Buổi làm việc của Bộ Dân tộc và Tôn giáo và Hội đồng Dân tộc của Quốc hội về một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 liên quan đến công tác dân tộc, chính sách dân tộc
Tham dự buổi làm việc có đồng chí: Y Thanh Hà Niê Kđăm, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; các đồng chí Phó Chủ tịch, Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội.
Về phía Bộ Dân tộc và Tôn giáo, tiếp và làm việc với Hội đồng Dân tộc của Quốc hội có đồng chí Đào Ngọc Dung, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng; đồng chí Y Vinh Tơr, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng; các đồng chí Thứ trưởng: Nông Thị Hà, Nguyễn Hải Trung; Thủ trưởng các vụ, đơn vị thuộc Bộ.
Trách nhiệm đối với lĩnh vực công tác dân tộc
Tại buổi làm việc, thay mặt Thường trực Hội đồng Dân tộc, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm chúc mừng Bộ trưởng Đào Ngọc Dung được Đảng, Nhà nước phân công đảm nhiệm lĩnh vực công tác mới – Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết: Thời gian qua, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội và Ủy ban Dân tộc (trước đây), Bộ Dân tộc và Tôn giáo ngày nay đã phối hợp chặt chẽ trong nhiều hoạt động, tổ chức triển khai Quy chế phối hợp công tác giai đoạn 2022 – 2026. Sự phối hợp chặt chẽ của hai cơ quan đã đem lại nhiều kết quả tích cực trong công tác xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật; công tác giám sát và tham mưu quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước trong lĩnh vực dân tộc.
Năm 2025, thời điểm đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển của dân tộc. Các cơ quan của hệ thống chính trị, trong đó có Hội đồng Dân tộc và Bộ Dân tộc và Tôn giáo đã tập trung thực hiện việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, bảo đảm “hiệu năng, hiệu quả” theo chủ trương của Đảng, nhanh chóng đưa bộ máy vào thực hiện các nhiệm vụ theo kế hoạch, không để “khoảng trống” trong công tác. Đây cũng là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 – 2025 của đất nước, trong đó, có những nhiệm vụ yêu cầu, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, tích cực, chủ động và trách nhiệm giữa hai cơ quan, giữa lãnh đạo Bộ Dân tộc và Tôn giáo và Thường trực Hội đồng Dân tộc, giữa các đơn vị tham mưu, giúp việc của hai cơ quan.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm mong muốn hai cơ quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ và thường xuyên hơn để tham mưu hoàn thiện thể chế, thực hiện hiệu quả công tác dân tộc, chính sách dân tộc trong giai đoạn tớiTheo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm, mục tiêu của buổi làm việc là trao đổi, thảo luận, tìm các giải pháp hiệu quả cho một số nhiệm vụ thuộc phạm vi lĩnh vực phụ trách, một số công việc trọng tâm cần có sự phối hợp chặt chẽ của hai cơ quan.
Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung cảm ơn Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã dành thời gian đến thăm, làm việc với Bộ Dân tộc và Tôn giáo. Đây không chỉ thể hiện sự tích cực trong công tác phối hợp, giám sát, mà còn là tình cảm, trách nhiệm, sự quan tâm đến lĩnh vực công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc; cùng với Bộ Dân tộc và Tôn giáo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, thực hiện hiệu quả công tác dân tộc, chính sách dân tộc thời gian tới.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, tròn 1 tháng từ khi Bộ Dân tộc và Tôn giáo được thành lập, Bộ đã tích cực, bắt tay ngay vào kiện toàn bộ máy, thực hiện nhiệm vụ, với tinh thần không “câu giờ”.
“Công tác dân tộc, tôn giáo là vấn đề có ý nghĩa chiến lược của Đảng, Nhà nước ta. Với mục tiêu phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc, tôn giáo, làm nền tảng cho sự phát triển của đất nước. Đây là gốc của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Bộ Dân tộc và Tôn giáo xác định trọng trách cao cả trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân, để chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phát huy hiệu quả trong thực tiễn”.
Tiếp tục tập trung giải quyết những vấn đề bức thiết nhất ở vùng DTTS và miền núi
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã thảo luận, đánh giá việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai giai đoạn 2021-2025. Theo đó, hai cơ quan đã đánh giá, xác định rõ những kết quả đạt được, đặc biệt nhận diện những tồn tại, hạn chế, tìm ra nguyên nhân cốt lõi của những tồn tại, hạn chế. Trên cơ sở đó, đề xuất, điều chỉnh, định hướng mô hình chính sách phù hợp cho giai đoạn tiếp theo.
Hai cơ quan đồng thuận đề xuất nội dung Chương trình giai đoạn 2026-2030, trong đó đảm bảo ưu tiên tối thiểu phải đủ 05 nội dung thành phần nhằm tập trung giải quyết đồng bộ nhóm vấn đề “05 nhất” vẫn còn tính thời sự cao trên địa bàn vùng DTTS và miền núi, đó là: Điều kiện cơ sở hạ tầng khó khăn nhất; Chất lượng nhân lực thấp nhất; Kinh tế - xã hội chậm phát triển nhất; Tiếp cận dịch vụ khó khăn nhất; Tỷ lệ hộ nghèo cao nhất. Chương trình tập trung vào những vấn đề bức thiết nhất ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, như: hạ tầng; sinh kế; nguồn nhân lực; tuyên truyền, vận động...
