Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Ngọn lửa trong nhà Nghệ nhân A Thui

Thùy Dung - 20:57, 13/02/2021

Nghệ nhân Ưu tú A Thui nói rằng, bao năm qua, vợ chồng ông được nuôi dưỡng từ tiếng chiêng, điệu xoang uyển chuyển và hương men rượu cần nồng nàn của lũ làng; bên mái nhà rông ở thôn Kon Trang Long Loi. Vì vậy, văn hóa người Rơ Ngao (nhánh dân tộc Ba Na ) đã hòa vào dòng máu, chảy trong huyết quản; để văn hóa Rơ Ngao bị mai một đi là có tội với làng…

Nhờ được Nghệ nhân A Thui kiên trì truyền dạy, đội chiêng nhí của thôn Kon Trang Long Loi đã được mời đi biểu diễn tại nhiều địa phương
Nhờ được Nghệ nhân A Thui kiên trì truyền dạy, đội chiêng nhí của thôn Kon Trang Long Loi đã được mời đi biểu diễn tại nhiều địa phương

Duyên nợ với cồng chiêng

Giáp Tết, chúng tôi tìm về thăm nhà của Nghệ nhân Ưu tú A Thui và Y Nhuih. Trong căn nhà sàn truyền thống ở thôn Kon Trang Long Loi thị trấn Đăk Hà (Kon Tum) vợ chồng nghệ nhân A Thui tận dụng tối đa không gian để trang trí nghệ thuật. Phía góc nhà bên phải, ông A Thui tỉ mỉ, làm từng cái móc để treo bộ cồng chiêng của gia đình. Bên cạnh là cây đàn đinh pút, t’rưng. Phía trên cao là những bằng khen, giấy khen của các cấp, ngành trao tặng. Phía góc trái là bếp lửa, gác bếp và vài ché rượu cần.

Mời chúng tôi thưởng thức chút rượu cần, để xua đi cái lạnh cuối năm của của núi rừng Tây Nguyên, nghệ nhân A Thui đưa chúng tôi ngược miền ký ức, về thôn Kon Trang Long Loi năm xưa: “Những đứa trẻ ở làng như chúng tôi đều lớn lên với những ngày lễ hội kéo dài bên mái nhà rông, chìm đắm trong tiếng chinh chiêng, điệu xoang uyển chuyển của các cô gái ở bản. Tôi nhìn người làng chơi chiêng, múa xoang mà mê lắm, khi ấy tôi chỉ muốn lên cầm chiêng để đánh, để hòa vào thứ âm nhạc xao xuyến ấy!”.

Từ niềm đam mê với tiếng chiêng, A Thui tìm đến các già làng học đánh. A Thui chẳng nhớ mình đã thuộc lòng bao nhiêu bài chiêng nữa, chỉ biết rằng, cứ nhắc đến bài chiêng cổ nào của người Rơ Ngao, là ông đều thuộc và chơi được hết. Nhiều lần lui tới các ngày hội hè trong làng mà A Thui đã nên duyên với Y Nhuih- một thiếu nữ xinh đẹp có tài hát giao duyên, múa xoang đẹp nhất ở thôn Kon Trang Long Loi.

Bà Y Nhuih kể, “ngày xưa, tôi phải lòng ông A Thui vì ông có tài hát hay, đánh chiêng giỏi, vẽ đẹp,… Ông ấy chinh phục tôi bằng tình yêu văn hóa truyền thống, bởi vì ông ấy biết tôi cũng rất yêu nó”.

Khi kể về gia đình mình, vợ chồng Nghệ nhân A Thui rất tự hào. Ông bà có 6 người con thì 5 đứa biết đánh cồng chiêng và múa xoang. Năm 2015, biết cha “say” chiêng nên cô con gái Y Ga đã đi tìm mua tặng cha 1 bộ cồng chiêng. Bộ chiêng này được ông A Thui cẩn thận treo trong góc nhà.

Mải nghe kể chuyện, lúc này màn đêm đã buông xuống, ông A Thui mang cây đàn t’rưng ra để gẩy cho chúng tôi nghe một chút giai điệu của núi rừng Tây Nguyên. Hình ảnh người đàn ông Tây Nguyên với mái tóc dài đậm chất nghệ sĩ đưa tay gẩy nhạc, đánh mắt nhìn sang người vợ và nở nụ cười sảng khoái, như một bức tranh đẹp in giữa đại ngàn.

