Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Tục cúng đất của người Chăm Bình Thuận

Mai Quang Chiêu - 11:09, 05/10/2023

Bước vào năm mới theo Chăm lịch, người Chăm ở tỉnh Bình Thuận nói chung và người Chăm ở xã Phan Hoà, huyện Bắc Bình nói riêng đều tổ chức lễ cúng đất (Éw Tanâh). Lễ cúng đất được tổ chức vào ngày thứ ba, thứ tư và thứ bảy trong tuần của tháng Giêng tính theo Chăm lịch (nhằm vào tháng 4 lịch chung).

Ông Sà đang cúng đất. Ảnh: Uranam Campa
Ông Sà đang cúng đất. Ảnh: Uranam Campa

Xã Phan Hoà có đông người Chăm theo đạo Bà Ni, sinh sống tập trung ở 3 thôn: Bình Thắng, Bình Minh và Bình Hoà. Đạo Bà Ni du nhập từ đạo Hồi (Islam), sau đó được người Chăm bản địa hoá nhằm phù hợp với văn hoá tín ngưỡng của người Chăm. Trên địa bàn xã có 3 nơi sinh hoạt tôn giáo, người Chăm gọi là Sang Magik. Ngoài niềm tin thờ Đấng Tạo hoá (Po Lingik), người Chăm còn thờ các vị thần thiên nhiên, các vị vua có công với đất nước, thờ tổ tiên… Người Chăm gìn giữ nguyên vẹn các nghi lễ truyền thống như Rija Nagar, Rija Dayep, Ramawan, Mbeng Mukkei, Éw Tanâh (cúng đất)…

Vào dịp đầu năm Chăm lịch, các làng Chăm ở Bình Thuận nếu có điều kiện về kinh tế, họ sẽ tiến hành tổ chức lễ Rija Nagar với phạm vi thôn làng (palei). Sau khi tổ chức Rija Nagar, các gia đình tổ chức nghi thức cúng đất (Éw Tanâh), diễn ra trong phạm vi của mỗi gia đình.

5 mâm lễ cúng đất

Nghi thức cúng đất tên tiếng Chăm là "Éw Tanâh" (cúng đất). Đây là lễ cúng mà các gia đình người Chăm bày tỏ lòng thành của mình đối với thần đất, các vị thần bản địa, các vong linh đã khuất trên mảnh đất mà người Chăm đang sinh sống.

Gia đình bà Đặng Thị Hạnh ở xã Phan Hòa tổ chức cúng đất chuẩn bị 5 mâm cơm: 1 mâm cơm đặt trên mâm cao, 3 mâm cơm đặt trên chiếc mâm thấp và 1 phần đặt trên chiếu. Lễ vật dâng cúng gồm: 1 cặp gà luộc, 1 nải chuối, 2 trứng vịt, 1 đĩa trầu cau, xôi chè, cơm canh, cá kho, cá nướng, rượu…

Lễ vật trong cúng đất. Ảnh: Uranam Campa
Lễ vật trong cúng đất. Ảnh: Uranam Campa

Sau đó, gia đình mời một vị cao niên chuyên phụ trách các lễ tục bản địa (Éw Yang) mà người Chăm ở cùng xã hay gọi là “Ông Sà” để thực hiện nghi lễ cúng đất.

Ông Sà ngồi hướng mặt về phía đông, trải chiếu, sau đó đặt các món lễ vật các mâm để cúng. Ông Sà khấn bằng tiếng Chăm mời lần lượt các vị thần của người Chăm như Po Inâ Nagar, Po Klaong Garai, Po Romé, Po Klaong Kasait về dự lễ, cuối cùng là mời các vong linh mất trên mảnh đất gia chủ đang sinh sống về dự lễ cùng. Văn khấn của ông bằng tiếng Chăm, dịch ra tiếng phổ thông như sau: “Hôm nay, đầu năm ngày lành tháng tốt, gia đình có tổ chức lễ cúng đất, tôi xin đại diện gia chủ cung kính các ngài về hưởng mâm lễ, phù hộ độ trì cho gia chủ được bình an, làm ăn phát đạt”.

Ông Đặng Văn Cư ở thôn Bình Minh, xã Phan Hòa cho biết: “Đầu năm Chăm lịch, người dân quê tôi thường tổ chức nghi lễ cúng đất. Những ngày có thể tổ chức nghi lễ cúng đất là vào thứ Ba, thứ Tư và thứ Bảy. Những người làm ông Sà mặc áo trắng như tôi có nhiệm vụ đi giúp bà con thực hiện nghi lễ này”.

Giữ gìn lễ tục cúng đất

Ông Sà thực hiện nghi lễ cúng đất tại một hộ gia đình. Ảnh: Uranam Campa
Ông Sà thực hiện nghi lễ cúng đất tại một hộ gia đình. Ảnh: Uranam Campa

Là một xã thuần người Chăm theo đạo Bani sinh sống, ngoài các nghi lễ của đạo, người Chăm nơi đây vẫn còn gìn giữ nguyên lễ tục cúng đất. Từ lúc cất nhà năm ngoái, gia đình bà Đặng Thị Hạnh ở thôn Bình Thắng, xã Phan Hòa đều không quên tổ chức nghi lễ cúng đất. Bà Đặng Thị Hạnh chia sẻ: “Hai năm gần đây, gia đình tôi đều tổ chức cúng đất để khấn mời thần đất và các vị thần khác hãy đến thụ hưởng các lễ vật và ban cho gia đình tôi có sức khỏe, chở che cho con tránh tai ương, bệnh tật, để con cháu được học hành tới nơi tới chốn”. Sau mỗi đợt tổ chức lễ cúng đất, gia đình bà Hạnh chăm chỉ làm ăn với niềm tin được ơn trên phù hộ, gia đình chăm lo cho con cái học hành chu đáo, ngoan giỏi.

Ở xã Phan Hòa, không chỉ gia đình bà Hạnh mà còn có rất nhiều các gia đình khác cũng tổ chức nghi lễ cúng đất vào dịp đầu năm mới với mong muốn cầu những điều tốt lành đến với gia đình. Họ tin vào các vị thần bản địa sẽ trấn giữ đất đai, phù hộ cho con cháu, tránh những tai ương, bệnh tật, mang lại cuộc sống ấm no cho người dân.