Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung phát biểu chỉ đạo tại Hội nghịTham dự Hội nghị còn có Thứ trưởng Nguyễn Hải Trung, lãnh đạo các vụ, đơn vị thuộc Bộ; lãnh đạo các Sở Dân tộc và Tôn giáo trên địa bàn cả nước.
Sinh kế vùng đồng bào DTTS và miền núi được nâng lên rõ rệt
Báo cáo của Bộ Dân tộc và Tôn giáo cho thấy: Kết quả triển khai Chương trình MTQG 1719 trong thời gian qua đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi. Các dự án, tiểu dự án và nội dung chính sách của Chương trình đã góp phần đáng kể vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế và giảm nghèo trên địa bàn.
Đời sống kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã có bước phát triển rõ rệt. Sinh kế của người dân ngày càng đa dạng, thu nhập được nâng lên và đời sống không ngừng cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS giảm bình quân gần 4%/năm, cao hơn so với tỷ lệ giảm nghèo chung của cả nước, góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng.
Các nội dung đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế địa phương đã phát huy vai trò quan trong trọng việc hỗ trợ người dân sản xuất theo định hướng của thị trường. Nhiều hạng mục công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ dân sinh trên địa bàn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS và miền núi được đầu tư xây dựng, đóng góp đáng kể vào việc thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ xã hội như y tế, giáo dục... đặc biệt là trên địa bàn các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn.
Quang cảnh Hội nghịCác chính sách hỗ trợ và phát triển sinh kế giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống và phát triển kinh tế. Công tác hỗ trợ đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm góp phần giải quyết việc làm ổn định cho một lực lượng lao động rất lớn trên địa bàn. Những thành tựu này thể hiện sự nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị và đồng bào DTTS, góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững và thịnh vượng chung của đất nước...
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai chương trình vẫn còn một số khó khăn, thách thức. Đơn cử như một số nội dung thuộc Chương trình triển khai còn chậm; kết quả giải ngân vốn sự nghiệp còn thấp; trong quá trình triển khai thực hiện văn bản hướng dẫn của cấp Trung ương, nhiều địa phương còn lúng túng, đôi chỗ còn có nhiều cách hiểu khác nhau trong quá trình nghiên cứu, vận dụng triển khai các quy định, văn bản hướng dẫn của cấp Trung ương...
Từ những khó trên đòi hỏi trong xây dựng Chương trình giai đoạn tiếp theo cần có sự điều chỉnh linh hoạt trong chính sách và cách thức triển khai để đảm bảo hiệu quả của Chương trình.
Nhiều ý kiến, đề xuất tâm huyết
Tại Hội nghị, nhiều đại biểu đã có những tham luận để làm rõ thêm những thuận lợi, vướng mắc trong quá trình thực hiện các nội dung, dự án thuộc Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn.
Cà Mau là một trong những địa phương có tỷ lệ giải ngân thực hiện Chương trình cao so với cả nước. Đến cuối tháng 2/2025, tỉnh đã giải ngân hơn 92% nguồn vốn giai đoạn 2021 – 2025. Riêng trong năm 2025, tỉnh mới được bố trí vốn đầu tư phát triển, và đang trong giai đoạn hoàn thiện hồ sơ giải ngân. Riêng Dự án 1 (chiếm 50% vốn đầu tư năm 2025), tỉnh chỉ đạo hoàn thành giải ngân trong tháng 6/2025.
Ông Lê Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Khánh Hòa phát biểu tại Hội nghịTheo lãnh đạo Sở Dân tộc và Tôn giáo Cà Mau, bên cạnh quyết liệt thực hiện hiệu quả các nội dung, dự án, tiểu dự án thành phần để phát triển sinh kế cho người dân; các địa phương trong tỉnh còn vận dụng khá hiệu quả các nội dung hỗ trợ và nguồn lực từ Chương trình cho nhiệm vụ bảo tồn và phát huy truyền thống tốt đẹp của vùng đồng bào DTTS.
“Một số dự án tác động trực tiếp đến đời sống của người dân vùng đồng bào DTTS (chiếm hơn 75% vốn từ Chương trình), tỉnh ưu tiên thực hiện và bước đầu phát huy hiệu quả. Kết quả giải ngân bình quân hằng năm hơn 90%. Các dự án từ nguồn vốn sự nghiệp, địa phương cũng linh hoạt trong vấn đề giải ngân để triển khai thực hiện, trung bình khoảng 80% mỗi năm”, lãnh đạo Sở Dân tộc và Tôn giáo Cà Mau cho biết.
Còn ông Lê Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Khánh Hòa, cho biết: Năm 2024, tỉnh đã giải ngân hơn 87% tổng số vốn Chương trình giai đoạn 2021 – 2025 để thực hiện các dự án, tiểu dự án. Thời gian ban đầu gặp khó khăn do còn một số vướng mắc, tuy nhiên sau đó được các bộ, ngành cùng địa phương tháo gỡ.
Việc triển khai Chương trình đã mang lại nhiều hiệu quả đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh. Đơn cử như thu nhập bình quân của người DTTS tăng gấp đôi so với năm 2021; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hằng năm 7,2%; các hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% đồng bào DTTS tham gia bảo hiểm y tế; hai huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh đã thoát khỏi huyện nghèo.
