Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Chương trình 1719

Người có uy tín phát huy vai trò trong thực hiện các chương trình MTQG ở Con Cuông

An Yên - 17:42, 18/10/2024

Thực hiện các chương trình MTQG, huyện Con Cuông (Nghệ An) đã có nhiều cách làm hiệu quả. Một trong những giải pháp ấy, chính là khơi dậy được vai trò tiên phong, gương mẫu, dẫn dắt của đội ngũ Người có uy tín trong việc tuyên truyền, vận động và huy động sức mạnh đoàn kết, ý chí, quyết tâm của người dân trên địa bàn.

Những trục đường nội thôn, bản ở xã Bồng Khê đã rộng mở hơn, sạch đẹp hơn nhờ vào quá trình tuyên truyền, vận động của đội ngũ người có uy tín, già làng, trưởng bản và các cấp chính quyền địa phương
Những trục đường nội thôn, bản ở xã Bồng Khê đã rộng mở hơn, sạch đẹp hơn nhờ quá trình tuyên truyền, vận động của đội ngũ Người có uy tín, già làng, trưởng bản ở địa phương

“Trung tâm” của những phong trào

“Huyện Con Cuông có 100 Người có uy tín. Đó là những hạt nhân tích cực, là “trung tâm”, khơi gợi, định hướng, tập hợp các phong trào thi đua, các cuộc vận động, trong đó có việc vận động Nhân dân phát huy sức mạnh đại đoàn kết để thiết kế và thực hiện thành công các chương trình MTQG”, Trưởng phòng Dân tộc huyện Con Cuông Lương Viết Tùng chia sẻ.

Thực tế cho thấy, những năm qua, triển khai các chương trình MTQG, đội ngũ Người có uy tín ở Con Cuông đã được tập huấn và cung cấp đầy đủ thông tin, ý nghĩa của các chương trình. Sau các buổi tập huấn và cung cấp thông tin, chính đội ngũ Người có uy tín trở thành những “sứ giả” chuyển tải những thông điệp của các chương trình MTQG đến với đồng bào một cách toàn diện.

Dẫn chứng từ việc triển khai Dự án 6 của Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 về bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, Trưởng bản Chòm Muộng, xã Mậu Đức Ngân Văn Hợi cho biết: Từ khi thực hiện Dự án, trong các cuộc họp thôn, bản, tôi luôn dành thời gian để tuyên truyền, nêu cao ý thức gìn giữ, bảo tồn các nét đẹp văn hóa của dân tộc. Tôi đã từng nói với mọi người rằng, phải xem việc gìn giữ, bảo vệ bản sắc văn hóa như chính bảo vệ, gìn giữ cơ thể mình thì mới có hiệu quả.

Ông Hợi kể thêm, người bà, người mẹ thì dạy cho con gái, cháu gái mình cách dệt những chiếc váy, chiếc khăn thổ cẩm đẹp. Đàn ông thì bày dạy cho con trai cách trồng cây gây rừng, cách dựng nhà sàn truyền thống. Nhờ thế, Chòm Muộng vẫn lưu giữ đầy đủ những truyền thống tốt đẹp truyền đời. Những phong tục tập quán lạc hậu dần bị loại trừ khỏi đời sống cộng đồng.

Trong thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, Người có uy tín, già làng, trưởng bản cũng là những người đi đầu trên mặt trận tuyên truyền, vận động, giải thích để người dân hiểu. Trưởng thôn Thành Nam, xã Bồng Khê Võ Đức Đạo tâm sự: Thôn có 153 hộ, 614 khẩu, chia làm 3 khối và 5 cụm dân cư. Trước đây, hệ thống giao thông chưa đồng bộ, chủ yếu là những con đường hẹp 2m với nhiều khúc cua nhỏ và khuất. Nhờ “khéo” công tác dân vận, nay người dân đồng lòng hiến đất, phá vỡ tường bao, xây mương, xây kè, mở rộng đường lên từ 3-5m, nới rộng các góc cua, ngã ba, ngã tư thông thoáng, sạch đẹp.

Trưởng bản Chòm Muộng xã Mậu Đức Ngân Văn Hợi (phải) chia sẻ về việc vận động nhân dân thực hiện gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa thông qua triển khai chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025
Ông Ngân Văn Hợi (phải), Trưởng bản Chòm Muộng, xã Mậu Đức chia sẻ về việc vận động Nhân dân thực hiện hiệu quả Dự án 6, Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025

