Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Nghệ sĩ Nhân dân Đinh Xuân La: Trọn đời với nghệ thuật múa dân gian Tây Nguyên

Phương Hạ - Thùy Dung - 18:53, 05/12/2020

Hiện sinh sống tại phường Hội Thương, TP. Pleiku (Gia Lai), Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Đinh Xuân La là gương mặt thân quen của khán giả. Hơn 50 năm qua, người nghệ sĩ tài năng này đã có những đóng góp quan trọng cho việc giới thiệu, bảo tồn, phát triển nghệ thuật múa dân gian Tây Nguyên.

Nghệ sĩ Nhân dân Đinh Xuân La: Trọn đời với nghệ thuật múa dân gian Tây Nguyên

“Bông hoa của núi rừng Tây Nguyên”

“Bông hoa núi rừng Tây Nguyên” là tên gọi khán giả, đồng nghiệp tặng cho NSND Xuân La vì tài năng cùng những cống hiến đáng trân trọng đối với sự nghiệp bảo tồn và phát triển nghệ thuật múa dân gian Tây Nguyên. NSND Xuân La cũng được coi là thầy của nhiều lớp nghệ sĩ tài năng sau này. 

Là người Hrê, sinh năm 1953, quê gốc xã Sơn Giàng, huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi), năm 1954, Xuân La theo cha tập kết ra Bắc. 6 tuổi, cô theo học tại Trường học sinh dân tộc Miền Nam ở Mễ Trì (Hà Đông). Cô bé Xuân La với cặp mắt to, đen tròn thích nhảy múa, bắt chước nhanh các điệu múa dân tộc, được thầy cô, bạn học rất yêu mến. 12 tuổi, Xuân La là 1 trong 20 học sinh được Trường Ca múa nhạc dân ca Tây Nguyên, rồi Trường múa Việt Nam tuyển chọn đào tạo năng khiếu, để rồi sau đó 3 năm, trở thành diễn viên Đoàn ca múa Nhân dân Tây Nguyên. 

Năng khiếu bẩm sinh, lại được những người thầy tài năng như NSND Y BRơm, nhạc sĩ Nhật Lai (nay đã mất) dìu dắt, Xuân La học rất nhanh các bài múa tập thể, kể cả những điệu múa khó. Tới năm 17 tuổi, Xuân La thành công vang dội với điệu múa “Tiếng trống Tây Nguyên”, được cử tham gia Đoàn Nghệ thuật múa dân gian Việt Nam biểu diễn ở nhiều nước như Liên Xô (cũ), Trung Quốc, Mông Cổ, Rumani, Bungari, Thái Lan, Lào, Campuchia... 

“Thành công trên con đường nghệ thuật của tôi, một phần quan trọng từ việc tôi luôn xác định cho mình một con đường, một phong cách riêng là đeo đuổi nghệ thuật múa dân gian”, NSND Xuân La tâm sự.

Trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật, NSND Xuân La từng nhiều lần cùng Đoàn ca múa Nhân dân Tây Nguyên hành quân lưu diễn phục vụ Nhân dân, cán bộ, chiến sĩ, nếm trải và chứng kiến gian khổ, khốc liệt của chiến tranh. Tuy nhiên, cùng với đồng đội, NSND Xuân La vượt qua tất cả, khi nghĩ đến các chiến sĩ và người dân đang trông đợi từng lời ca, điệu múa cách mạng. 

Hiện nay, nhiều diễn viên trẻ vẫn thường xuyên tìm đến Nghệ sĩ Xuân La nhờ uốn nắm động tác, kỹ năng múa mới
Hiện nay, nhiều diễn viên trẻ vẫn thường xuyên tìm đến Nghệ sĩ Xuân La nhờ uốn nắm động tác, kỹ năng múa mới

Trọn đời với nghệ thuật

Kể lại câu chuyện duyên nợ với vùng đất Gia Lai, NSND Xuân La chia sẻ: Sau khi Đoàn ca múa Nhân dân Tây Nguyên được giao về cho Gia Lai quản lý (sau này đổi thành Đoàn Ca múa nhạc Đam San, nay là Nhà hát ca múa nhạc tổng hợp Đam San), nhiều thành viên trong Đoàn tìm về quê hương sinh sống và hoạt động nghệ thuật, nhưng bà chọn ở lại cùng đoàn. “Đây là mảnh đất nuôi dưỡng tôi thành công trên con đường nghệ thuật. Đoàn ở đâu thì nhà tôi ở đó”, NSND Xuân La chia sẻ. 

