Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Già làng Thông Minh Tìm tận tuỵ với làng Chăm Palei Mali

Hà Thanh Tú - 19:53, 02/10/2023

Không lâu nữa, ngày 13-14 tháng 10 năm 2023, Lễ hội Pô Sah Inư truyền thống hàng năm của đồng bào Chăm Bình Thuận sẽ diễn ra tại tháp Pô Sah Inư (phường Phú Hài, TP Phan Thiết). Để chuẩn bị cho lễ hội truyền thống của dân tộc, thời gian này, ông Thông Minh Tìm, Người có uy tín của làng Chăm Palei Mưli lại càng bận rộn, tất bật.

Rước kiệu ở làng Chăm Palei Mưli
Rước kiệu ở làng Chăm Palei Mưli

Vào dịp lễ hội Pô Sah Inư, hàng chục làng Chăm theo đạo Bà La Môn trên địa bàn tỉnh Bình Thuận sẽ hội tụ, tổ chức rước kiệu, thi giã gạo, làm bánh gừng, đội nước… qua đó bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống dân tộc Chăm. Làng Chăm Palei Mưli (thôn Hiệp Nghĩa, xã Tân Thuận, Hàm Thuận Nam) cũng có đội thi tham gia. Vào những ngày này, công việc chuẩn bị cho lễ hội trở nên gấp gáp. Đội thi của làng Chăm Palei Mưli tập dượt cả ngày, đêm. Ông Thông Minh Tìm, Người có uy tín của làng Chăm am hiểu những quy định của các cuộc thi nên rất bận rộn. Ông theo dõi, động viên các thành viên trong đội, thị phạm một số động tác để mọi người làm theo.

Bận rộn như vậy nhưng khi chúng tôi đề nghị ông chia sẻ đôi nét về làng Chăm Palei Mưli, về thành tích hơn 10 năm liền, làng được Công an Bình Thuận, UBND tỉnh tặng giấy khen, Bằng khen về thành tích: “Dòng họ tự quản bảo đảm an ninh trật tự”, và chuyện người khá giả trong làng ngày một nhiều… thì ông phấn chấn, say sưa chuyện trò.

Ông Tìm kể, làng Chăm Palei Mưli có 240 hộ người Chăm, 890 khẩu. Nhiều năm trước, đời sống của người dân phụ thuộc vào 24 ha đất màu, đất lúa 1 vụ, năng suất thấp. Sau khi trừ mọi chi phí, bình quân thu nhập của các hộ  chỉ đạt 10 triệu đồng/năm. Người làng Chăm đi làm thuê, bán rong kiếm sống khắp nơi. Tình trạng người thất nghiệp khá nhiều, một số người còn dính vào tệ nạn xã hội.

Ông Thông Minh Tìm, Người có uy tín của làng Chăm Palei Mưli đọc Báo Dân tộc và Phát triển.
Ông Thông Minh Tìm, Người có uy tín của làng Chăm Palei Mưli đọc Báo Dân tộc và Phát triển.

Từ năm 2002, được dân làng bầu làm già làng, kiêm Trưởng ban đại diện dòng họ tự quản, ông Tìm không khỏi trăn trở. Trong suy nghĩ của ông, đời sống khó khăn là một trong nhiều nguyên nhân dẫn con người sa vào tệ nạn xã hội, gia đình xáo trộn. Độc canh cây màu, cây lúa trong điều kiện đất đai bạc màu, năng suất kém khiến người Chăm cứ mãi đói nghèo. Vì vậy, việc trước mắt là chủ động tìm việc làm thêm như nhận khoán bảo vệ rừng, làm dịch vụ cho các cơ sở sản xuất, chế biến nông sản trên địa bàn.

“Tôi họp làng, đề nghị các gia đình chuyển dần sang trồng cây thanh long. Ban đầu ít vốn thì làm ít. Từ vài trăm trụ thanh long rồi tiến dần lên. Chưa có tiền đầu tư phân thì mua trả chậm. Chưa có kinh nghiệm thâm canh thanh long thì tham dự các khoá tập huấn do xã, huyện tổ chức. Đăng ký nhận khoán bảo vệ rừng với khu Bảo tồn Thiên nhiên Tà Cú. Theo đó, mỗi hộ được nhận 40 ha rừng, mức khoán 200 ngàn đồng/ha/năm. Những gia đình có đất 1 vụ lúa, tranh thủ thời tiết sản xuất thêm 1 vụ màu, chú trọng tới cây bắp ngắn ngày để bán bắp trái, thay vì bắp hạt phơi khô như trước”, ông Tìm chia sẻ lại cách làm công tác tuyên truyền.