Hai cơ quan cũng thảo luận nhiệm vụ phân định miền núi, vùng cao; phân định vùng DTTS và miền núi theo trình độ phát triển. Đây là nội dung quan trọng cần thực hiện làm cơ sở cho việc tổ chức lại hệ thống chính sách dân tộc trong giai đoạn tới. Trong bối cảnh sáp nhập đơn vị hành chính, nhất là cấp xã như hiện nay, cần khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi tiêu chí và ban hành danh mục các đơn vị hành chính thuộc miền núi, vùng cao, vùng DTTS và miền núi theo trình độ phát triển phù hợp, làm cơ sở thực hiện chính sách dân tộc.
Đồng thời, thảo luận, đề xuất việc thực hiện xác định thành phần, tên gọi các dân tộc Việt Nam. Tên gọi thành phần các dân tộc Việt Nam được khẳng định trong Hiến pháp và pháp luật như một quyền cơ bản cao nhất về chính trị đối với các dân tộc. Tuy nhiên việc xác định thành phần dân tộc hiện nay nổi lên một số vấn đề cần giải quyết về mặt quản lý nhà nước. Hai cơ quan đã thảo luận, tìm hướng đi, giải pháp phù hợp cho nhiệm vụ chính trị quan trọng này.
Tại buổi làm việc, hai cơ quan cũng cho ý kiến về nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất định hướng xây dựng Luật về lĩnh vực dân tộc. Theo đánh giá của Hội đồng Dân tộc, mặc dù hiện tại, nước ta có khối lượng khá lớn chính sách, pháp luật về dân tộc, nhưng đến nay, chưa có Luật riêng, tổng thể, điều chỉnh về các mối quan hệ trong lĩnh vực dân tộc, mà các chính sách dân tộc nằm rải rác ở các luật chuyên ngành khác nhau. Các văn bản, chính sách dưới luật về phát triển kinh tế - xã hội ở vùng DTTS và miền núi tuy linh hoạt trong điều chỉnh, nhưng tính ổn định không cao, thiếu tính đồng bộ, khó thực hiện, chưa đảm bảo giải quyết được toàn diện các vấn đề bất cập trong công tác dân tộc và đảm bảo thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và cụ thể hóa quy định Hiến pháp trong giai đoạn hiện nay. Do đó, đây cũng là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng, làm cơ sở để đề nghị xây dựng Luật về lĩnh vực dân tộc vào nhiệm kỳ tới đây.
Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: Bộ Dân tộc và Tôn giáo xác định trọng trách cao cả trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân, để chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phát huy hiệu quả trong thực tiễn
Bên cạnh đó, tại buổi làm việc, hai bên cũng trao đổi, thảo luận về các vấn đề quan trọng khác có liên quan đến lĩnh vực công tác dân tộc, như: nhiệm vụ xây dựng Đề án của Đảng đoàn Quốc hội về “Nghiên cứu đồng bộ hoá chính sách dân tộc trong hệ thống chính sách, pháp luật theo các Nghị quyết của Đảng và Hiến pháp năm 2013”; việc phối hợp tổng kết các Kết luận, Chỉ thị của Đảng về công tác dân tộc, đặc biệt là việc tham mưu, tổng kết Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa IX) về công tác dân tộc…
Đồng thời, hai cơ quan cũng cho ý kiến về nhiệm vụ nghiên cứu trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết về xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn hiện nay…
Phối hợp nhịp nhàng, dân chủ, cùng nhau tìm ra chân lý, để đi đến thống nhất
Sau khi lắng nghe các đại biểu hai cơ quan cho ý kiến thảo luận, đặc biệt là những kiến nghị đề xuất của các đại biểu dự họp về các nội dung liên quan, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm đánh giá, buổi làm việc đã cùng trao đổi, thống nhất nhiều nội dung quan trọng, các hoạt động phối hợp sẽ thực chất hơn trong thời gian tới.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm mong muốn hai cơ quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ và thường xuyên hơn để tham mưu hoàn thiện thể chế, thực hiện hiệu quả công tác dân tộc, chính sách dân tộc trong giai đoạn tới.
Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: Cuộc làm việc đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp. Bộ trưởng đề nghị các đồng chí lãnh đạo Bộ và các đơn vị chức năng tiếp thu các ý kiến tại cuộc làm việc, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quyết liệt triển khai các nhiệm vụ đảm bảo tiến độ, thời gian, phân công, phân nhiệm theo tinh thần 6 “rõ”. Điều quan trọng nhất là phải hoàn thiện thể chế, vì đây là hành lang pháp lý quan trọng, là “chìa khóa” đi đến thành công.
Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, công tác phối hợp giữa Bộ Dân tộc và Tôn giáo và Hội đồng Dân tộc Quốc hội phải theo phương châm phối hợp nhịp nhàng, dân chủ, cùng nhau tìm ra chân lý, để đi đến thống nhất, có như vậy thì sự nghiệp công tác dân tộc mới đi đến sự đồng thuận, đạt được thắng lợi.
Về một số vấn đề cụ thể, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thống nhất với các nội dung thảo luận. Đặc biệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn tới tập trung giải quyết những vấn đề bức thiết nhất ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, theo nguyên tắc phân cấp, phân quyền mạnh cho địa phương. Xác định, thành phần tên gọi các dân tộc đảm bảo tính chuẩn xác, đúng quy định của pháp luật. Nghiên cứu chính sách đặc thù về công tác cán bộ người DTTS, nhưng cũng phải đặt trong tổng thể chung của quốc gia, đảm bảo tính khả thi, phù hợp với thực tiễn…