Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Người Ơ-đu ở Nghệ An: Nẻo về nguồn cội (Bài 2)

Mạnh Cường - Hiếu Anh - 09:44, 24/06/2020

Trong số báo 1632, ra ngày 19/6, Báo Dân tộc và Phát triển đã phản ánh ở bản Đửa, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương (Nghệ An) từng có người Ơ-đu sinh sống. Tuy nhiên, số lượng thống kê người Ơ-đu ở địa phương này thường xuyên biến động. Điều này xuất phát từ lịch sử của tộc người dẫn đến các rào cản tâm lý trong việc xác nhận lại dân tộc gốc.

Người Ơ-đu thường sống xen kẽ trong cộng đồng người Thái, hoặc Khơ-mú (Ảnh chụp tại xã Lượng minh, huyện Tương Dương, Nghệ An)
Người Ơ-đu thường sống xen kẽ trong cộng đồng người Thái, hoặc Khơ-mú (Ảnh chụp tại xã Lượng minh, huyện Tương Dương, Nghệ An)


Lịch sử của tộc người

Trong cuốn “Địa chí huyện Tương Dương” (Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc, xuất bản năm 2012) của cố PGS. Ninh Viết Giao (được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác lập “Người có nhiều công trình nghiên cứu nhất về văn hóa dân gian xứ Nghệ”) ghi lại, xưa kia người Ơ-đu khá đông đúc. Họ có cả ở Việt Nam và Lào. Người Ơ-đu làm ruộng rẫy để sinh sống, lại có thêm nghề đãi cát lấy vàng, đánh cá buôn bán dọc sông suối, nên đời sống kinh tế khá sung túc, xã hội phát triển đến trình độ cao. 

Thế rồi những năm đầu thế kỷ trước, người Ơ-đu bị dồn tới các vùng đất hẻo lánh, hoang vu. Trong cộng đồng người Ơ-đu xưa vẫn còn lưu lại câu chuyện, họ bị dồn vào nơi hẻo lánh không phải là do thế lực yếu, mà do quá thật thà. Chuyện kể rằng, khi các làn sóng di cư của một số dân tộc khác tới vùng đất của người Ơ-đu, họ đã chống trả quyết liệt. Hai bên tranh giành đất sống qua một thời gian dài, bất phân thắng bại. Cuối cùng, các bên giáo ước với nhau là bắn 3 phát tên vào lèn đá. Nếu tên cắm được vào đá thì được xem là bắn trúng và được cư trú dọc sông suối. Nếu tên bắn không trúng, không cắm vào đá thì phải ở trong xó núi. Nỏ của người Ơ-đu thật tốt, nỏ bằng sắt, tên bằng đồng, bắn liền 3 phát trúng vào lèn đá, nhưng tên không cắm nên bị coi là bắn trượt. Phía bên kia làm nỏ nhỏ hơn, tên bằng tre, mũi tên có gắn 1 chất nhựa. Mũi tên bắn ra cả 3 đều trúng vào lèn đá. 

Người Ơ-đu thua cuộc phải vào ở trong các nơi hẻo khuất lưu vực sông Nậm Mộ, Nậm Nơn, Hội Nguyên… Không phục nên người Ơ-đu tìm kế trả thù. Họ mật hẹn với nhau, vào một đêm tối trời, mỗi người một gậy, một đuốc đến bản Xằng ở Mỹ Lý (huyện Kỳ Sơn ngày nay) để bất ngờ giành lại đất. Tuy nhiên, phía những người thắng cuộc biết được âm mưu đó nên mời người Ơ-đu vào bản chuốc rượu cho thật say rồi khiêng ra thuyền, bơi thuyền về bản Xốp Tam, một trung tâm của người Ơ-đu lúc bấy giờ. Mờ sáng, khi tỉnh dậy, tù trưởng người Ơ-đu còn chếnh choáng hơi men đã hô hào mọi người xông vào đốt, giết. Khi trời sáng rõ, họ mới hay là đã đốt bản mình, giết người của mình. Quá buồn nên người Ơ-đu bỏ vào Khe Com thuộc xã Kim Đa, huyện Tương Dương. 

Rào cản tâm lý

Cũng theo cố PGS. Ninh Viết Giao, từ Kim Đa, người Ơ-đu di cư lẻ tẻ và sống xen kẽ với dân tộc Thái, Khơ-mú ở xã như Mai Sơn, Luân Mai, Nhôn Mai, Yên Na, Yên Hòa, Xá Lượng… Có một thời, dân tộc này bị gọi là Tày Hạt. Theo ngôn ngữ Thái, Tày Hạt nghĩa là đói rách (Tày là người; Hạt là đứt). 

Cũng chính vì lịch sử đã tạo lên rào cản tâm lý trong cộng đồng người Ơ-đu. Mặc dù trong sâu thẳm, họ rất ý thức về tộc người, vẫn luôn mong muốn nhận là người Ơ-đu. Thế nhưng, để tránh nguy cơ bị diệt vong, trước đây một bộ phận người Ơ-đu đã phải bỏ tiếng nói, tên gọi, phong tục, tập quán của mình, sống đan xen và nhận mình là người Thái, Khơ-mú.

Điều này khiến cho con số thống kê về người Ơ-đu thường xuyên có sự thay đổi. Theo thống kê sớm nhất của Albert Louppe (người Pháp), năm 1934, có 34 người Ơ-đu ở Tương Dương. Theo điều tra dân số năm 1982, dân số Ơ-đu có 240 người. Đến 31/12/1999, dân số người Ơ-đu là 386 người. Còn theo Niên giám thống kê của huyện Tương Dương, năm 2014, trên địa bàn có 855 người Ơ-đu; năm 2015 con số này là 395, năm 2016 là 416 và 2017 là 347 người. 

Từ năm 2004, sau khi di dời người dân trong vùng lòng hồ thủy điện Bản Vẽ, đồng bào dân tộc Ơ-đu được đưa về định cư tập trung tại bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương (Nghệ An) với 103 hộ, 445 nhân khẩu. Ngoài ra, một số hộ đồng bào Ơ-đu đã được xác định sống rải rác ở các xã: Lượng Minh, Thạch Giám (huyện Tương Dương), xã Thanh Sơn (huyện Thanh Chương). 

Tuy nhiên, theo ông Vy Mỹ Sơn, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An, một trong những người trực tiếp khảo sát người Ơ-đu ở Nghệ An, việc xác định thành phần dân tộc người Ơ-đu trên thực tế gặp rất nhiều khó khăn. Do rào cản tâm lý, khi thì họ nhận mình là người Ơ-đu, khi thì họ nhận mình là người Thái, Khơ-mú.

Ngày 27/5/2020, Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An đã có Công văn số 259/BDT-CSDT gửi UBND huyện Tương Dương cũng như một số xã trong huyện về việc hướng dẫn, giúp đỡ đồng bào Ơ-đu xác định lại thành phần dân tộc. Việc giúp đỡ, hỗ trợ đồng bào Ơ-đu nhận lại nguồn cội là cơ sở quan trọng để thực hiện có hiệu quả các chính sách đầu tư phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS rất ít người ở tỉnh Nghệ An. 

Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dung này trong số báo tiếp theo.