Từ thực tiễn, các chương trình MTQG triển khai đồng bộ trên địa bàn huyện Con Cuông đang mang lại những hiệu quả thiết thực. Điều thấy rõ nhất, hiệu quả từ các công trình, dự án được triển khai đã mang lại đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày một nâng lên, bộ mặt bản làng thêm khang trang, sạch đẹp…. Theo báo cáo của địa phương, giá trị gia tăng bình quân đầu người năm 2023 đạt 41,2 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2023 chỉ còn 16,88%; toàn huyện có 100% thôn xóm có nhà văn hóa đạt chuẩn và 97,5% hộ dân vùng đồng bào DTTS &MN được sử dụng điện lưới quốc gia…

Trưởng phòng Dân tộc huyện Con Cuông Lương Viết Tùng nói thêm: Cũng chính vì tập hợp được sức mạnh của toàn dân nên việc thực hiện các chương trình MTQG đạt kết quả tốt, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thụ hưởng của Nhân dân. Đó là cơ sở, là điều kiện để nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Nói đi đôi với làm

Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc phát huy vai trò nêu gương, rất nhiều Người có uy tín đã gương mẫu đi đầu trong thực hiện các phong trào hoạt động ở địa phương. Một trong những cá nhân tiêu biểu của việc nói đi đôi với làm là ông Hà Văn Cảnh, Trưởng bản Tân Sơn, xã Môn Sơn. Trong cuộc sống, ông Cảnh đã gương mẫu đi đầu trong phát triển kinh tế, như khôi phục phát triển nghề mây tre đan, chăm sóc vườn rừng, chăn nuôi, đào ao thả cá, trồng trọt các loại cây cho năng suất cao như dưa chuột, ngô, các giống lúa lai. Ông không ngại ngần "cầm tay, chỉ việc" cho người dân khai khẩn đất hoang, xây dựng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả để hưởng ứng Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững mà các cấp đang thực hiện.

Từ những điều ấy, 5 năm qua, tỷ lệ hộ nghèo của bản Tân Sơn đã giảm từ hơn 95% xuống còn 20%. Các mô hình kinh tế xóa đói giảm nghèo được duy trì bền vững, đảm bảo an ninh chính trị, an ninh biên giới.

Trưởng bản Tân Sơn xã Môn Sơn Hà Văn Cảnh đi đầu trong phát triển kinh tế gia đình đồng thời vận động nhân dân thực hiện các mô hình kinh tế để xóa đói giảm nghèo
Để bà con làm theo, Trưởng bản Tân Sơn, xã Môn Sơn Hà Văn Cảnh đã nêu gương đi đầu trong phát triển kinh tế gia đình, đồng thời vận động Nhân dân thực hiện để xóa đói giảm nghèo

Thời gian qua, Người có uy tín trong đồng bào DTTS đã và đang tích cực thể hiện tinh thần trách nhiệm với Đảng, Nhà nước và cộng đồng, gắn bó với cuộc sống hằng ngày của đồng bào DTTS. Câu chuyện của những Người có uy tín, già làng, trưởng bản tiên phong trong các phong trào, hoạt động ở địa phương, dường như đã trở thành ý thức tự giác với tinh thần trách nhiệm cao nhất.

Tuy nhiên, để Người có uy tín, già làng, trưởng bản yên tâm hơn với công việc “vác tù và hàng tổng” ở thôn bản, thì những chính sách của Đảng và Nhà nước đã được thực hiện rất kịp thời và đầy đủ.

“Việc thực hiện chính sách và phát huy vai trò Người có uy tín trong đồng bào DTTS được cấp ủy đảng, chính quyền các cấp ở Con Cuông tích cực thực hiện. Từ đó, đã phát huy hiệu quả công tác vận động, tập hợp Người có uy tín, xây dựng được lực lượng nòng cốt vùng có đông đồng bào DTTS. Với vai trò, trách nhiệm của mình, Người có uy tín thật sự là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với đồng bào DTTS, là điểm tựa của cộng đồng dân cư”, ông Lương Viết Tùng,Trưởng phòng Dân tộc huyện Con Cuông khẳng định.

Có thể nói, bằng uy tín, kinh nghiệm của mình, những năm gần đây, đội ngũ Người có uy tín, già làng, trưởng bản trong đồng bào DTTS Con Cuông đã có nhiều đóng góp thiết thực, cụ thể trên các mặt công tác. Những đóng góp ấy, đã và đang góp phần quan trọng vào việc thực hiện các chương trình MTQG trên địa bàn, để hiệu quả từ các chương trình MTQG sẽ là bàn đạp để xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân vùng miền núi./.

Tin cùng chuyên mục
Huyện Văn Lãng (Lạng Sơn): Tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong nhà trường

Huyện Văn Lãng (Lạng Sơn): Tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong nhà trường

Ngày 4/12, Phòng Lao động, Thương binh, Xã hội - Dân tộc huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức Hội nghị truyền thông tuyên truyền “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (TH-HNCHT) trong vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2024 tại Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú, Trung học cơ sở xã Bắc La.