Già làng Thông Minh Tìm làm gương cho cả làng bằng việc trồng thanh long. Đầu tiên là 1 sào đất vườn, rồi hai sào đất sản xuất. Tiền bán thanh long được dùng vào việc lắp đặt bình điện hạ thế để chủ động tưới thanh long. Cả làng theo đó làm theo gia đình ông. Đến cuối năm 2010, bình quân mỗi hộ làng Chăm có 4 sào thanh long (400 trụ). Một năm làm 3 vụ (kể cả vụ chong đèn), mỗi hộ có thu nhập đạt trên dưới 120 triệu đồng/năm, sau khi đã trừ chi phí. Năm được mùa, được giá, mỗi hộ có tổng thu đạt trên 150 triệu đồng. Đây là thời điểm tình trạng thất nghiệp của làng Chăm được đẩy lùi.

Vườn thanh long ở xã Tân Thuận, Hàm Thuận Nam
Vườn thanh long ở xã Tân Thuận, Hàm Thuận Nam

Thời điểm từ năm 2002 đến 2010, làng Chăm Palei Mưli có 70 hộ nghèo thì nay chỉ còn 7 hộ. Gần 100 hộ trong thôn được vay vốn nuôi bò, vay vốn chương trình nước sạch để cải thiện nguồn nước sinh hoạt; học sinh- sinh viên khó khăn được vay vốn để hỗ trợ học tập… Nhưng chỉ trong vài năm, các hộ đều đã trả được vốn vay.

“Từ năm 2010 trở đi, thời điểm làng Chăm cần đẩy lùi các tệ nạn xã hội. Họp dân, tôi nói với bà con: “Chỉ cần con em vướng vô ma tuý, cả gia đình bị kéo theo. Chưa kể con em vào tù ra khám. Tôi cũng nói với dân đừng để xảy ra trộm cắp trong làng, dẫn tới nghi kỵ nhau. Tôi đặc biệt chú ý tới hôn nhân gia đình, chống tảo hôn và bạo lực gia đình. Với người Chăm, người vợ có vai trò quan trọng trong gia đình, song không vì vậy mà xem thường chồng! Làng xóm phải bảo đảm an ninh trật tự… Làng Chăm Palei Mưli vì vậy được xã, huyện biểu dương nhiều lần. Người làng lấy đó làm niềm tự hào, quyết tâm giữ vững những thành quả đạt được.”

Gần đây, thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS (Chương trình MTQG 1719), mặc dù thanh long rớt giá nhưng ông Tìm vẫn vận động dân duy trì diện tích hiện có; tận dụng đất vườn xen canh cây họ đậu; tiếp tục nhận khoán bảo vệ rừng; làm dịch vụ, làm công nhân cho các công ty may xuất khẩu… để bảo đảm nguồn thu. Cũng như một số địa phương khác, làng Chăm Palei Mưli đề cao hình thức: chồng làm nông nghiệp, vợ làm công nghiệp trong mỗi gia đình. Về thành tích chung, tính đến tháng 10 năm 2023, làng Chăm Palei Mưli đã có 13 năm không xảy ra cờ bạc trong dân; không xảy ra gây rối mất trật tự; không tranh chấp đất đai trong nội bộ dân; 100% hộ dân không ma tuý…

Riêng ông Thông Minh Tìm ở tuổi gần bảy mươi, nhưng nhờ sự gương mẫu, tận tuỵ, coi việc làng như việc nhà mình nên được cả làng kính trọng. 21 năm liền (2002 - 2023), ông được dân tín nhiệm bầu làm già làng, Người có uy tín, kiêm Trưởng ban đại diện dòng họ tự quản. Gia đình ông là gia đình hiếu học. Trong 6 người con ông, có người tốt nghiệp Đại học sư phạm, người đang chuyên tu bác sĩ, hướng dẫn viên du lịch…