Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Nghi lễ Paralao Kasah ở làng Chăm Phò Trì

Bá Minh Truyền - 21:44, 08/10/2023

Trong quá trình giao lưu, hội nhập văn hóa, một số giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS trên cả nước nói chung, tỉnh Bình Thuận nói riêng đã dần bị mai một hoặc bị biến đổi, không còn đúng nguyên bản. Vì thế, nguồn lực từ Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình MTQG 1719 sẽ là “đòn bẩy” góp phần quan trọng vào công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa của dân tộc, trong đó có lễ hội truyền thống.

Ông Mbac đang sắp sáng ngọn nến làm bằng sáp ong trong nhà lễ Po Awluah chuẩn bị dâng lễ vật.
Ông Mbac đang thắp sáng ngọn nến làm bằng sáp ong trong nhà lễ Po Awluah chuẩn bị dâng lễ vật.

Tại tỉnh Bình Thuận, dân tộc Chăm có dân số trên 40.000 người, chiếm 30% dân số Chăm trong cả nước (sau tỉnh tỉnh Ninh Thuận), tập trung chủ yếu ở 4 xã thuần và 9 thôn xen ghép thuộc 6/10 huyện, thị thành phố của tỉnh. Người Chăm tại Bình Thuận theo hai tôn giáo chính, đó là Bà la môn giáo và Hồi giáo (Bàni), đồng thời vẫn bảo lưu nhiều hình thức tín ngưỡng dân gian bản địa và những lễ hội dân gian phản ánh sinh hoạt và cuộc sống cộng đồng.

Tại làng Phò Trì, xã Tân Thắng, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận, hằng năm, vào tháng Giêng theo lịch Chăm, đồng bào vẫn tổ chức nghi lễ Paralao Kasah (nghi lễ tống ôn) với sự tham gia của các chức sắc và đông đảo người dân.

Không gian tổ chức nghi lễ Paralao Kasah

Trong nghi lễ Paralao Kasah Praong có hai cái nhà lễ (Kajang), một nhà lễ dành cho Po Awluah mang tính biểu tượng cho thánh đường (Sang magik), đầu nhà lễ quay về phía Tây, được lợp mái, che chắn kín ở phần đầu nhà lễ. Ông Thông Văn Nhị ở thôn Phò Trì, xã Tân Thắng, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận cho biết: Ngày xưa khi làm lễ Paralao Kasah Praong, chức sắc Po Acar đến hành lễ trong nhà lễ Po Awluah. Ngày nay, công việc dâng lễ do ông Mbac phụ trách. Nhà lễ thứ hai có tên gọi là Kajang Yang, nghĩa là nhà lễ dùng để cúng lễ cho các thần linh, đầu nhà lễ quay về phía Đông, không có che chắn, chỉ lợp mái.

Người Chăm làng Phò Trì đang nặn bột thành những hình nhân và con vật.
Người Chăm làng Phò Trì đang nặn bột thành những hình nhân và con vật.

Trong nghi lễ Paralao Kasah Praong, chức sắc ông Mbac chủ trì nhà lễ Po Awluah, có nhiệm vụ sắp đặt các lễ vật, khấn lễ. Chức sắc bà Pajau, ông Maduen và ông Halau balang cùng nhau dâng lễ cho các thần linh trong nhà lễ Yang. Cuối cùng, các chức sắc mang các hình nhân và con vật nuôi được nặn bằng bột thả xuống sông trôi ra biển cả.

Lễ vật dâng cúng tại nhà lễ Yang, các lễ vật gồm có: 3 nải chuối, hạt nổ, 5 mâm cơm. Trên mỗi mâm cơm có 1 chén cơm vun, đĩa rau ghém, 2 chén canh lá môn, 1 chén canh gà, thịt gà luộc xé miếng, có 2 đĩa rau, thịt và 1 chén canh đặt lên trên. Các mâm lễ vật đều gắn cây nến sáp ong. Ngoài ra, còn có rượu, trứng, trầu cau và 1 ấm trà.

Tại nhà lễ Po Awluah lễ vật tương tự như trên. Các mâm lễ vật đều lót lá chuối và đặt ít muối trắng. Bên cạnh đó còn có nhiều đĩa cơm, đĩa rau và chén canh được sắp đặt nối tiếp nhau. Tại bàn tổ ông Mbac có 2 quả trứng, 1 chai rượu, trầu cau và ấm nước trà.

Sau khi dâng lễ vật mặn xong, người dân mang các lễ vật chay đến cúng lễ như chè ngọt, xôi, bánh bột hấp, hạt nổ và nước đường. Ông Mbac khấn mời các vị thần và ông bà và tổ tiên đến nhận lễ, cầu mong thần che chở cho dân làng. Tiếp đến, mọi người cùng nhau ăn chè.

Những hình nhân và con vật đã hoàn thành được đặt trên bè (Ahaok).
Những hình nhân và con vật đã hoàn thành được đặt trên bè (Ahaok).

Múa mừng

Trước khi múa mừng, chức sắc Maduen khấn các vị thần linh đến chứng giám và phù hộ độ trì cho dân làng, tống khứ những điều xấu xa, bệnh tật trong năm cũ đi, cầu xin những điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới.