Nghệ nhân đa tài A Thui
Nghệ nhân đa tài A Thui

Tìm lại vốn cổ

Dứt bản nhạc, A Thui dừng tay đánh đàn và hồi tưởng lại những năm tháng ông cùng vợ bắt đầu công cuộc phục hồi lại văn hóa truyền thống trước nguy cơ mai một. Đó là vào khoảng những năm 2000 trở về trước, số người biết đánh chiêng trong Kon Trang Long Loi ngày càng ít dần, người thuộc các nhạc chiêng, bài cúng cũng không còn nhiều. A Thui cảm thấy rất lo lắng, sốt ruột, ông bàn với vợ phải ghi chép lại những bài chiêng, hát dân ca… để truyền dạy lại cho dân làng.

Vậy là mỗi tối khi đi làm về, A Thui ăn vội chén cơm rồi lại mang giấy, bút tìm đến những người còn giữ được văn hóa truyền thống để ghi chép lại các bài chiêng cổ. Được sự động viên, ủng hộ của các già làng, vợ chồng Nghệ nhân A Thui đứng ra mở các lớp dạy đánh chiêng cho đàn ông trong làng, dạy múa xoang cho phụ nữ và trẻ em. Kiên trì qua nhiều năm, đến nay thôn Kon Trang Long Loi đã có 3 đội chiêng: Đội chiêng lớn, đội chiêng nhí và đội chiêng nữ với nhiều độ tuổi”.

Năm 2018, được sự quan tâm của chính quyền địa phương, Câu lạc bộ Văn hóa Dân gian của thôn Kon Trang Long Loi được thành lập với 42 thành viên. Ông A Thui được chọn làm Chủ nhiệm CLB. CLB được thành lập nhằm tổ chức thêm các lớp truyền dạy cồng chiêng, xoang, truyền dạy những nhạc cụ truyền thống, tạo động lực cho các thế hệ gìn giữ cồng chiêng. Đến nay, Nghệ nhân A Thui đã đào tạo được hơn 100 người trong lĩnh vực đánh cồng chiêng.

Giữ “lửa” cho tình yêu văn hóa

Trong câu chuyện với chúng tôi, A Thui không ngừng nhắc về đội chiêng nhí do ông đào tạo. Ông cảm nhận được lũ trẻ có niềm đam mê với văn hóa cồng chiêng giống ông ngày trước. Kể từ ngày ông mở lớp dạy đánh cồng chiêng, dạy nhạc miễn phí ở nhà, lũ trẻ đến học rất đông đủ. Lũ trẻ làng thích A Thui bởi sự tận tâm và lòng thương trẻ. Đối với chúng, nhà ông A Thui cũng giống như ngôi nhà thứ 2 của mình.

Với những đóng góp tâm huyết trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc tại địa phương, ông A Thui vinh dự được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực nghệ thuật trình diễn dân gian (cồng chiêng, đàn t’rưng), tri thức dân gian (chỉnh chiêng). Còn bà Y Nhuih (vợ ông) cũng vinh dự được được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực cồng chiêng và múa xoang.

Bà Y Nhuih bộc bạch: Mỗi chiều, khi chuẩn bị cho bữa cơm tối, tôi đều nấu nhiều hơn một chút phòng khi lũ trẻ đói sẽ có cơm ăn. A Thui còn dặn tôi mua thêm vài chiếc chăn, chiếc gối để phục vụ lũ trẻ ngủ lại qua đêm khi tập luyện quá khuya. Lũ trẻ mê chiêng nên rất chăm chỉ tập luyện. Đội chiêng nhí cũng được mời đi biểu diễn tại nhiều sự kiện, hoạt động văn hóa. Số tiền thu được từ biểu diễn, vợ chồng tôi chia đều cho lũ trẻ để chúng có thêm động lực giữ gìn văn hóa truyền thống.

Nghệ nhân Y Nhuih vừa dứt lời, chúng tôi thấy lấp ló sau cánh cửa nhà sàn một cậu học trò nhỏ với đôi mắt lanh lợi. A Thui giới thiệu: “Đó là A Tran, cháu của Nghệ nhân Ưu Tú Y Yel cùng làng đó. A Tran tiếp thu nhanh nên rất giỏi đánh chiêng và đánh trống”.

Lũ trẻ làng kéo đến càng lúc càng đông, chúng tôi chào vợ chồng A Thui ra về để nhường chỗ cho lớp học của ông. A Thui bắt đầu vào dạy cho lũ trẻ, tiếng cồng chiêng vang lên trên mái nhà sàn như đang gọi mùa Xuân tới.