26 năm gắn bó với Đoàn (1977 - 2003), NSND Xuân La đã có những đóng góp đưa Đoàn Ca múa nhạc Đam San từng bước phát triển, được đông đảo bạn bè trong và ngoài nước biết đến. Khi có tuổi, bà nhận nhiệm vụ biên tập, chỉ đạo nghệ thuật, rồi được bổ nhiệm là Phó Đoàn Ca múa Đam San. Thời gian này, NSND Xuân La đã sáng tác, dàn dựng, biên đạo thành công hàng trăm tác phẩm ca múa nhạc xuất sắc, được khán giả, nhất là khán giả Tây Nguyên nhớ mãi, như: Dâng rượu, Trên đường lên rẫy, Hồn cồng, Hái chè, Vui nhà mới… Một số tác phẩm được chọn tham gia các đợt lưu diễn phục vụ khán giả nước ngoài và cộng đồng người Việt ở nước ngoài, được đánh giá cao. 

Năm 2003, bà được bổ nhiệm Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai và giữ chức vụ đó cho đến ngày nghỉ hưu. Trong quá trình công tác, bà còn là đại biểu HĐND tỉnh Gia Lai trong 4 nhiệm kỳ, được cử tri, Nhân dân tín nhiệm.

Năm nay đã 67 tuổi, “Bông hoa núi rừng Tây Nguyên” không còn rực rỡ, nhưng chất phóng khoáng của một nghệ sĩ gắn bó với đại ngàn chẳng nhạt phai. Bà mời tôi đi thăm nhà, trân trọng giới thiệu những bức ảnh với nhiều kỷ niệm trong các lần lưu diễn. Nhiều nhất trong số đó là hình ảnh lộng lẫy, rạng ngời của cô gái Hrê trẻ trung, xinh đẹp hóa thân vào những điệu múa huyền ảo năm nào. 

NSND Xuân La bộc bạch: Văn hóa Tây Nguyên đang có những bước tiến quan trọng. Còn nhớ một thời, cồng chiêng Tây Nguyên đã bị chảy máu, nhưng nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương, nhất là từ khi Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại, cồng chiêng Tây Nguyên đã được bảo tồn, phát huy tốt hơn. Các hội thi cồng chiêng, hội diễn văn nghệ quần chúng, trong đó, các tiết mục cồng chiêng là phần quan trọng, đã góp phần duy trì một cách tích cực sự hiện diện của văn hóa Tây Nguyên trong đời sống văn hóa của Nhân dân.

Với những cống hiến quan trọng trong hoạt động nghệ thuật trong thời kỳ kháng chiến và thời bình; Đặc biệt là đóng góp vào bảo tồn văn hóa Tây Nguyên, năm 1984 bà được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú; Huân chương kháng chiến hạng III. Năm 1997, bà được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.

Nghệ sĩ Xuân La liên tục nhắc về sức khỏe của mình, lấy làm tiếc không thể “cháy” với nghệ thuật như xưa. Tuy nhiên, bà vui vì vẫn được mời dàn dựng, biên đạo nghệ thuật cho các hội diễn, hội thi văn hóa; tham gia làm giám khảo của nhiều hội thi, đêm diễn trong lĩnh vực văn hóa, các giải về nghệ thuật cồng chiêng.

Bà cũng thường xuyên được mời về lại Nhà hát ca múa nhạc tổng hợp Đam San để chia sẻ kinh nghiệm cho các thế hệ tiếp nối, cũng như để truyền lại cho các em. Điều mà bà luôn trăn trở: Dấn thân vào nghệ thuật, trước tiên phải đam mê. Thứ nữa, nghệ thuật luôn gắn với bản sắc. Với người Tây Nguyên, múa dân gian là bản sắc, là hồn cốt, không thể để mai một...

“Tôi hy vọng các bạn, nhất là các nghệ sĩ người DTTS đừng để lãng phí cơ hội kế cận bảo tồn văn hóa của mình, đừng ruồng bỏ văn hóa của cha ông để lại mà hãy nhân rộng, phát triển nó hơn để tô thêm vẻ đẹp của đất nước Việt Nam”, NSND Xuân La bộc bạch.