Phát biểu tham luận, ông A Vô Tô Phương, Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo Quảng Nam đề xuất nhiều vấn đề liên quan đến việc thực hiện Chương trình MTQG trên địa bàn. Như, hiện nay Quảng Nam đặt mục tiêu 100% trường đạt chuẩn quốc gia cấp độ I, nhưng thực tế mới đạt 60%. Đặc biệt là các trường bán trú, nội trú ở khu vực miền núi đã được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Tỉnh đề xuất các bộ, ngành hỗ trợ nguồn lực để tỉnh hoàn thành mục tiêu này trong giai đoạn sắp tới.
Ông A Vô Tô Phương – Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo Quảng Nam nêu nhiều đề xuất tại Hội nghịHay đối với Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, Chính phủ đã có chỉ đạo quyết liệt đến tháng 10 năm 2025 phải hoàn thành. Để đạt được mục tiêu, tỉnh Quảng Nam đề xuất các ngành chức năng hỗ trợ thêm nguồn lực để địa phương thực hiện.
Một vấn đề nữa cũng rất cấp bách đó là, tỉnh Quảng Nam cần nguồn lực đủ mạnh để triển khai quy hoạch di dời các hộ dân khỏi vùng nguy cơ sạt lở cao. Tuy nhiên, trong giai đoạn I của Chương trình chỉ có khoảng 100 tỷ đồng được phân bổ cho 6 huyện đặc biệt khó khăn. Với số vốn này không đủ để xây dựng khu tái định cư tập trung. Nhu cầu hiện nay, mỗi huyện cần ít nhất 3 khu tái định cư, với dự tính cần khoảng 600 tỷ đồng. Vì vậy, tỉnh Quảng Nam đề xuất hỗ trợ thêm trong giai đoạn tới.
Lãnh đạo Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Quảng Nam cũng đề xuất mở rộng đối tượng hỗ trợ trong các dự án phát triển sản xuất, đặc biệt là đối với các hộ kinh doanh, sản xuất giỏi. Các hộ này có thể trở thành tấm gương để bà con học hỏi trong phát triển kinh tế.
Cần sớm tháo gỡ “điểm nghẽn” để thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719 trong giai đoạn tới
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung, cho biết: Hội nghị đã cùng nhau nghiên cứu, bàn bạc các vấn đề quan trọng trong thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo, đặc biệt là việc thực hiện Chương trình MTQG 1719, đề xuất nội dung Chương trình giai đoạn II từ năm 2026 đến năm 2030. Qua đó, tìm cách tháo gỡ những tồn tại, hạn chế và khó khăn trong thực hiện Chương trình MTQG 1719 và các chính sách dân tộc, tôn giáo nói chung; đồng thời đề xuất nhiều giải pháp, định hướng thiết thực, phù hợp để nâng cao hiệu quả thực hiện công tác dân tộc, tôn giáo trong thời gian tới.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, hiện nay có 3 chỉ tiêu quan trọng cần tập trung giải quyết, gồm vấn đề về đất đai hiện nay vẫn chưa hoàn toàn đáp ứng yêu cầu cho sản xuất nông nghiệp; vấn đề hạ tầng cứng (giao thông, điện, nước…) và hạ tầng mềm (giáo dục, y tế, công nghệ thông tin...), cần cải thiện để đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững và cần có chiến lược để đạt được mục tiêu xóa nghèo bền vững.
“Mặc dù chúng ta có nguồn lực tài chính dồi dào, nhưng việc triển khai các dự án vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, chúng ta cần phải thúc đẩy việc giải ngân nguồn vốn để thực hiện Chương trình một cách hiệu quả hơn”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lưu ý.
Các đại biểu dự Hội nghị Đối với mục tiêu giai đoạn 2026 – 2030, Bộ trưởng đề nghị các bộ, ngành và địa phương cần tập trung vào một số lĩnh vực trọng tâm như giáo dục, y tế, nhà ở cho người nghèo, hỗ trợ sinh kế cho vùng đồng bào DTTS và miền núi…
Cụ thể, đối với giáo dục cần mở rộng chính sách miễn học phí cho học sinh, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các trường học miền núi và xây dựng nhà ở miễn phí cho giáo viên ở những khu vực khó khăn.
Về y tế, cần chú trọng đến công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào DTTS như miễn phí toàn bộ dịch vụ khám chữa bệnh. Hơn nữa, cần nâng cao chất lượng y tế cơ sở để đảm bảo mọi người dân đều được chăm sóc sức khỏe tốt nhất.
Đối với vấn đề về nhà ở cho người nghèo và gia đình chính sách, các địa phương cần quyết liệt vào cuộc để đạt được mục tiêu đã đặt ra.
Theo Bộ trưởng, cần phải đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam không còn hộ nghèo. Đây là mục tiêu khó khăn nhưng hoàn toàn có thể đạt được nếu chúng ta tập trung vào các chương trình giảm nghèo bền vững.
Các đại biểu tham dự Hội nghịNgoài ra, tư duy cần phải đổi mới, sức mạnh của chúng ta không chỉ đến từ nguồn lực tài chính mà còn từ tư duy sáng tạo và cách thức tham mưu đúng đắn. Cần phát huy tư duy đột phá trong công tác lãnh đạo để tạo ra những bước tiến vượt bậc. Tuy nhiên, tư duy sáng tạo này cần được biến thành hành động thực tế, đặc biệt là trong việc thực hiện các chương trình, dự án tại cơ sở. Tư duy sáng tạo của các lãnh đạo cần phải được truyền tải và áp dụng rộng rãi trong mọi cấp, từ Trung ương đến địa phương, như thế mới phát huy hiệu quả, nhằm tạo ra những bước tiến vượt bậc trong công tác dân tộc, tôn giáo.