Người múa lễ chính là bà Pajau. Bà Pajau múa lễ dâng cơm (tiếng Chăm gọi là Tamia tabak lisei hop - lễ vật mặn) và múa lễ dâng chè (lễ vật chay). Để đánh nhạc cho bà Pajau múa có 2 nghệ nhân đánh trống Ginâng, 1 nghệ nhân thổi kèn Saranai, ông Maduen vừa vỗ trống Baranâng vừa hát ngợi ca về tiểu sử và công đức các vị thần. Ngoài ra, còn có ông Halau balang múa phụ hoạ theo bà Pajau ở bên ngoài nhà lễ.

Khi múa dâng lễ cho Po Tang, bà Pajau sử dụng các đạo cụ múa như quạt giấy, khăn đỏ cầm tay, trên vai đeo túi vải. Bà Pajau cầm chai rượu mời các chức sắc và các nghệ nhân đánh trống, thổi kèn và các bô lão. Ông Halau balang múa theo nhịp điệu phụ họa theo bà Pajau. Sau khi múa dâng lễ cho Po Tang, tiếp đến là Po Gihlau và Po War Palei. Đến lượt múa dâng lễ Po Nai, bà Pajau chỉ mặc áo dài màu trắng, choàng khăn halang màu trắng trên vai múa. Lúc này, ông Halau balang không tiếp tục múa phụ họa theo, đạo cụ bà Pajau múa là 1 chiếc khăn màu đỏ, 1 cây quạt được mở ra.

Bà Pajau (mặc áo đỏ) múa dâng lễ cho các vị thần.
Bà Pajau (mặc áo đỏ) múa dâng lễ cho các vị thần.

Múa dâng lễ cho Cei Riyak, Cei Khai, bà Pajau mặc áo màu đỏ, đeo túi vải. Khi múa đến vị thần Cei Karei Angan, bà Pajau lấy thuốc lá hút. Sau đó, cầm chai rượu uống trước khi tiếp tục múa, bà Pajau mời rượu cho ông Halau balang, mời các nghệ nhân đánh trống, thổi kèn, rồi trở lại múa dâng lễ. Cuối cùng, bà Pajau múa dâng lễ cho tổ tiên, ông bà. Kết thúc lễ múa, bà Pajau cầm cây quạt dập tắt những ngọn nến.

Sau khi nghỉ ngơi ăn chè, bà Pajau tiếp tục múa dâng lễ cho lễ vật chay. Các vị thần thỉnh mời, các đạo cụ và điệu múa chỉ lập lại giống như múa lễ dâng cơm.

Tống ôn

Theo ông Đào Ngọc Sơn ở làng Phò Trì, Tống ôn còn có tên gọi khác là Tống na, tức là tống tiễn những thứ xấu xa, dịch bệnh, ô uế ra khỏi làng. Từ buổi chiều, người dân trong làng Phò Trì đã mang đến những cục bột để cho bà Pajau xông trên khói trầm trước khi nặn thành các hình nhân, các con gia súc và gia cầm. Những hình nhân, vật nuôi nặn bằng bột, người Chăm làng Phò Trì gọi là Anâk Nât, người Chăm ở Phan Rang gọi là Salih. Tất cả, các hình nhân được các chức sắc thổi hồn ban cho sự sống và dặn dò hình nhân mang đi những rủi ro, xấu xa, dịch bệnh và tai ương ra khỏi làng.

Những ngọn nến được thắp sáng cùng các hình nhân được thả trôi sông.
Những ngọn nến được thắp sáng cùng các hình nhân được thả trôi sông.

Khi bà Pajau múa dâng lễ vật chay xong, những ngọn nến trên bè (Ahaok) đặt hình nhân được tháp sáng lên. Bà Pajau thực hiện nghi thức Maong nhằm mục đích tiên đoán, nhận biết vị thần nào sẽ mang những hình nhân đi tống ôn. Trong năm 2023, bà Pajau lên đồng cho biết, Po Dhat nhận nhiệm vụ tống ôn. Trước khi tống ôn, bà Pajau tiếp tục múa dâng lễ cho Po Klaong Barau, Po Haniim Par và Po Dhat. Rồi bà Pajau kéo chiếu cói, khăn trắng dùng để đặt lễ vật ra khỏi nhà lễ. Bà Pajau múa di chuyển xung quanh chiếc bè đang chở những hình nhân sáng rực bởi ngọn nến. Chiếc bè được nhiều người khiêng di chuyển đi vòng quanh qua nhà lễ Po Awluah, mang thả trôi sông ra biển cả. Tất cả, các chức sắc, những người đến tham dự lễ Paralao Kasah Praong cùng nhau vui mừng đã hoàn thành nghi lễ Tống ôn.

Nghi lễ Paralao Kasah là một sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa truyền thống của người Chăm làng Phò Trì với ý nghĩa tống khứ đi những điều xấu xa, không may mắn trong năm cũ và cầu mong những điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới. Qua việc thực hành nghi lễ, người Chăm bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, góp phần làm phong phú và đa dạng các di sản lễ hội đặc sắc của dân tộc.